ĐẠO GIA
ĐẠO HỌC TÔNG SƯ – LÃO TỬ
(tiếp theo)
Chính phản tương ỷ biện chứng pháp
Lão Tử có câu nói nổi tiếng:
Hoạ hề phúc chi sở ỷ, phúc hề hoạ chi sở
phục.
祸兮福之所倚,福兮祸之所伏
Ý nghĩa là, hoạ là tiền đề sản sinh ra
phúc, còn phúc lại bao hàm nhân tố hoạ, hoạ phúc không phải là luôn vĩnh hằng bất
biến. Câu chuyện “Tái ông thất mã” đã thuyết minh một cách sinh động đạo lí
này.
Ngày trước có một người sống ở nơi
cách xa biên tái không xa. Ngày nọ, con ngựa mà anh ta nuôi bỏ chạy ra ngoài
biên tái. Hàng xóm đều đến tiếc cho ông, phụ thân của anh ta lại nói rằng: “Làm
sao biết đó chẳng phải là một việc tốt sao?” Qua mấy tháng sau, con ngựa đó trở
về, lại còn dẫn theo một con tuấn mã Hung Nô. Hàng xóm đến chúc mừng, phụ thân
của anh ta nói rằng: “Làm sao biết đó chẳng phải là một việc xấu sao?” Sau đó,
anh ta nhân vì cưỡi ngựa mà không điều khiển được, kết quả ngã ngựa gãy chân.
Hàng xóm đều đến an ủi, phụ thân của anh ta lại nói: “Làm sao biết đó lại chẳng
phải là một việc tốt sao?” Một năm sau, Hung Nô cử binh xâm lược, trai tráng gần
đó đều bị bắt đi làm lính, rồi hi sinh trong chiến tranh. Anh ta do vì gãy chân
nên không xuất chinh, bảo toàn được tính mệnh cùng phụ thân sống với nhau.
Câu chuyện này cho chúng ta biết, việc
tốt việc xấu có thể chuyển hoá cho nhau, trong điều kiện nhất định, phúc sẽ biến
thành hoạ, hoạ cũng có thể biến thành phúc. Đó chính là tinh hoa và là điểm
sáng của tư tưởng Lão Tử - biện chứng pháp mộc mạc giản dị.
Lão Tử cho rằng, tất cả vạn vật trong vũ trụ đều có hai mặt chính và phản đối lập, cả hai bổ sung phối hợp cho nhau, nương vào nhau, hơn nữa trong một điều kiện nhất định có thể hỗ tương chuyển hoá. Ví dụ, chỉnh bởi vì có xấu nên mới biết như thế nào là đẹp, nếu không có xấu thì sẽ không biết đẹp, đẹp xấu là tương đối; và như âm thanh to lớn nhờ vào yên tĩnh mới có thể thể hiện ra; sắc thuần trắng trong sắc ô trọc mới có thể thể hiện ra. Với cách nhìn của Lão Tử, thiện ác, hữu vô, nan dị, trường đoản, cao hạ, âm thanh, tiền hậu đều là tiền để hỗ tương cho sự tồn tại của nhau, không có cái này thì cái kia cũng không tồn tại, đồng thời ông đề xuất một loạt những quan điểm như dĩ nhu khắc cương 以柔克刚, đại thành nhược khuyết 大成若缺 ... rất đặc biệt.
Vô vi nhi trị
Về phương lược trị quốc, Lão Tử đề xuất
“vô vi nhi trị” 无为而治. Vô vi nhi trị chính là không làm bất cứ điều gì ngược
lại với quy luật tự nhiên, tổn hại quy phạm đạo đức, trái với phép tắc xã hội,
có hại chúng sinh. Nhưng vô vi ở đây hoàn toàn không phải là cái gì cũng không
làm, mà là hàm nghĩa là không làm xằng, không làm bậy, mà phải thuận ứng với
thái thế khách quan. Lão Tử nêu ví dụ: trị lí quốc gia cũng giống như chiên một
con cá nhỏ, không nên thường lật qua lật lại. Đối với những người làm chính trị,
cần tránh cách làm cực đoan, xa xỉ, quá độ. Dựa theo quy luật tự nhiên mà định
ra pháp luật, chế độ tương ứng, không tuỳ tiện thay đổi. Mọi người trong pháp
luật, chế độ như vậy, ra sức phát huy thông minh tài cán của mình, xã hội tự
nhiên sẽ được ổn định.
Chủ trương “vô vi nhi trị” từng là phương lược trị quốc của một số triều đại trong lịch sử Trung Quốc. Cái học Hoàng Lão 黄老đầu thời Tây Hán đã hấp thụ tư tưởng vô vi nhi trị, thích ứng với hình thế sau động loạn chính trị cuối đời Tần, dân tâm hướng tới một cuộc sống ổn định, cường điệu thanh tĩnh vô vi, chủ trương giảm nhẹ thuế khoá dao dịch, để dân được nghỉ ngơi, ít can thiệp hoặc không can thiệp vào đời sống chính trị và đời sống kinh tế của nhân dân, có tác dụng tích cực đối với sự ổn định và phát triển xã hội đương thời. Như Hán Văn Đế 汉文帝 tại vị 23 năm, cung thất, viên lâm, cẩu mã, phục sức và khí cụ ngự dụng không tăng thêm thứ gì. Ông từng định xây dựng một bình đài lộ thiên, triệu tập thợ bàn tính, tốn gần 100 cân vàng. Ông cảm thán nói rằng: “100 cân vàng tương đương với gia sản của một hộ trung bình”. Thế là bỏ ý định đó. Những kẻ thống trị đầu đời Đường và đầu đời Tống cũng từng lợi dụng tư tưởng vô vi nhi trị để điều hoà xử lí mâu thuẫn xã hội đương thời, đồng thời có được hiệu quả. Như Tể tướng Triệu Phổ 赵普 đầu đời Tống, mỗi khi nhận được văn thư của các sĩ đại phu vạch trần tố giác lẫn nhau, chẳng xem qua gì cả, cho một mồi lửa, bề ngoài giống như không có trách nhiệm, nhưng thực tế là ngăn chặn việc mưu tính hại nhau, giữ được sự “an định đoàn kết” lúc bấy giờ.
Có thể thấy, vô vi nhi trị hoàn toàn không phải là lấy “vô vi” 无为 làm mục đích, mà là lấy “hữu vi” 有为 làm mục đích, tức lấy quy luật của “vô vi” mà “vi” 为 (làm), phát huy tính năng động chủ quan của con người. Nếu con người can thiệp tiến trình phát triển của sự vật, dựa theo nguyện vọng chủ quan nào đó mà can dự hoặc cải biến trạng thái tự nhiên của sự vật, thì kết quả chỉ là “yết miêu trợ trưởng” 揠苗助长 (nhón mạ cho mau lớn) (1), rước lấy thất bại. (hết)
Chú của người dịch
1-
Yết miêu trợ trưởng揠苗助长: thành ngữ
này xuất xứ từ Mạnh Tử - Công Tôn Sửu thượng
孟子 - 公孙丑上.
Tống
nhân hữu mẫn kì miêu chi bất trưởng nhi yết chi giả, mang mang nhiên quy, vị kì
nhân viết: “Kim nhật bệnh hĩ! Dư trợ miêu trưởng hĩ!” Kì tử xu nhi vãng thị
chi, miêu tắc cảo hĩ.
宋人有闵其苗之不长而揠之者, 芒芒然归, 谓其人曰: “今日病矣! 予助苗长矣!” 其子趋而往视之, 苗则槁矣.
(Có người nước Tống lo lắng mạ của
mình không lớn bèn nhón chân mạ cao lên. Làm cả ngày mệt nhọc, về đến nhà nói với
người nhà rằng: “Hôm nay mệt quá! Ta đã giúp cho mạ mau lớn.” Người con nghe
nói vội chạy ra ruộng xem, mạ đã khô héo hết.)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/10/2020
Nguyên tác Trung văn
ĐẠO HỌC TÔNG SƯ –
LÃO TỬ
道学宗师 - 老子
Trong quyển
NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG
TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ
(quyển 1)
一本书读懂中国传说文化
Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航
Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản
2019