Dịch thuật: Đạo gia: Đạo học tông sư - Lão Tử

 

ĐẠO GIA 

ĐẠO HỌC TÔNG SƯ – LÃO TỬ 

          Lão Tử 老子 (khoảng năm 571 – năm 471 trước công nguyên), tính Lí , danh Nhĩ , tự Bá Dương 伯阳, còn gọi là Lão Đam 老聃, người làng Khúc Nhân 曲仁, hương Lệ , huyện Khổ nước Sở thời Xuân Thu, Triết học gia và Tư tưởng gia vĩ đại thời cổ của Trung Quốc, người sáng lập phái Đạo gia học 道家学. Tinh hoa tư tưởng của ông là biện chứng pháp mộc mạc giản dị, chủ trương vô vi nhi trị, học thuyết của ông có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển triết học Trung Quốc.    

Ẩn quân tử dã

          Lão Tử tuy trong lịch sử Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn, nhưng đáng tiếc sự tích liên quan đến cuộc đời ông khó mà khảo chứng tường tận, ngay cả năm sinh năm mất của ông cũng không được lưu lại. Tư Mã Thiên 司马迁trong Sử kí 史记 khi viết truyện về ông, cũng nhân vì không thể khảo chứng ngày tháng năm sinh năm mất của ông, chỉ là nêu mấy truyền thuyết có khả năng liên quan với ông, xem như “dĩ nghi tồn nghi”, cuối cùng chỉ viết rằng “Lão Tử, ẩn quân tử dã” 老子, 隐君子也.

          Lão  Tử xuất thân trong một gia đình sĩ đại phu, là hậu duệ của Sử quan 史官 thế gia, từ nhỏ đã ham đọc sách, học thức sâu rộng. Khoảng năm 550 trước công nguyên, hậu kì thời Chu Linh Vương 周灵王, nhậm chức Thủ tàng thất sử 守藏室史 của vương triều Chu (quan lại quản lí sách vở thư tịch). Tại đây, ông để tâm vào thư tịch, kiến văn được mở rộng, đối với nhân thế càng có nhận thức sâu sắc, hình thành tư tưởng sâu xa huyền diệu, trở thành ngôi sao trí tuệ. Năm 520 trước công nguyên, Chu Cảnh Vương 周景王giá băng, nội bộ vương thất triều Chu phát sinh động loạn, đảng của Tử Cái 子丐 và Vương Tử Triều 王子朝tranh đoạt vương vị, Vương Tử Triều mang một số lớn điển tịch của triều Chu chạy sang nước Sở. Lão Tử bởi trách nhiệm, mất chức Thủ tàng thất sử. Về sau, Lão Tử thấy vương triều Chu suy vi, bèn cưỡi thanh ngưu đi về phía tây. Trên đường lúc ngang qua Hàm Cốc quan 函谷关, quan lệnh Doãn Hỉ 尹喜 biết ông sắp đi ẩn cư nên giữ ông lại, nói rằng:

          - Ngài sắp đi ẩn cư, xin đem học thuyết kiến giải của ngài viết ra.

          Theo bản ý của Lão Tử, Lão Tử không muốn lưu lại bất cứ văn tự nào, nhưng không nỡ với lời khuyên của Doãn Hỉ, cuối cùng ở lại Hàm Cốc quan mấy ngày, lưu lại bộ Đạo đức kinh 道德经 5000 lời. Sau khi sách viết xong, Lão tử bèn sống một cuộc sống ẩn cư, người đời sau không biết tung tích của ông.

Không gì không có trong “Đạo”

          Đạo là hạt nhân của học thuyết tư tưởng Lão Tử. Còn như thế nào là Đạo, từ trước tới nay là một vấn đề khiến mọi người đau đầu. Thiên mở đầu Đạo đức kinh là:

Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh.

道可道, 非常道. 名可名, 非常名

          Nói rằng Đạo vừa không thể trực tiếp biểu đạt ra, cũng không thể xác định danh xưng. Nhưng đồng thời ông cũng cho rằng, Đạo tuy không thể định nghĩa nhưng có thể hình dung miêu hoạ. Lão Tử nói rằng, Đạo tồn tại phổ biến, không nơi nào mà không đến, không có gì mà không chứa, nhưng Đạo khác với cảm giác sự vật cụ thể, nhìn nó nhưng không thấy, nghe mà không thấy tiếng, sờ mà không được, là thứ mà cấu thành bản chất chung của vạn vật thiên địa. Đạo mà Lão Tử nói, là một khái niệm chung cực, là bản nguyên và quy luật phổ biến của vũ trụ. Lão Tử cảm giác được “Đạo”, nhưng khổ nỗi tìm không ra từ vựng chuẩn xác để biểu đạt, cho nên tạm dùng “Đạo” để đặt tên. Nhân đó học phái mà ông khai sáng được gọi là Đạo gia.

          Trước Lão Tử, đối với căn nguyên sinh thành vạn vật, người ta chỉ suy luận là “thiên”, còn như “thiên” có căn nguyên hay không thì hoàn toàn không nói tới, mãi đến khi Lão Tử đề xuất “Đạo”. Lão Tử cho rằng, thiên địa vạn vật đều do Đạo sinh ra. Nhân đó, ông còn dùng ví dụ thông tục thậm chí mạnh dạn để nói rõ. Ông nói Đạo hoài thai nuôi dưỡng vạn vật, giống như sinh thực khí mẫu tính, liên miên bất tuyệt, sinh sinh bất tức, dưỡng dục thiên địa vạn vật.

          Đồng thời Lão Tử cũng cho rằng, sau khi Đạo sinh thành vạn vật. lại làm căn nguyên trong tự thân của thiên địa vạn vật tồn tại. Ông nêu ví dụ rằng, kẻ sĩ thượng tầng cả ngày "dưỡng tôn xử ưu" 养尊处优 (1), không hiểu tình huống hạ tầng, nghe nói Đạo, chỉ dùng văn tự lí giải, cho rằng giản đơn, vội gấp thực hiện rộng rãi, cốt ở chỗ thành công ngay lập tức; kẻ sĩ trung tầng nghe nói Đạo, đối với thượng tầng hạ tầng biết một mà hiểu một nửa, nhận thức đối với đạo mơ hồ không rõ ràng, không biết thực hiện như thế nào; kẻ sĩ hạ tầng nghe nói Đạo, liền cười ha hả, bởi họ sống tại cơ tầng, nhập vào trong những sự việc vụn vặt của dân chúng, phát hiện Đạo bao hàm trong những sự việc mà họ luôn tiếp xúc trong cuộc sống thường ngày, chẳng có gì thần kì, khiến không thể không cười ha hả. “Đạo” tuyệt đối bao hàm trong sự vật cụ thể một cách tương đối. Với cách nhìn của Lão Tử, nếu không hiểu được cuộc sống thường ngày thì không thể làm rõ “Đạo”, cũng không thể hành “Đạo” ..... (còn tiếp)

Chú của người dịch

1- Dưỡng tôn xử ưu 养尊处优: Ví người ở vào địa vị tôn quý, sống một cuộc sống dư dả. Thành ngữ “dưỡng tôn xử ưu” này xuất xứ từ Thướng Hàn xu mật thư 上韩枢密书 của Tô Tuân 苏洵:

          Thiên tử giả, dưỡng tôn nhi xử ưu, thụ ân nhi thu danh, dữ thiên hạ vi hỉ lạc giả dã.

          天子者, 养尊而处优, 树恩而收名, 与天下为喜乐者也.

          (Thiên tử là người ở vào địa vị tôn quý, sống một cuộc sống dư dả, dựa vào việc ra ân huệ mà có được danh tiếng, tạo điều kiện để thiên hạ được vui vẻ an lạc)

http://chengyu.t086.com/cy11/11089.html

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                                Quy Nhơn 14/10/2020

Nguyên tác Trung văn

ĐẠO HỌC TÔNG SƯ –  LÃO TỬ

道学宗师 - 老子

Trong quyển

NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG

TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ

(quyển 1)

一本书读懂中国传说文化

Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航

Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019

Previous Post Next Post