Dịch thuật: "Trà" ở Trung Quốc

 “TRÀ” Ở TRUNG QUỐC

          Thời viễn cổ của Trung Quốc đã có chuyện thần thoại như sau: Truyển thuyết kể rằng vào thời Thần Nông 神农, nhân loại dần đông lên, nhưng dã thú cũng nhiều. Người ta dựa vào săn bắn nhưng khó đủ có được thức ăn. Lại thêm thức ăn thời bấy giờ đều nuốt, nhân đó mà thường sinh bệnh. Đã bệnh người ta không biết phải uống thuốc  gì, có lúc lấy thứ độc hại làm thuốc uống, mất cả tính mạng. Vì việc đó mà Thần Nông vô cùng lo âu, hạ quyết tâm phải tìm cách để định kì có được thức ăn. Trong truyền thuyết, bụng của Thần Nông trong suốt, có thể nhìn thấy gan phổi rất rõ ràng, thức ăn nuốt xuống cũng có thể nhìn thấy được tình trạng tiêu hoá. Thần Nông bèn dựa vào bụng, xem thức ăn ăn vào sẽ phát sinh biến hoá gì. Thế là Thần Nông bắt đầu nếm trăm loại cỏ.
          Thần Nông chuẩn bị hai cái túi, một cái để bên trái, một cái để bên phải. Những thứ có thể ăn được bỏ vào túi bên trái làm thức ăn, những thứ không  thể ăn được bỏ vào túi bên phải làm thuốc
          Thần Nông nếm một chiếc lá non xanh, phát hiện khi nó xuống bụng đã tẩy sạch các bộ phận. Thần Nông gọi nó là “tra” , về sau người ta lại gọi nó là “trà” . Trà ở Trung Quốc có lịch sử lâu đời, đến thời Thương Thang 商汤, người ta bắt đầu dùng trà làm thức uống phổ biến.
          Nhưng chữ (trà) xuất hiện tương đối muộn, tiền thân của chữ (trà) là chữ (đồ), cây đồ vốn gọi là (giả), nhân vì lá của nó có vị đắng như trà. Mãi đến thời Nam Bắc Triều, đồ đại biểu (giả) mới phân xuất âm đọc “trà”, đến đời Đường, chữ (đồ) bị người ta giảm bớt một nét ngang, thành chữ (trà) như hiện nay. Chữ “đồ” trong tiểu triện rất giống với chữ “trà” 茶 hiện nay.
          Thời cổ có nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến việc uống trà thành nghiện.
          Đời Tấn có một người tên Vương Mông 王蒙 rất thích uống trà. Phàm có khách đến, ông liền ra sức mời khách uống trà, đến mức khiến người ta phát sợ. Một lần nọ, có người muốn đến gặp ông, trước khi đi trong lòng không yên, nói rằng:
          - Hôm nay gặp thuỷ tai rồi!
          Lục Vũ 陆羽 đời Đường, người đương thời đều gọi ông là “Trà tiên” 茶仙, người đời sau lại tôn xưng ông là “Trà thần” 茶神, “Trà thánh” 茶圣. Lục Vũ không chỉ ham thích trà, coi trà như mạng sống của mình, mà còn nghiên cứu kĩ về trà, viết ra bộ sách Trà kinh 茶经 gồm 3 quyển liên quan đến trà. Về sau những người buôn trà dùng đất sét tạo ra hình tượng của ông đặt trên bếp, thờ làm Trà thần. Khi mua bán thì dùng trà dâng cúng, nếu không có buôn bán thì lấy nồi nấu nước nóng rưới lên tượng.
          Thái Tương 蔡襄 đời Tống rất giỏi phân biệt các loại trà. Đương thời tại Năng Nhân tự 能仁寺 ở thành Kiến An 建安 Phúc Kiến 福建 (nay là huyện Kiến Âu 建瓯 Phúc Kiến福建) có một cây trà mọc lên từ khe đá, người ta gọi là “Thạch nham bạch” 石岩白. Có một lần, tăng nhân trong chùa đem lá trà này tặng cho quan Vương Vũ Ngọc 王禹玉. Gặp lúc Thái Tương đến thăm, Vương Vũ Ngọc liền dùng trà này đãi ông. Thái Tương bưng tách trà lên, chưa uống đã nói:
          - Trà này dường như là Thạch nham bạch ở Năng Nhân tự, sao ông lại có được?
          Mấy lời của ông khiến Vương Vũ Ngọc thán phục mãi.
          Ở Trung Quốc, trà đã hình thành văn hoá trà với một nguồn gốc lâu đời và sự phát triển rộng rãi, trải các đời đều có trà phường 茶坊, trà lâu 茶楼, trà quán 茶馆 ... Ngoài ra còn có trà đạo 茶道, nó là sứ giả giao lưu văn hoá trong và ngoài nước. Trà Trung Quốc từ rất sớm đã truyền vào Nhật Bản, Nepal, Ấn Độ, đồng thời những quốc gia này đã trồng và trà đã có sự phát triển.
           
                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 07/9/2020

Nguồn
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧
Quang Minh nhật báo xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post