Dịch thuật: Thuận phong một lá vượt sang bến Tề (1626) ("Truyện Kiều")


THUẬN PHONG MỘT LÁ VƯỢT SANG BẾN TỀ (1626)
          Thuận phong một lá: “một lá” ở đây chỉ chiếc thuyền. Trong Hán văn cổ, “biên chu” 扁舟 chỉ chiếc thuyền  nhỏ và nhẹ, lượng từ của thuyền thường dùng chữ / “diệp” (lá). Thành ngữ “Nhất diệp biên chu” 一叶扁舟 (một chiếc thuyền con) rất được các văn thi sĩ Trung Quốc sử dụng, như:
          Hoàng Quang Phổ 黄光溥đời Đường trong Đề Hoàng cư thái thu sơn đồ 题黄居寀秋山图 đã viết:
Mộ yên mịch mịch toả thôn ổ
Nhất diệp biên chu hoành dã độ
暮烟幂幂锁村坞
一叶扁舟横野渡
(Khói chiều bao phủ xóm làng
Thuyền con một chiếc nằm ngang bến đò)
          Tô Thức 苏轼 đời Tống trong Tiền Xích Bích phú 前赤壁赋 cũng đã viết:
Giá nhất diệp chi biên chu, cử bào tôn dĩ tương chúc
驾一叶之扁舟,举匏樽以相属
(Thả một chiếc thuyền con trên sông, nâng chén rượu cùng nhau chúc)
          Phan Huy Thực khi dịch Tì bà hành 琵琶行 của Bạch Cư Dị 白居易, đến 2 câu:
Đông thuyền tây phảng tiễu vô nhiên
Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch
東船西舫悄無然
惟見江心秋月白
Cũng đã dịch là:
Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt
Một vầng trăng trong vắt lòng sông

Dặn dò hết các mọi đường
Thuận phong một lá vượt sang bến Tề
(“Truyện Kiều” 1625 – 1626)

Xét: Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 1626 là:
Thuận phong một lá vượt sang BIỂN Tề

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 09/9/2020


Previous Post Next Post