THÚ QUÊ THUẦN
HỨC BÉN MÙI (1593)
Câu này
gốc từ thành ngữ “Thuần lư chi tư” 莼鲈之思, hình dung tình cảm
nhớ quê hương.
Thuần 莼 là tên một loại rau; lư 鲈 là tên một loại
cá. Thành ngữ “Thuần lư chi tư” liên quan đến câu nói của Trương Hàn 张翰 thời
Tây Tấn:
Trương
Hàn 张翰 tự
Quý Ưng 季鹰, người Ngô Giang 吴江,
là một tài tử, thi thư đều giỏi. Nói đến Trương Hàn, người ta thường nhắc đến
món rau thuần và cá lư. Trong Tấn thư –
Trương Hàn truyện 晋书 - 张翰传 có viết:
Trương Hàn tại Lạc, nhân kiến thu phong khởi,
nãi tư Ngô Trung uyển thái thuần canh, lư ngư quái, viết: ‘Nhân sinh quý thích
chí, hà năng ki hoạn sổ thiên lí dĩ yếu danh tước hồ!’ Toại mệnh giá nhi quy.
张翰在洛, 因见秋风起, 乃思吴中苑菜莼羹, 鲈鱼脍, 曰: ‘人生贵适志, 何能羁宦数千里以要名爵乎!’ 遂命驾而归.
(Trương
Hàn lúc ở tại ấp Lạc, thấy gió thu nổi lên, liền nhớ tới món canh rau thuần, thịt
cá lư ở quê nhà Ngô Trung, bèn nói rằng: ‘Đời người quý ở chỗ được theo chí của
mình, sao lại vì việc mưu cầu công danh tước vị mà trói buộc thân mình nơi xa
ngàn dặm.’ Bèn sai thị tùng đóng ngựa trở về quê nhà)
Thú quê thuần
hức bén mùi
Giếng vàng đã
rụng một vài lá ngô
(“Truyện Kiều” 1593 - 1594)
Thuần hức: Rau thuần và cá hức. Trương Hàn đời Tấn làm quan ở
Kinh, thấy chính sự không ra gì, chợt nhớ đến thức ăn ở quê nhà là rau thuần và
cá lư, cáo quan mà về.
KOM đã
ghi rõ chữ “hức” (bộ 魚bên trái, chữ 或 bên
phải) âm “hức”. Theo NQT, con hức là một giống cá cùng loại với cá lư, chứ
không phải là con ba ba. Con “vực” với bộ 虫 (trùng) cạnh chữ 或 (hoặc) là một giống ba ba. Còn con cá “vược” lại là giống
cá khác cá lư của Trương Hàn. Lúc nhỏ nó còn được gọi là mẹ ghẻ, lớn lên là cá
trôi, khi lớn hẳn là cá vược. Rau thuần không phải là rau rút, mà là một loại
sen nước, lá hình bầu dục mùa hạ ra hoa màu đỏ, lá non có thể ăn được, hương vị
rất ngon, mọc rất nhiều ở Giang Nam, Tây Hồ. Theo Xuân Diệu, “Thú quê thuần vược
bén mùi”, nghe không hay bằng “thuần hức”. Nguyễn Du bắt buộc phải dùng chữ trắc
ở chữ thứ tư câu lục, cho nên dùng chữ “hức” thay cho chữ “lư” là những con cá
cùng loại.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Tấn thư: Trương Hàn nhân thu phong tư thuần
quắc tức tạ bệnh quy hương.
晉書: 張翰因秋風思蓴鱸即謝病歸鄉
(Sách Tấn:
Ngươi Trương Hàn nhân gió thu nghĩ muốn ăn rau thuần cá anh vũ, tức khắc cáo bệnh
về quê)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới,
1960)
Xét: Về chữ “hức” (bộ 魚bên
trái, chữ 或 bên
phải)
Chữ này trong Khang Hi tự điển bính âm là xù . “Tập vận” 集韻 phiên thiết là HỐT VỰC 忽域,
âm 洫 (hức),
giải thích là “ngư danh” (tên cá).
Cũng
trong Khang Hi tự điển nói thêm, trong
Chính tự thông 正字通 cho biết: Ở “Lục
thư cố” 六書故 giải thích là đồng nghĩa với chữ “dịch” (bộ 魚bên
trái, chữ 役 (dịch)
bên phải). Chữ “dịch” cũng giải thích là “ngư danh”, nhưng ghi rõ là “hữu tứ
túc” 有四足 (có
4 chân), giống loài rùa nhưng đi nhanh.
(Khang Hi tự điển 康熙字典Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003), trang 1467,
1469)
Như vậy chữ “hức” này là loài
có 4 chân giống như rùa, không phải loài cá. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu và Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan không thu
thập chữ này.
Chữ “hức” ở câu 1593 trong Truyện Kiều theo ý riêng, đọc là “vược”.
Đọc là “vược” là dịch từ chữ “lư” 鱸 một loại cá ngon trong tiếng Hán, đây là một chữ Nôm gồm
hình phù là bộ “ngư” 魚, thanh phù là ½ chữ
“vực” 域 để
phiên thành âm “vược”, tên một loại cá. Khi tạo chữ “vược” tình cờ trùng với chữ
“hức” (loài có 4 chân) có sẵn trong tiếng Hán, cho nên nhìn vào mặt chữ dễ nhầm
tưởng là chữ “hức”.
Bản “Kim Vân Kiều”
của Bùi Khánh Diễn phiên âm “quắc” là do tự dạng của chữ “hức (Hán) / vược
(Nôm)” gần giống với chữ “quắc” 馘 ở chữ Hán.
An Chi trong “Truyện Kiều” bản Duy Minh Thị
1872, cho rằng:
“Thuần vược” của tiếng Việt, chính là “thuần
lư” [蓴鱸] của tiếng Hán, mà xuất xứ là “Trương Hàn
truyện” trong Tấn thư.”
Bản “Kim Vân Kiều” của Bùi Khánh Diễn, câu 1593 là:
Thú quê thuần QUẮC bén mùi
Trong “Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn
phiên Nôm, hai câu này là:
NON XUÂN thuần vược bén mùi
Giếng vàng đã NẨY một vài TIN ngô
(Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)
Trong "Từ điển Truyện Kiều" bản in năm 2000, câu 1593 đã phiên âm lại là:
NON QUÊ thuần VƯỢC bén mùi
Và giải thích là rau thuần và cá vược..... Xưa nay người ta đọc theo chữ hán là "hức" là sai.
Trong "Từ điển Truyện Kiều" bản in năm 2000, câu 1593 đã phiên âm lại là:
NON QUÊ thuần VƯỢC bén mùi
Và giải thích là rau thuần và cá vược..... Xưa nay người ta đọc theo chữ hán là "hức" là sai.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 01/9/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật