Dịch thuật: Tần Thuỷ Hoàng sáng lập chế độ (kì 2)

 

TẦN THUỶ HOÀNG SÁNG LẬP CHẾ ĐỘ

(kì 2)

           Để thể hiện địa vị và sự uy nghiêm của mình, Tần Thuỷ Hoàng ngoài quy định chỉ có ông mới tự xưng là “trẫm” ra, ông còn sáng chế ra chế độ “tị huý” 避讳. “Huý” là chỉ tên của hoàng đế, bất cứ ai khi nói chuyện hoặc viết văn đều phải tránh; phải sử dụng chữ tương đồng với tên của hoàng đế, thậm chí là âm đọc tương đồng cũng phải tránh hoặc viết khác đi. Ví dụ như chữ “chính” trong “Chính nguyệt” 正月 (tháng Giêng) đồng âm với chữ “chính” là tên của Tần Thuỷ Hoàng, phải đổi là “Đoan nguyệt” 端月. Phàm trong văn kiện  khi có nhắc đến “hoàng đế”, “Thuỷ Hoàng”, phải viết đài lên cao để thể hiện sự tôn kính.

          Chế độ tị huý mà Tần Thuỷ Hoàng sáng lập ra được áp dụng cho đến lúc xã hội phong kiến Trung Quốc sụp đổ, về sau chế độ tị huý này ngày càng hoàn bị, huý cấm cũng ngày càng nghiêm ngặt, không chỉ tị huý hoàng đế, mà còn phải tránh tên huý của tổ phụ hoàng đế, tránh tên huý của các “Thánh nhân” như Khổng Tử 孔子, Mạnh Tử 孟子, huý của tổ tiên, cho đến huý của trưởng quan cấp trên ...

          Quyền lực của hoàng đế là chí cao vô thượng, nhưng việc đó cần phải dựa vào chế độ quan liêu lấy hoàng đế làm trung tâm để bảo đảm. Thế là Tần Thuỷ Hoàng lại sáng lập ra cơ cấu hành chính trung ương “tam công cửu khanh”.

          “Tam công” 三公là Thừa tướng 丞相 “bách quan chi trưởng” giúp hoàng đế xử lí chính sự toàn quốc, Thái uý 太尉 nắm giữ quân sự toàn quốc, cùng Ngự sử đại phu 御史大夫phụ trách giám sát bách quan và nắm giữ văn thư trọng yếu của quốc gia. “Cửu khanh” 九卿 là chỉ Đình uý 廷尉 nắm giữ việc hình ngục, Lang trung lệnh 郎中令 nắm giữ bảo vệ môn hộ hoàng cung, Trị túc nội sử 治粟内史 nắm giữ chi thu tài chính, Thái bộc 太仆 nắm giữ xa mã cung đình, Điển khách 典客 nắm giữ việc ngoại giao với thuộc quốc v.v... Dưới “tam công cửu khanh” lại thiết lập một số thuộc quan, từ đó hình thành cơ cấu trung ương hoàn chỉnh. Những quan viên này đều là cận thần của Tần Thuỷ Hoàng, do Tần Thuỷ Hoàng bổ nhiệm hoặc bãi miễn, đồng thời nhận  bổng lộc, nhất luật không được thế tập.

          Để đem quyền lực của địa phương tập trung về trung ương, kiến lập một hệ thống cai trị tầng tấng lớp lớp từ trung ương đến địa phương, Tần Thuỷ Hoàng lại phế bỏ chế độ phân phong, thực hành rộng rãi chế độ quận huyện.

          Chế độ phân phong là chế độ thiên tử, kẻ thống trị tối cao của quốc gia phong cho chư hầu trước triều Tần. Sau khi nhà Chu diệt nhà Thương, thiên tử đã phong địa đại quy mô ngay cả đồng cư dân, ban thưởng cho con em vương thất và công thần. Chư hầu trên đất phong của mình có quyền thống trị thế tập, nhưng đối với thiên tử, có trách nhiệm phục tùng mệnh lệnh, định kì triều cống và cung cấp quân phú 军赋 (1), lao dịch ... Đến thời Chiến Quốc, các đại chư hầu quốc lại đem một bộ phận đất đai của mình phân phong cho con em quý tộc và công thần. Tần Thuỷ Hoàng cho rằng, chế độ địa phương đó bất tiện cho việc tập trung quyền lực hoàng đế, để chuẩn bị phế bỏ nó, ông thiết lập cơ cấu địa phương tùng thuộc trung ương – quận và huyện. Khi thảo luận về việc cải cách to lớn này, giữa các đại thần phát sinh sự chia rẽ ý kiến nghiêm trọng.

          Thừa tướng Vương Oản 王绾 nói rằng:

           - Nay thiên hạ vừa mới định, việc cấp bách là có thể khống chế bốn phương, làm yên ổn thiên hạ. Nguyên nhiều địa phương của nước Yên, nước Tề và nước Sở trước đây, cách chúng ta rất xa, chỉ có đem con em vương thất phong đến nơi đó làm chư hầu, mới có thể khống chế vững chắc cục diện nơi đó, không để gây ra loạn. Cho nên thần thấy vẫn tiếp tục thực hành chế độ là tốt.

          Đình uý Lí Tư không đồng ý với ý kiến của Vương Oản, ông đề xuất cách nhìn đối lập gay gắt:

          - Năm đó, Chu thiên tử phân phong nhiều con em và công thần làm chư hấu, bản ý là dựa vào họ để phụ trợ vương thất, thống trị thiên hạ, như thế có thể tin được. Nhưng về sau thì sao? Họ xem như cừu thù, công phạt tàn sát lẫn nhau, Chu thiên tử căn bản quản họ không được, kết quả ngay cả địa vị của mình cũng không giữ được. Nay thiên hạ thống nhất, tuyệt đối chớ giẫm theo lối cũ. Còn như con em vương thất và công thần, ban thưởng hậu hĩ cho họ là được. từ nay về sau, chế độ địa phương vẫn thực hành chế độ quận huyện hai cấp, do triều đình uỷ phái quan lại đi đến quận huyện nhậm chức, lãnh bổng lộc, nếu làm việc bất lực thì sẽ triệt hoán bất cứ lúc nào. Như vậy, mới có thể bảo đảm thiên hạ thái bình.

          Tần Thuỷ Hoàng vô cùng tán thưởng ý kiến của Lí Tư, quyết định thực hành rộng rãi chế độ quận huyện trong toàn quốc, đồng thời uỷ thác Lí Tư chế định quy hoạch ... (còn tiếp)

Chú của người dịch

1- Quân phú 军赋: cũng gọi là “phú” hoặc “binh phú” 兵赋 thời cổ chỉ thiên tử hướng đến thần thuộc trưng phát binh dịch cùng quân dụng phẩm, là biện pháp điều động nhân lực, vật lực mà quân sự cần đến kết hợp với điền chế.

                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                             Quy Nhơn 30/9/2020

Nguyên tác Trung văn

TẦN THUỶ HOÀNG SÁNG CHẾ

秦始皇创制

Trong quyển

VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN

Biên soạn: Vũ Nhân 羽人

Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản)

Previous Post Next Post