Dịch thuật: "Lão đầu tử" - cách xưng hô này từ đâu mà ra

“LÃO ĐẦU TỬ” - CÁCH XƯNG HÔ NÀY TỪ ĐÂU MÀ RA

          Lúc ban đầu, “lão đầu tử” 老头子 (1) là biếm nghĩa từ. Tương truyền, Kỉ Hiểu Lam 纪晓岚 vốn được xưng là “thiết xỉ đồng nha” 铁齿铜牙, thụ mệnh biên soạn bộ Tứ khố toàn thư 四库全书. Một ngày nọ trời oi bức, nóng đến mức người không chịu nỗi. Kỉ Hiểu Lam nhìn chung quanh, dù sao thì cũng không có người ngoài, liền cởi áo ở trần làm việc. Vừa mới ngồi xuống duyệt bản thảo, thì hoàng đế Càn Long đến thị sát. Ở trần mà yết kiến hoàng đế quả thực là bất kính, mà mặc áo thì không kịp. Kỉ Hiểu Lam đưa mắt nhìn, liền chui dưới bàn để tránh, Đợi cả buổi, Kỉ Hiểu Lam nghe không có động tĩnh gì, tưởng là Càn Long đã rời đi, liền thò người ra hỏi:
          - Lão đầu tử đi chưa?
          Càn Long ngồi bên cạnh liền hỏi lại:
          - Ai là lão đầu tử vậy?
          Kỉ Hiểu Lam lanh trí đáp rằng:
          - Lão đầu tử là nói vạn tuế ngài đó! Ngài luôn được xưng là vạn tuế, coi như là “lão” , đứng đầu vạn dân là “đầu” , chân long thiên tử cho nên gọi là “tử” , hợp lại chẳng phải là “lão đầu tử” 老头子 sao!
          Hoàng đế Càn Long  tự nhiên biết nguyên uỷ liền cười rồi rời khỏi.
          Sự việc tuy qua đi, nhưng “lão đầu tử” lại lan truyền. Về sau “lão đầu tử” lại phiếm chỉ người lớn tuổi. Ở một số phương ngôn, thường thêm họ của người đó để gọi.

Chú của người dịch
1- Lão đầu tử 老头子:
- Lão già (có ý ghét)
- Ông nó, ông ấy (vợ xưng hô với người chồng già)
(“Từ điển Trung Việt” NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội – 1992)

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 08/9/2020

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post