GIẾNG VÀNG ĐÃ RỤNG MỘT VÀI LÁ NGÔ (1594)
Thời cổ, người ta dùng gỗ gác từ dưới giếng lên để giữ cho vách giếng khỏi bị sụp, phần nhô lên mặt đất gọi là “tỉnh lan” 井栏. Giếng mà “tỉnh lan” có chạm trỗ gọi là “kim tỉnh”.
Ở thơ cổ và từ cổ Trung Quốc, thường bắt gặp hình ảnh cây ngô đồng bên giếng, như:
Trong Tặng biệt Xá nhân đệ Thai Khanh chi Giang Nam 赠别舍人弟台卿之江南 của Lí Bạch 李白 có câu:
Ngô đồng lạc kim tỉnh
Nhất diệp phi ngân sàng
梧桐落金井
一叶飞银床
(Lá ngô đồng rụng xuống giếng vàng
Có lá còn bay đến bên giường bạc)
Trong Trường Tín oán (Kim tỉnh ngô đồng thu diệp hoàng) 长信怨 (金井梧桐秋叶黄) của Vương Xương Linh 王昌龄 có câu:
Kim tỉnh ngô đồng thu diệp hoàng
Châu liêm bất quyển dạ lai sương
金井梧桐秋叶黄
珠帘不卷夜来霜
(Cây ngô đồng bên giếng vàng, lá vào thu đã trở vàng
Rèm châu không cuốn lên, đêm mang sương đến)
Trong bài từ theo điệu Thái tang tử 采桑子 của Lí Dục 李煜 có câu:
Lộc lô kim tỉnh ngô đồng vãn
Kỉ thụ kinh thu
辘轳金井梧桐晚
几树惊秋
(Trời vào thu đã lâu, ngô đồng bên giếng vàng có chiếc ròng rọc, lá rụng đầy
Mấy cây vào thu đổi sắc, người nhìn thấy thêm sầu)
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô
(“Truyện Kiều” 1593 - 1594)
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô: Thơ cổ: “Kim tỉnh ngô đồng từ cố tri”, nghĩa là “Lá ngô đồng rụng xuống giếng vàng ta từ biệt bạn cố tri”. Giếng vàng là chỉ giếng, thêm chữ vàng cho đẹp lời.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
Tịch nữ thi: Kim tỉnh ngô đồng từ cố tri.
寂女詩: 金井梧桐辭故知
(Thơ Tịch nữ: Lá ngô trên giếng vàng từ bạn cũ)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)Xét: Bản “Kim Vân Kiều” của Bùi Khánh Diễn, câu 1593 là:
Thú quê thuần QUẮC bén mùi
Trong “Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, hai câu này là:
NON XUÂN thuần vược bén mùi
Giếng vàng đã NẨY một vài TIN ngô
(Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 03/9/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật