Dịch thuật: "Cước" là "hĩnh", "túc" là "cước" - Bàn về chữ "cước"

 

“CƯỚC” LÀ “HĨNH”, “TÚC” LÀ “CƯỚC”

Bàn về chữ “cước” 

          Trong Hán ngữ cổ, “cước” là “hĩnh” , “hĩnh” cẳng chân, tức phần ở dưới đầu gối trên mắt cá chân, không phải “túc” (bàn chân). “Túc” thời cổ chỉ bộ phận từ ngón chân đến gót chân, tức hiện nay gọi là “cước” (bàn chân). Đoàn Ngọc Tài 段玉裁 từng nói rằng:

Cổ (đại thối) dữ cước dĩ tất vi trung (1)

(大腿) 与脚以膝为中

(Cổ (bắp đùi) và cước  lấy đầu gối làm điểm giữa)

          Chính là nói “đại thối” 大腿 (bắp đùi) và “tiểu thối” 小腿 (cẳng chân) lấy đầu gối làm trung điểm. Thời cổ có một loại khốc hình, lấy xương đầu gối, khiến cẳng chân bị tàn phế, loại hình pháp đó gọi là “tẫn cước” 膑脚, lấy xương đầu gối chính là cắt đứt hai cẳng chân. Trung Quốc cổ đại có quân sự gia Tôn Tẫn  孙膑 từng bị khốc hình này. Thời cổ còn có một loại hình pháp nữa gọi là “ngoạt” , đó là chặt đứt hai bàn chân. “Đổi tẫn sang ngoạt” chính là đổi từ cắt đứt cẳng chân sang chặt bàn chân, đều là loại hình pháp đáng sợ. Nhưng cũng chứng minh vào thời cổ “túc” là “cước” (bàn chân), còn “cước” là “tiểu thối” 小腿 (cẳng chân).

          Nghĩa của “cước” về sau  có sự chuyển đổi, “cước” mà trước đó giải thích là  “tiểu thối” 小腿 (cẳng chân) đã chuyển sang chỉ “túc” (bàn chân). Trong quá trình phát triển nghĩa của từ, thường xuất hiện hiện tượng chuyển đổi cho nhau. Như “văn” nguyên là chỉ tai nghe, hiện đã chuyển sang dùng mũi để phân biệt mùi vị; và như chữ “quai” trong “quai tịch” 乖僻 nguyên chỉ sự ngang ngạnh, không thuận, không hài hoà, hiện đã chuyển sang nghĩa là ngoan, biết nghe lời, linh hoạt. Và như chữ “phần” nguyên chỉ nấm đất, về sau chuyển chỉ “phần mộ” 坟墓. “Cước” từ nghĩa là “hĩnh” (cẳng chân” chuyến sang “túc”  (bàn chân), là sự chuyển đổi rõ ràng. Sự chuyển đổi này, có lẽ phát sinh từ thời trung cổ trở về sau (2). Trong Đào Uyên Minh truyện 陶渊明传 có câu:

          Uyên Minh hữu cước tật, sử nhất môn sinh nhị nhi dư lam dư (3).

          渊明有脚疾, 使一门生二儿篮舆

          (Uyên Minh chân bị đau, bảo một môn sinh và hai đứa con thay nhau khiêng kiệu)

          “Dư lam dư” 舁篮舆 chính là khiêng kiệu đi. “Cước tật” 脚疾 ở đây nhìn chung cho rằng là “túc tật” 足疾 (chân đau), không phải là “tiểu thối” 小腿(cẳng chân) có bệnh.

          Và trong bài Càn Nguyên ngụ cư Đồng Cốc huyện 乾元寓居同谷县 của đại thi nhân Đỗ Phủ đời Đường có câu:

Thủ cước đống thuân bì nhục tử

手脚冻皴皮肉死

(Tay chân rét buốt nứt nẻ khiến da thịt như muốn thối)

“Thủ” và “cước” ở đây đối cử, “cước” cũng khẳng định là “túc” (bàn chân).

Trong quá trình phát triển của ngôn ngữ, “cước” đã có nghĩa là “túc” (bàn chân), nhưng trong từ vựng Hán ngữ hiện đại, vẫn còn bảo lưu những từ như: sáp túc 插足 (chen chân), thất túc 失足 (trượt chân), túc hạ 足下 (từ xưng hô kính trọng với người ngang hàng), thủ túc 手足 (anh em), túc cầu 足球 (bóng đá) ... có thể thấy “túc” (nghĩa là bàn chân) vẫn sống trong ngôn ngữ hiện tại.

          Gót chân là “chủng” , trong Dật nhã 逸雅 nói rằng, “chủng” có nghĩa là “chung” (họp lại), ý là chi thể của con người chung tụ trên gót chân. Bàn chân bước nửa bộ là 1 “khuể” . Trong Tư Mã pháp 司马法 nói rằng: khuể là 3 xích, 2 nửa bước là bộ, 1 bộ 6 xích.

          Chữ “cước” trong “sơn cước” 山脚 (chân núi), “tường cước” 墙脚 (chân tường), “sàng cước” 床脚 (chân giường) đều chỉ phần dưới cùng của vật, là nghĩa phái sinh của chữ “cước”.

          Hiện tại, “túc” và “cước” là từ đồng nghĩa, so hai chữ với nhau, nét nghĩa của “túc” tương đối nhiều. “Túc hạ” 足下 là kính từ xưng với người ngang hàng. Thời Chiến Quốc, “túc hạ” đa phần xưng vị quân chủ. Như Tô Đại 苏代 nói với Yên Chiêu Vương 燕昭王 rằng:

Túc hạ dĩ vi túc, thần bất sự túc hạ hĩ

足下以为足则臣不事足下矣

(Ngài (túc hạ) cho rằng như thế là đủ rồi thì thần hạ sẽ không thờ ngài)

          “Túc” lại giả tá của “trác” , “trác” có nghĩa là đầy đủ. Trong Thuyết văn thông huấn định thanh 说文通训定声 có nói:

Trác, hữu nhiêu ích chi ý (4).

, 有饶益之意

(Trác có nghĩa là phong phú đầy đủ)

          Trong Tiểu nhã – Tín Nam sơn 小雅 - 信南山có câu:

Kí triêm kí túc

既霑既足

(Đã thấm đã đầy đủ)

          Cho nên “túc” có nghĩa là “mãn túc” 满足. “Túc” từ nghĩa “mãn túc”

phái sinh làm phó từ mang ý nghĩa “có thể”. Như Từ Quang Khải 徐光启 trong Cam thự sớ tự 甘藷疏序 có viết:

Lệ thổ chi mao, túc dĩ hoạt nhân giả đa hĩ.

丽土之毛,足以活人者多矣

(Những loại thực vật sinh trưởng tại nơi đó mà có thể dùng để nuôi sống con người thì có rất nhiều)

          Chữ ‘túc” ở đây mang nghĩa là “có thể”.

Chú của nguyên tác

1- Đoàn Ngọc Tài 段玉裁: Thuyết văn giải tự chú 说文解字注, trang 170, thiên 4 hạ, Thượng Hải Cổ tịch xuất bản xã.

2- Quách Tích Lương 郭锡良, Đường Tác Phiên 唐作藩, Hà Cửu Doanh 何九盈, Tưởng Thiệu Ngu 蒋绍愚, Điền Thuỵ Quyên 田瑞娟: Cổ đại Hán ngữ 古代汉语, trang 562, Bắc Kinh xuất bản xã.

3- Đào Uyên Minh tập – Đào Uyên Minh truyện 陶渊明 - 陶渊明传, trang 2, Nhân dân Văn học  xuất bản xã.

4- Chu Tuấn Thanh 朱骏声: Thuyết văn thông huấn định thanh说文通训定声, trang 380, Vũ Hán thị Cổ tịch thư điếm ảnh ấn.

                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                          Quy Nhơn 28/9/2020

Nguyên tác Trung văn

CƯỚC THỊ HĨNH, TÚC THỊ CƯỚC

ĐÀM “CƯỚC

脚是胫足是脚

 

Trong quyển

HÁN TỰ THẬP THÚ

汉字拾趣

Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)

Phúc Đán Đại học xuất bản xã, 1998

Previous Post Next Post