Dịch thuật: Xưng vị tuổi của người xưa (kì 1)

XƯNG VỊ TUỔI CỦA NGƯỜI XƯA
(kì 1)

0 tuổi
Khoảng lúc em bé mới sinh
Xích tử 赤子, cưỡng bảo 襁褓: lúc bé chưa đầy năm.
Thang bính chi kì 汤饼之期: chỉ bé mới sinh được 3 ngày. Tục cũ khi bé sinh được 3 ngày, làm bữa tiệc chiêu đãi bà con thân hữu, gọi tiệc đó là “thang bính diên” 汤饼筵, cũng gọi là “thang bính yến” 汤饼宴, “thang bính hội” 汤饼会.

1 tuổi
Nha nha 牙牙: từ tượng thanh, phát âm của bé khi học nói. Như “nha nha học ngữ” 牙牙学语 chỉ bé bắt đầu học nói.
Chu tối 周晬: chỉ bé được đầy năm.

2 tuổi
Hài đề 孩提: lúc bé hãy còn nằm trong bọc tã bắt đầu biết cười, chỉ bé khoảng 2, 3 tuổi. Cũng viết là “hài đề bao” 孩提包hoặc “đề hài”提孩. Thơ Hàn Dũ 韩愈
có câu:
Lưỡng gia các sinh tử
Đề hài xảo tương như
两家各生子
提孩巧相如
(Hai nhà đều sinh con
Hai bé tướng mạo như nhau)

8 tuổi
Tổng giác 总角: thiếu niên khoảng từ 8, 9 tuổi đến 13, 14 tuổi. Trẻ em thời cổ, đầu tóc phân làm hai nửa tả hữu, tóc trên đỉnh đầu mỗi bên búi lại thành búi, giống như sừng dê, gọi là “tổng giác” 总角.
Đồng sấn 童龀: “Sấn” trong Thuyết văn 说文 có nói:
          Nam bát nguyệt sinh xỉ, bát tuế nhi sấn; nữ thất nguyệt sinh xỉ, thất tuế nhi sấn.
          男八月生齿, 八岁而龀; 女七月生齿, 七岁而龀
          (Bé trai 8 tháng mọc răng sữa, 8 tuổi thay răng; bé gái 7 tháng mọc răng sữa, 7 tuổi thay răng)
          Có thể thấy, răng sữa rụng, thay răng vĩnh viễn, gọi là “sấn”.
Đồng sài (tri) 童龇: chỉ thời kì nhi đồng thiếu niên. Cũng nói thành “thiều sấn” 髫龀. Như trong Hậu Hán thư – Đổng Trác truyện 后汉书 - 董卓传có ghi:
Kì tử tôn tuy tại thiều sấn, nam giai phong Hầu, nữ vi Âp quân
其子孙虽在髫龀,男皆封侯,女为邑君
(Con cháu của ông ta tuy đang còn tuổi thiều sấn, con trai đều được phong hầu, con gái đều là Ấp quân) (Ấp quân là phong hiệu của nữ thời cổ - ND)
Thuỷ sấn 始龀, thiều niên 髫年: bé gái 7 tuổi
Thuỷ sấn 始龀, thiều niên 髫年: bé trai 8 tuổi. Căn cứ vào trạng huống sinh lí, bé trai 8 tuổi, bé gái 7 tuổi là thay răng, rụng răng sữa, mọc răng vĩnh viễn. Thời kì này gọi là “sấn” , “thiều niên” 龆年 hoặc “thiều niên” 髫年.

9 tuổi
Cửu linh 九龄: 9 tuổi
Hoàng khẩu 黄口: 10 tuổi trở xuống.
Chỉ số chi niên 指数之年: 9 tuổi.

10 tuổi
Ấu học 幼学: 10 tuổi. Trong Lễ kí – Khúc lễ thượng 礼记 - 曲礼上 có ghi:
Nhân sinh thập niên viết ấu học
人生十年曰幼学
(Đời người năm lên 10 tuổi là ấu, chuyên tâm học tập)
          Nhân vì thời cổ, văn tự không có dấu câu, người ta đã lấy 2 chữ “ấu học” làm từ chỉ thay 10 tuổi.
Ngoại phó chi niên 外傅之年: nhi đồng 10 tuổi.

12 tuổi
Kim thoa chi niên 金钗之年: bé gái 12 tuổi.

13 tuổi
Đậu khấu 豆蔻: chỉ cô gái khoảng từ 13, 14 tuổi đến 15, 16 tuổi. Đậu khấu豆蔻là loại thực vật lúc sơ hạ 初夏 (đầu mùa hạ) ra hoa, sơ hạ hãy còn là thịnh hạ, ví người vẫn chưa thành niên, cho nên gọi lúc thiếu niên chưa thành niên là “đậu khấu niên hoa” 豆蔻年华.

15 tuổi
Cập kê 及笄: Kê vốn chỉ cây trâm mà thời cổ dùng để xuyên qua búi tóc. Thời cổ, con gái nói chung từ 15 tuổi trở đi, vấn tóc lại thành búi, dùng cây trâm xuyên qua, đánh dấu đã thành niên. “Cập kê” 及笄 chỉ cô gái đã đủ 15 tuổi.
Chí học chi niên 志学之年: Khổng Tử 孔子 nói rằng:
          Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục.
          吾十有五而志于学, 三十而立, 四十而不惑, 五十而知天命, 六十而耳顺, 七十而从心所欲.
          (Ta 15 tuổi để chí vào việc học, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không bị sự vật ngoại giới làm mê hoặc, 50 tuổi hiểu được mệnh trời, 60 tuổi đối đãi các loại ngôn luận một cách chính xác, 70 tuổi có thể theo sở dục của lòng mình (mà không vượt khỏi quy củ).)   (Luận ngữ - Vi chính 论语 - 为政)
          Cho nên đời sau gọi 15 tuổi là “chí học chi niên”.
Thúc phát 束发: chỉ con trai 15 tuổi. Con trai đến 15 tuổi, tháo bỏ “tổng giác” 总角 (búi tóc trước đó), vấn tóc lại.
Vũ tượng chi niên 舞象之年: thiếu niên từ 15 đến 20 tuổi.
Thành đồng 成童: 15 tuổi hoặc hơn 15 tuổi một chút. Trịnh Huyền 郑玄 chú rằng:
Thành đồng, thập ngũ dĩ thượng
成童,十五以上
(Thành đồng là từ 15 tuổi trở lên)

16 tuổi
Nhị bát 二八: là 16 tuổi.
Phá qua 破瓜, bích ngọc niên hoa 碧玉年华: con gái 16 tuổi. Văn nhân thời cổ đem chữ “qua” phân ra làm hai nửa như hai chữ “bát” , lấy đó để ghi tuổi. Trong Thông tục biên 通俗编 có ghi:
          Nhược Phẩm Nham tặng Trương Kí thi: ‘Công thành đương tại phá qua niên.
          若品岩赠张洎诗: ‘功成当在破瓜年’.
          (Thơ Nhược Phẩm Nham tặng Trương Kí có câu: ‘Công thành đương ở tuổi phá qua)
          Là tám tám sáu mươi bốn tuổi.
          Cũng trong Thông tục biên – Phụ nữ通俗编 - 妇女:
          Tống Tạ Ấu Bàn thi ‘Phá qua niên kỉ tiểu yêu thân’.
          宋谢幼盘诗: 破瓜年纪小腰身
          (Thơ của Tạ Ấu Bàn đời Tống có câu: ‘Đương tuổi phá qua eo thon’)
          Theo tục cho rằng ở con gái “phá thân” 破身(chỉ hành vi tính giao lần đầu tiên – ND) là phá qua. 
        Đó là không đúng. Chữ “qua” phân ra thành hai chữ “bát” , ý nói hai chữ bát là 16 tuổi. ..... (còn tiếp)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 24/8/2020

Nguồn


Previous Post Next Post