ĐỔI THAY NHẠN
YẾN ĐÃ HÒNG ĐẦY NIÊN (1478)
Đổi thay nhạn yến: tức thành ngữ “Yến nhạn đại phi” 燕雁代飞chim yến chim nhạn theo mùa thay nhau bay đến bay đi.
Thành
ngữ này xuất xứ từ Hoài Nam Tử - Địa hình
huấn 淮南子 - 地形训:
Từ thạch thượng phi, vân mẫu lai thuỷ, thổ
long trí vũ, yến nhạn đại phi.
磁石上飞, 云母来水, 土龙致雨, 燕雁代飞
(Nam
châm hút vật bằng kim loại, đá vân mẫu hấp dẫn giọt sương, thổ long làm mưa lúc
hạn, chim yến chim nhạn theo tiết khí thay nhau bay đến bay đi)
Người Trung Quốc cổ đại cho rằng,
tiết khí mà chim yến chim nhạn di chuyển trước sau nối tiếp nhau. Chim nhạn
tháng 9 tháng 10 bay đến phương nam; chim yến tháng 10 tháng 11 bay đến phương
nam. Mùa xuân năm sau chim nhạn tháng 1 tháng 2 bay đến phương bắc; chim yến
tháng 3 tháng 4 mới từ phương nam bay đến phương bắc.
Có tư
liệu giải thích là chim yến mùa hè bay đến vùng ôn đới, mùa đông bay về lại
phương nam; chim nhạn mùa đông bay đến vùng ôn đới, mùa hè bay về lại phương
nam.
Thành
ngữ “yến nhạn đại phi” 燕雁代飞 dùng để ví hai người mỗi người một phương, không thể gặp
nhau, và cũng dùng để ví sự thay đổi thời tiết từ mùa này sang mùa khác hoặc ví
thời gian nối tiếp nhau trôi qua.
Phận bồ từ vẹn chữ tòng
Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên
(“Truyện Kiều”
1477 – 1478)
Nhạn yến: Chim nhạn mùa đông tránh rét bay về miền Nam, chim én
mùa xuân bay về miền Bắc. Hai chữ nhạn én
do đó được dùng để chỉ sự thay đổi thời tiết từ mùa này sang mùa khác.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Tiểu thuyết: Nhạn lai yến khứ dĩ cận nhất
niên.
小說: 雁來燕去已近一年
(Lời Tiểu
thuyết: Nhạn lại yến đi đã gần đầy năm)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
Xét: Trong “Tư liệu Truyện Kiều - Bản
Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 1478 là:
Đổi thay nhạn CÁ đã CÙNG đầy niên
(Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 18/8/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật