Dịch thuật: "Lập hoàng đế" Lưu Cẩn (tiếp theo)

“LẬP HOÀNG ĐẾ” LƯU CẨN
(tiếp theo)

          Mùa hè năm Chính Đức 正德 thứ 3 (năm 1508), lúc tảo triều phát hiện một thư nặc danh công kích Lưu Cẩn, Lưu Cẩn lệnh cho quần thần quỳ phơi nắng tại Phụng Thiên môn 奉天门. Hoạn quan Lí Vinh 李荣 đồng tình với đại thần bị phạt, đem nước đá đến để họ giải khát tiêu nhiệt, gặp phải sự quát mắng của Lưu Cẩn. Hoạn quan Hoàng Vĩ 黄伟 thấy chỉ vì một bức thư nặc danh mà liên luỵ đến nhiều người đã phẫn uất, phát ra mấy câu trách móc, xúc nộ Lưu Cẩn, ngay hôm đó đã bị đày đến Nam Kinh. Văn võ bách quan bị phạt quỳ một ngày, cũng không tìm ra được chủ nhân bức thư. Xế chiều, Lưu Cẩn hạ lệnh đem toàn bộ quan viên từ ngũ phẩm trở xuống giam vào ngục của Cẩm y vệ, riêng 3 người là Chủ sự Hà Tiêu 何销, Thuận Thiên thôi cung Chu Thần 周臣và Tiến sĩ Lục Thân 陆伸do vì trúng nắng mà chết. Sau đó, Lưu Cẩn nghe nói thư đó là do nội thần viết ra nên mới phóng thích các quan về nhà.
          Lưu Cẩn dựa vào sự dâm uy của mình mà đại ngục hưng khởi, nhiều quan viên bị khám xét nhà. Ông ta còn thiết kế ra một cái gông lớn, nặng ước chừng 150 cân, đại thần nào bị ông ta bức hại đeo vào cổ chẳng mấy ngày mà phải chết vì quá mệt. Lưu Cẩn biết rõ các quan phụ trách khuyên gián có sự uy hiếp lớn đối với mình, nên sau khi nắm quyền, đối với mấy viên quan này ngoài mượn cớ tiến hành bãi miễn, đánh trượng cùng vu hãm định tội ra, lúc bình thường còn lệnh cho họ vào giờ Dần (từ 3g đến 5g sáng) phải nhập triều, mãi cho đến giờ Dậu xế chiều (từ 5g đến 7g tối) mới cho về, thời gian tại triều  hơn 14, 15 tiếng đồng hồ, mục đích của Lưu Cẩn là để họ không còn sức lực để đàn hặc mình.
          Tháng 10 năm Chính Đức thứ 4 (năm 1509), thiết lập Nội hành xưởng 内行厂, Lưu Cẩn đích thân nắm  giữ. Sự khốc liệt của Nội hành xưởng còn hơn cả Đông xưởng, Tây xưởng. Nội hành xưởng còn có một công năng đặc thù, đó là giám thị Đông xưởng, Tây xưởng, tức giám thị một số đại thái giám có khả năng cấu thành sự uy hiếp đối với Lưu Cẩn. Triều thần và hoạn quan đều dưới sự giám thị của Lưu Cẩn, hằng ngày họ đều lo sợ. Đô cấp sự trung Hứa Thiên Tích 许天锡 muốn đàn hặc Lưu Cẩn, tấu chương sau khi viết xong đã suy đi nghĩ lại, sợ không thành công nên đã đem tấu chương giấu trong ngực rồi treo cổ lên xà nhà tự tận.
          Dưới tác dụng lo sợ và muốn lấy lòng, tấu sự của quan chức các nha môn trước tiên phải đưa đến chỗ Lưu Cẩn. Lưu Cẩn cũng thường mang tấu chương về nhà, cùng đồng đảng giả ý chỉ. Một số vương công đại thần biết tấu chương đưa đến Minh Vũ Tông, hoàng thượng không thể xem được, nhân đó có việc gì cần dâng tấu thì đem bản sao đưa cho Lưu Cẩn, còn bản chính đưa cho triều đình. Đương thời, kinh sư lưu hành cách nói “lưỡng hoàng đế” 两皇帝, xưng Vũ Tông là “toạ hoàng đế” 坐皇帝 (hoàng đế ngồi) hoặc Chu hoàng đế朱皇帝, xưng Lưu Cẩn là “lập hoàng đế” 立皇帝 (hoàng đế đứng) hoặc Lưu hoàng đế刘皇帝.
          Lưu Cẩn rốt cuộc có bao nhiêu gia sản? Theo khảo chứng của các sử gia, gia sản của Lưu Cẩn dường như gần với số thiên văn – hợp thành 33 vạn kí vàng, 805 vạn kí bạc trắng, nhưng khi Lí Tự Thành 李自成đánh vào Bắc Kinh 北京, giao nộp hết tài chính một năm của Sùng Trinh 崇祯, thu nhập chỉ có 20 vạn kí vàng. Con số này nếu dựa vào bổng lộc của Lưu Cẩn, cho dù không ăn không uống cũng phải cần đến 500 vạn năm mới có thể đạt được. Trên thực tế, Lưu Cẩn chỉ mất 5 năm là đã hoàn thành. Điều buồn cười là, tay đại tham quan này từng diễn trò “cự hối tú” 拒贿秀 (cự tuyệt nhận hối lộ của người khác). Theo ghi chép trong Minh sử - Hoạn quan liệt truyện 明史 - 宦官列传, có một lần, nhóm Ngự sử Âu Dương Vân 欧阳云 hơn 10 người theo lệ đến đưa hối lộ cho Lưu Cẩn, nhưng họ không ngờ rằng, lần nọ, Lưu Cẩn không những hướng đến hoàng thượng vạch trần hành vi của họ mà còn trị tội toàn bộ nhóm Âu Dương Vân.
          Lưu Cẩn trên con đường quyền thế càng đi càng xa, cuối cùng động đến tâm soán vị, ông ta tự khắc ấn tỉ riêng, ngầm tạo cung tên, mưu đồ tìm cơ hội đoạt vị, quần thần hận ông ta tới xương.
          Tháng 4 năm Chính Đức thứ 5 (năm 1510), tại Ninh Hạ 宁夏phát sinh sự kiện phản loạn của An Hoá Vương Chu Trí Phiên 安化王朱寘鐇. Chu Trí Phiên lấy danh nghĩa dẹp Lưu Cẩn mà khởi binh, được sự ủng hộ của nhiều võ thần. Sự biến Chu Trí Phiên cuối cùng cũng quyết định được vận mệnh của Lưu Cẩn. Tháng 5, triều đình lấy Kinh Dương Bá Thần Anh 泾阳伯神英 làm Tổng binh, Hữu đô ngự sử Dương Nhất Thanh 杨一清 làm Đề đốc, thái giám Trương Vĩnh 张永 Tổng đốc quân vụ, đem binh thảo phạt Trí Phiên. Vừa mới xuất binh, Trí Phiên lập tức bị bắt. Trên đường về kinh, Dương Nhất Thanh, Trương Vĩnh lợi dụng cơ hội báo tiệp, vạch trần sự gian ác của Lưu Cẩn. Trương Vĩnh vốn có mâu thuẫn với Lưu Cẩn, nghe lời kích động của Dương Nhất Thanh liền vui lòng đáp ứng.
          Tháng 8 ngày Giáp Ngọ (ngày 13 tháng 9), Lưu Cẩn sắp xếp ngày đó  cho anh của ông ta, Đô đốc Lưu Cảnh Tường 刘景祥xuất tang, đem việc Trương Vĩnh hiến phu 献俘 (1) sắp xếp vào  hôm sau. Nhưng ngày 13 Trương Vĩnh nhập cung, sau khi đợi Lưu Cẩn thoái lui, Trương Vĩnh lấy hịch văn Trí Phiên khởi binh dâng lên, đồng thời trần tấu những việc bất pháp của Lưu Cẩn. Thái giám Mã Vĩnh Thành 马永成cũng nói lời trợ giúp. Vũ Tông tỉnh ngộ, lập tức hành động. Lúc khám xét phủ đệ của Lưu Cẩn, Vũ Tông đích thân đến, tra xét tịch thu vàng bạc châu báu nhiều không kể xiết, lại có cả nha bài giả để vào cung, y giáp đinh nỏ cùng những vật cấm khác như bảo tỉ, lại còn phát hiện trên cây quạt mà Lưu Cẩn thường sử dụng có giấu 2 con dao chuỷ thủ bén nhọn, có thể phóng ra giết chết người ngay tại chỗ. Vũ Tông sau khi nhìn thấy chấn động kinh hãi, nhất là khi nhìn thấy con dao chuỷ thủ giấu trong quạt không khỏi rùng mình: “Tay nô tài Lưu Cẩn này quả thực muốn làm phản.” Thế là hạ quyết tâm xử tử Lưu Cẩn.
          Theo lệ, tử hình tội phạm thường đợi đến sau tiết Sương giáng 霜降của mùa thu, trước tiết Đông chí 冬至mới bị xử tử. Nhưng vì Lưu Cẩn thuộc loại trọng tội mưu phản số một, cho nên không đợi đến tiết Sương giáng mà lập tức hành hình. Lưu Cẩn bị xử cực hình, lăng trì 3 ngày mới chết. Theo quy định, phải cắt 3357 dao, theo truyền thuyết, trên thân ông ta sau khi cắt hơn 1300 dao, ông ta vẫn chưa chết, tối hôm đó còn ngẩng đầu đòi hớp cháo. Khi lăng trì, mỗi một dao hạ xuống, ông hét lên một tiếng, có thể nói là cực kì tàn khốc. Hoá ra, những nhà từng bị Lưu Cẩn hại đã dùng 1 văn tiền mua thịt của Lưu Cẩn đã bị cắt thành miếng nhỏ đem về ăn để hả cơn giận. Năm đó, Lưu Cẩn vừa mới 60 tuổi. Sau khi Lưu Cẩn chết, gia tộc 15 người của ông ta cùng đồng bọn Lại bộ Thượng thư, chỉ huy Cẩm y vệ ... cũng đều bị xử trảm. Bọn Đại học sĩ Tiêu Phương hơn 60 người do Lưu Cẩn khởi dụng cũng bị trục xuất khỏi triều đình, kết thúc cái hoạ Lưu Cẩn chuyên quyền loạn chính.   (hết)

Chú của người dịch
1- Hiến phu 献俘: Một loại quân lễ thời cổ. Khi thắng trận trở về, đem tù binh bắt được dâng lên tông miếu để hiển thị chiến công.

                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 09/8/2020

Nguồn


Previous Post Next Post