DÃ TÂM TƯ MÃ CHIÊU, NGƯỜI ĐI ĐƯỜNG ĐỀU
BIẾT
Tư Mã Chiêu 司马昭là con thứ của
Tư Mã Ý 司马懿 thời Tam Quốc,
phụ thân của Tư Mã Viêm 司马炎 - hoàng đế khai quốc triều Tây Tấn. Sau khi cha
và anh mất, Tư Mã Chiêu kế thừa quyền lực, trở thành quyền thần trọng yếu của
Tào Nguỵ. “Tư Mã Chiêu chi tâm, lộ nhân giai tri” 司马昭之心, 路人皆知 (lòng dạ Tư
Mã Chiêu, người đi đường đều biết) nói một cách hình tượng dã tâm soán vị của
Tư Mã Chiêu đã hiển lộ rõ ràng.
Năm
220, con của Nguỵ Vương Tào Tháo 曹操 là Tào Phi 曹丕đăng cơ, đổi quốc hiệu
là Nguỵ 魏, sử xưng Nguỵ Văn Đế 魏文帝.
Sau khi Tào Phi mất, Phụ chính đại thần Tư Mã Ý 司马懿 trên thực tế nắm
giữ chính quyền Tào Nguỵ. Sau khi Tư Mã Ý mất, con là Tư Mã Sư 司马师 phế
Thiếu đế Tào Phương 曹芳, người bất mãn đối với mình, lập con của Định Hải
Vương Tào Lâm 定海王曹霖là Tào Mao 曹髦 làm Đế, đồng thời tiếp tục nắm đại quyền, từng bước
thanh trừ thế lực Tào thị.
Năm
255, Tư Mã Sư mất, em là Tư Mã Chiêu 司马昭 kế nhậm chức Đại tướng quân 大将军,
chưởng quản Thượng thư sự nghi 尚书事宜, càng thêm hoành
hành không kiêng kị. Năm 260, Tư Mã Chiêu tự phong Tướng quốc 相国, chính quyền Tào Nguỵ đối mặt với nguy cơ sắp diệt
vong. Tào Mao đã trưởng thành không cam chịu làm bù nhìn dưới tay Tào thị. Một
ngày nọ, Tào Mao triệu tập mấy vị đại thần: Thị trung Vương Thẩm 王沈, Thượng thư Vương Kinh 王经,
Tán kị thường thị Vương Nghiệp 王业, nói rằng:
- Dã tâm của Tư Mã Chiêu, ngay cả người đi đường
cũng biết rõ. Ta không thể ngồi yên đợi sự sỉ nhục bị phế truất. Nay muốn cùng
với các khanh thảo phạt y.
Tào Mao
từ trong ngực lấy ra chiếu thư thảo tặc đã viết sẵn, ném xuống đất, muốn cùng với
Tư Mã thị một mất một còn. Vương Thẩm, Vương Nghiệp là vây cánh của Tư Mã
Chiêu, hai người thấy thế, liền ngầm báo tin cho Tư Mã Chiêu.
Tào Mao
một mình tập hợp cấm vệ quân trong cung cùng thị tùng thái giám, giương cờ
gióng trống từ trong cung xuất phát. Tào Mao giơ cao bảo kiếm, đích thân đứng
trên xe chỉ huy. Tâm phúc của Tư Mã Chiêu là Giả Sung 贾充
đem một đội binh sĩ đến, chặn đường Tào Mao. Bộ hạ của Giả Sung là Thành Tế 成济 nắm
cây trường mâu đâm Tào Mao. Tào Mao bị trúng nơi ngực ngã xuống xe mà chết.
Tư Mã
Chiêu nghe tin liền đến, giả vờ như không biết tình hình, ôm lấy thi thể Tào
Mao mà khóc. Lúc bấy giờ rất nhiều đại thần đề xuất muốn báo thù cho Tào Mao,
trừng trị hung thủ. Tư Mã Chiêu không muốn giết Giả Sung, bèn lấy danh nghĩa
Thái hậu ra một đạo chiếu thư, gán cho Tào Mao nhiều tội trạng, biếm làm thứ
nhân, dùng tang lễ của bách tính mà an táng. Nhưng các đại thần vẫn còn nhiều
nghị luận, Tư Mã Chiêu thấy không thể thi hành bèn lấy tội trạng sát hại Nguỵ
chúa gán cho Thành Tế, định tội danh đại nghịch bất đạo, chém hết cả nhà.
Tư Mã
Chiêu trừ khử xong Tào Mao, từ trong đám con cháu đời sau của Tào Tháo chọn lấy
Tào Hoán 曹奂 mới
15 tuổi tiếp nhận hoàng vị, tức Nguỵ Nguyên Đế 魏元帝.
Trải qua sự biến đó, Tập đoàn Tư Mã thị đã công kích triệt để tập đoạn Tào thị,
nắm chắc đại quyền quân chính phương bắc.
Phụ lục
ÂM MƯU GIA TƯ MÃ CHIÊU
Thời đại
Tư Mã Chiêu 司马昭 sinh
sống là trung và hậu kì Tam Quốc. Lúc bấy giờ, quốc lực Tào Nguỵ ngày càng lớn
mạnh, Thục Hán Và Đông Ngô ngày càng suy yếu, xu thế thống nhất thiên hạ chia
ba chân vạc trước đó đã dần rõ. Lúc Tư Mã Chiêu còn trẻ từng nhiều lần theo cha
giao chiến với nước Thục, lập được một số chiến công. Sau khi Tư Mã Chiêu kế thừa
quyền lực của cha và anh, đã tiến một bước trừ khử những kẻ chống đối mình, đả
kích chính quyền Tào Nguỵ, trên thực tế trở thành kẻ khống chế chính quyền Tào
Nguỵ Năm 263, Tư Mã Chiêu phái Chung Hội 钟会,
Đặng Ngải 邓艾, Chư (Gia) Cát Tự 诸葛绪 3 lộ binh mã diệt
Thục, cùng năm ấy được phong làm Tấn Công 晋公.
Năm 264, gia phong Tấn Vương 晋王, năm sau bệnh và
qua đời. Tư Mã Chiêu lúc còn sống, tuy chưa thay Tào Nguỵ xưng Đế, nhưng đã đặt
cơ sở vững chắc cho con của ông là Tư Mã Viêm 司马炎 xưng Đế và thống
nhất thiên hạ.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 04/8/2020
Nguyên tác Trung văn
TƯ MÃ CHIÊU CHI TÂM, LỘ NHÂN GIAI TRI
司马昭之心, 路人皆知
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ (tập 4)
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật