Dịch thuật: Cung thất

CUNG THẤT

          Trong Nhĩ nhã – Thích cung 尔雅 - 释宫 có ghi:
Cung vị chi thất, thất vị chi cung
宫谓之室, 室谓之宫
(Cung gọi là thất, thất gọi là cung)
          Cung và thất là từ đồng nghĩa, khu biệt mà nói, cung là gọi chung, gồm cả phòng, bên ngoài có tương vây bao bọc, còn thất chỉ là một đơn vị cư trú trong đó (1).
          Thời thượng cổ, cung nhìn chung chỉ phòng ốc trú trạch, không phân biệt sang hèn. Cho nên trong Mạnh Tử - Đằng Văn Công thượng 孟子 - 滕文公上 nói rằng:
          Thả Hứa Tử hà bất vi đào dã, xả giai thủ chư kì cung trung nhi dụng chi?
          且许子何不为陶冶, 舍皆取诸其宫中而用之?
          (Vả lại, Hứa tiên sinh sao không tự mình làm ra nồi gốm cùng các loại nông cụ bằng kim loại, tất cả mọi thứ đều để trong nhà tuỳ thời mà dùng?)
          Từ Tần Hán về sau, chỉ có nơi ở của vương giả mới xưng là “cung”.
          Cung thất thời cổ nhìn chung quay về hướng nam, không gian bên trong vật kiến trúc chủ thể phân làm đường , thất , phòng . Bộ phận phía trước là đường , thông thường là nơi hành đại lễ cát hung, người không ở nơi đó. Sau đường là thất , nơi cư trú. Hai bên đông tây của thất là đông phòng 东房 và tây phòng 西房. Cả chỉnh thể kiến trúc được xây dựng trên một nền cao hơn mặt đất, cho nên phía trước đường có bậc thềm. Muốn tiến vào đường phải bước lên bậc thềm, cho nên người xưa thường nói “thăng đường” 升堂. Trong Luận ngữ - Tiên tiến 论语 - 先进 có câu:
Do dã thăng đường hĩ, vị nhập vu thất dã.
由也升堂矣, 未入于室也
(Anh Do đã lên đường, nhưng chưa vào thất)
          Thời cổ, trước đường không có “môn” (cửa), phía đông tây trên đường có hai trụ, tường của hai vách đông tây đường gọi là tự . Trong đường, nơi gần tự cũng gọi là đông tự 东序, tây tự 西序. Sau đường có tường và thất phòng cách ra, thất và phòng đều có “hộ” (cửa) thông với đường. “Hộ” mà trong sách cổ nói đến thông thường chỉ “hộ” của thất. Phía sau đông phòng có bậc thềm thông đến sân sau.
          Hộ của thất thiên về hướng đông, vị trí tương ứng với phía tây của hộ có một cửa sổ gọi là “dũ” . Trong Luận ngữ - Ung dã 论语 - 雍也 có câu:
Bá Ngưu hữu tật, Tử vấn chi, tự dũ chấp kì thủ.
伯牛有疾, 子问之, 自牖执其手
          (Bá Ngưu sinh bệnh, Khổng Tử đến thăm, từ cửa sổ (dũ) nắm lấy tay của Bá Ngưu)
          Thất còn có một cửa sổ hướng về phía bắc gọi là “hướng” . Thuyết văn 说文nói rằng:
Hướng, bắc xuất dũ dã.
, 北出牖也
(Hướng là cửa sổ hướng về phía bắc)
          Trong Thi kinh – Bân phong – Thất nguyệt 诗经 - 豳风 - 七月 có câu:
Tắc hướng cận hộ
塞向墐户
(Bịt cửa sổ hướng bắc, lấy bùn đất trét cửa lại)
          Người xưa trải chiếu mà ngồi. Chỗ ngồi trên đường lấy vị trí giữa dũ và hộ của thất quay về hướng nam là tôn quý, cho nên trong sách cổ thường nói “nam diện” 南面. Chỗ ngồi trong thất thì lấy hướng quay về hướng đông là tôn quý. Trong Sử kí – Hạng Vũ bản kỉ 史记 - 项羽本纪 có nói:
Hạng Vương, Hạng Bá đông hướng toạ.
项王, 项伯东向坐
(Hạng Vương, Hạng Bá ngồi quay về hướng đông)
Và trong Nguỵ Kì Vũ An Hầu liệt truyện 魏其武安侯列传 có nói, Điền Phần 田蚡:  
          Thường triệu khách ẩm, toạ kì huynh Cái Hầu nam hướng, tự toạ đông hướng, dĩ vi Hán tướng tôn, bất khả dĩ huynh cố tư nạo.
          尝召客饮, 坐其兄盖侯南乡, 自坐东乡, 以为汉相尊, 不可以兄故私桡
          (Từng mời tân khách đến uống rượu, để anh mình là Cái Hầu ngồi quay về hướng nam, mình ngồi quay về hướng đông, cho rằng Thừa tướng nhà Hán là tôn quý, không phải vì anh mà chịu nhún)
          Có thể thấy đến đời Hán vẫn còn là một tập tục.
          Trong sách vở đời Hán thường nói đến “các” và “sương” , đó là phòng ở hai bên đông tây ngang liền nhau với đường, khác với khái niệm “các” “sương” đời sau. Như trên đã nói, hai bên đông tây của đường có tường gọi là “tự” . Ngoài tự hai bên đông tây có một gian phòng nhỏ hẹp, gọi là “đông giáp” 东夹 “tây giáp” 西夹, đó chính là “các” . Không gian phía trước đông giáp, tây giáp gọi là “đông đường” 东堂, ‘tây đường” 西堂, đó chính là “sương” . Các và sương có hộ (cửa) nối thông nhau, trước sương cũng có bậc cấp. Ở thiên Kê minh 鸡鸣 trong Nhạc phủ thi 乐府诗 có câu:
Minh thanh hà thu thu
Văn ngã điện đông sương.
鸣声何啾啾
闻我殿东厢
(Tiếng kêu sao tỉ tê
Nghe được bên đông sương nơi điện của ta)
Đông sương 东厢 chính là đông đường 东堂. Điện 殿 chính là “đường ốc” 堂屋 mà đã nói ở trước. Trong Thuyết văn 说文có nói:
Đường, điện dã
, 殿也
(Đường là điện)
          Từ thời Tần Hán trở về trước gọi “đường” không gọi “điện”, đời Hán tuy gọi “điện”, nhưng không hạn chế là nơi đế vương xử lí chính sự, sau này điện mới chuyên dụng chỉ kiến trúc chủ yếu của cung đình và miếu vũ.
          Những điều trình bày trên đây đại để có thể đại biểu cho phương thức cơ bản trong kiến trúc chủ thể cung thất thời thượng cổ. Đương nhiên, từ cung điện của đế vương đến nhà của gia đình bình thường, sự hoa lệ hoặc kiệm phác, tôn quý hoặc thấp kém của cung thất đều có chỗ khác nhau. Chế độ cung thất của các đời cũng có sự phát triển biến hoá. ... (còn tiếp)

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 19/8/2020

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Chủ biên: Vương Lực 王力
Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã, 2012
Previous Post Next Post