Dịch thuật: Vi thiện yếu giảng nhượng, lập thân vụ đắc kính (Vi lô dạ thoại)


为善要讲让   立身务得敬
    为善之端无尽, 只讲一让字, 便人人可行; 立身之道何穷, 只得一敬字, 便事事皆整.
                                                                                   (围炉夜话)

VI THIỆN YẾU GIẢNG NHƯỢNG   LẬP THÂN VỤ ĐẮC KÍNH
          Vi thiện chi đoan vô tận, chỉ giảng nhất nhượng tự, tiện nhân nhân khả hành; Lập thân chi đạo hà cùng, chỉ đắc nhất kính tự, tiện sự sự giai chỉnh. 
                                                                            (Vi lô dạ thoại)

LÀM ĐIỀU THIỆN CHỈ CẦN CHỮ “NHƯỢNG”
ĐẠO LẬP THÂN CỐT Ở CHỮ “KÍNH”
          Cách làm điều thiện thì vô cùng vô tận, chỉ cần một chữ “nhượng”, người người đều có thể làm được. Đạo lập thân xử thế cũng chẳng cùng tận, chỉ cần làm được chữ “kính” thì mọi việc đều có thể được chỉnh tề.

Phân tích và thưởng thức
          “Nhượng” có thể từ hai mặt mà nói, một là “bất tranh”, mặt khác là “năng xả”. Làm được “bất tranh”, sẽ không kì kèo so bì với người khác, càng không vì danh lợi mà làm những điều bất thiện. “Bất tranh” tuy tiêu cực, nhưng “không làm điều ác”, nếu người người làm được thì trong thiên hạ sẽ giảm đi rất nhiều việc xấu. Sau khi có thể “bất tranh”chỉ cần tích cực “năng xả” , năng xả tài vật đem giúp người khác, năng xả tri thức để dạy người đời, năng xả sinh mệnh của mình để tận trung, năng xả sự hưởng thụ của bản thân để phục vụ nhân quần. Nhân đó, trọng điểm của làm điều thiện ở chỗ chữ “nhượng”, “nhượng” được thì trăm việc đều có thể làm được.
          “Kính” cũng có thể từ ba mặt mà nói, một là kính đối với người, hai là kính đối với sự việc, ba là kính đối với bản thân. Kính đối với người thì hoà khí tự sinh, không tranh với người, đối xử với nhau vui vẻ. Kính đối với sự việc thì có thể tận tâm tận lực, cẩn thận làm việc, mà không tổn hại công việc. Kính đối với bản thân thì không bao giờ làm những việc bất kính, làm tổn hại đến nhân cách, càng yêu cầu bản thân luôn tinh tấn trong việc tu dưỡng đạo đức, tuyệt không một chút tự mình lãng phí. Nhân đó, đạo xử thế tuy nhiều, nhưng có được một chữ “kính” thì cũng có thể khiến sự việc không sai lầm, tất cả đều đi vào quỹ đạo.  

Chú của người dịch
Vi lô dạ thoại 围炉夜话: là một tác phẩm nổi tiếng đời Thanh, tác giả là Vương Vĩnh Bân 王永彬. Vi lô dạ thoại có 221 tắc, đề cập nhiều phương diện như đạo đức, tu thân, độc thư, an bần lạc đạo, giáo tử, trung hiếu, cần kiệm … nêu rõ hàm nghĩa sâu xa: lập đức, lập công, lập ngôn đều lấy “lập nghiệp” làm gốc.Vi lô dạ thoại 围炉夜话cùng với Thái căn đàm 菜根谭, Tiểu song u kí 小窗幽记 được gọi chung là “xử thế tam đại kì thư”.

Vương Vĩnh Bân 王永彬:
          Vương Vĩnh Bân tự Nghi Sơn 宜山, người đời gọi ông là Nghi Sơn tiên sinh 宜山先生, con cháu đời sau của họ Vương gọi ông là Nghi Sơn công 宜山公. Cuộc đời ông trải qua 5 vương triều: Càn Long 乾隆, Gia Khánh 嘉庆, Đạo Quang 道光, Hàm Phong 咸丰, Đồng Trị 同治. Ông sinh ngày 23 tháng Giêng năm Nhâm Tí thời Càn Long, mất ngày 25 tháng Giêng năm Kỉ Tị thời Đồng Trị, hưởng thọ 78 tuổi.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/53686.htm

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 01/7/2020

Nguồn
VI LÔ DẠ THOẠI
围炉夜话
Tác giả: Vương Vĩnh Bân 王永彬
Thiểm Tây lữ du xuất bản xã, 2002. 
Previous Post Next Post