THÁI HOÀ MÔN BẮC KINH
Phía bắc
Ngọ môn 午门 là một
quảng trường rộng lớn, Thái Hoà Môn 太和门hùng vĩ khôi lệ đứng
sừng sững ở phía bắc quảng trường. Thời kì đầu triều Minh, Thái Hoà Môn có tên
là Phụng Thiên Môn 奉天门, là cung môn lớn nhất trong Tử Cấm Thành 紫禁城, và cũng là chính môn của cung điện ngoại triều của Tử
Cấm Thành, bề mặt 9 gian, sâu 3 gian, kiểu trùng thiềm hiết sơn đính 歇山顶 (1), được xây dựng trên toà nền Hán bạch ngọc, trên kết cấu
trụ rường có “hoà tỉ thái hoạ” 和玺彩画 (2). Môn tiền bày một cặp sư tử bằng
đồng, ngoài ra còn có 4 chiếc đỉnh đồng, cùng thạch quỹ, thạch đình. Phía đông
môn lâu là Chiêu Đức Môn 昭德门tương đối nhỏ, phía
tây là Trinh Độ Môn 贞度门, ba toà môn này chủ thứ rõ ràng, đan xen nhau rất
tinh tế.
Trước
Thái Hoà Môn là quảng trường với diện tích đạt đến 26.000m2 , nội
kim thuỷ hà 内金水河 từ
chỗ chếch về phía nam giữa quảng trường uốn khúc chảy qua, bên trên có 5 cây cầu
vòm đá Hán bạch ngọc, hai bên quảng trường có trường lang vu 长廊庑, lang vu phía đông vào thời Minh dùng làm Thực lục
quán 实录馆, Ngọc điệp quán 玉牒馆,
Khởi cư chú quán 起居注馆, đời Thanh đổi là Kê sát khâm phụng thượng dụ sự kiện
xứ 稽察钦奉上谕事件处, Nội cáo sắc phòng 内诰敕房. Giữa lang vu là Hiệp Hoà Môn 协和门 (đời Minh gọi
là Tả Thuận Môn 左顺门, sau đổi là Hội Cực Môn 会极门),
từ đây có thể thông đến Văn Hoa Điện 文华殿, Nội các 内阁 ...
phía đông khu vực hoàng cung. Lang vu phía tây, đời Minh là Hội điển quán 会典馆 nơi
biên soạn bộ Đại Minh hội điển 大明会典, đời Thanh đổi là
Phiên thư phòng 繙书房, Khởi cư chú quán起居注馆, ở giữa có Hi Hoà Môn 熙和门 (đời Minh gọi là Hữu Thuận Môn 右顺门, sau đổi gọi là Quy Cực Môn 归极门),
có thể thông đến Vũ Anh Điện 武英殿, khu vực phía tây
quảng trường.
Minh đại Ngự
Môn thính chính
Ngự Môn
thính chính 御门听政thường cử hành vào lúc sáng sớm, cho nên cũng gọi là
“tảo triều” 早朝, “thường triều” 常朝,
là một trong những hình thức chủ yếu xử lí chính vụ thường ngày của đế vương
vương triều phong kiến. Minh Thành Tổ Chu Đệ 明成祖朱棣 sau khi dời đô đến Bắc Kinh 北京, tam đại điện (3)
khởi dụng chưa đến trăm ngày đã bị đại hoả thiêu huỷ, Chu Đệ sợ “làm trái ý trời”
không dám trùng tu, phải lấy Phụng Thiên Môn 奉天门 (nay là Thái
Hoà Môn 太和门) làm nơi hoàng đế thường triều và thính chính. Về sau
tam đại điện tuy trùng kiến, nhưng truyền thống Ngự Môn thính chính vẫn đươc bảo
lưu. Đến đầu đời Thanh, nơi Ngự Môn thính chính được dời đến Càn Thanh Môn 乾清门.
Thời Tuỳ
Đường, hoàng đế thường cứ 5 ngày cử hành tảo triều một lần, mấy vị hoàng đế trước
đời Minh tương đối siêng năng chính sự, dường như mỗi ngày đều cử hành tảo triều.
Tảo triều thông thường cử hành vào lúc sáng sớm, đến giờ đó, Ngọ Môn đánh trống,
văn võ đại thần theo đội ngũ từ tả hữu Dịch Môn 掖门của
Ngọ Môn tiến vào, theo phẩm cấp đứng hai bên Thái Hoà Môn. Ngoài ra, vị quan khởi
cư chú sẽ phụ trách ghi chép ngôn hành thường ngày của hoàng đế. Lúc hoàng đế
thăng toạ bảo điện ở Ngự Môn, tiếng roi đánh trên nền đá vang lên, các đại thần
sau khi nhất quỵ tam khấu, đại thần lục bộ cửu khanh theo thứ tự tấu sự hoặc
kính trình bản tấu, do hoàng đế ra quyết sách có liên quan. Tấu sự hoàn tất, ngự
sử cử lễ nghi, đánh roi trên nền đất, hoàng đế khởi giá hồi cung, bách quan lui
về. Kỉ luật thướng triều tương đối nghiêm túc, không được đến chậm, không được
lớn tiếng ho, càng không cho phép chen ngang vượt ngang. Nếu không sẽ bị giáng
chức hoặc xử phạt bổng lộc.
Sự thực,
văn võ đại thần tảo triều tại lộ thiên. Còn trên ti vi, trên phim ảnh mà chúng
ta thấy tảo triều trong đại điện là không phù hợp với sự thực lịch sử, vì như vậy
không chỉ người đông lời tạp, bất lợi cho việc nghị sự, mà còn dễ bị tiết lộ. Nếu
như gặp gió to, mưa lớn, tảo triều có thể lùi ngày cử hành; còn nếu mưa gió
không lớn lắm, hoàng đế sẽ ban cho các văn võ đại thần dụng cụ chắn gió chắn
mưa, để hoàn tất buổi tảo triều.
Mỗi
ngày đều thướng triều là quy củ do Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 明太祖朱元璋 lập
ra, lúc đó ông tinh lực còn dồi dào, phế bỏ Tể tướng. phàm sự việc do ông đích
thân xử lí. Tảo triều lúc bấy giờ nội dung cụ thể, sự vụ phức tạp. Nhưng hậu bối
của ông có một số cố sức mà làm, ngay cả Chu Đệ 朱棣cũng
không thể không dựa vào sự giúp đỡ của Nội các trong việc phê duyệt tấu chương,
Nội các dần trở thành ê kíp bí thư của hoàng đế, hình đồng Tể tướng. Tấu chương
mà đại thần dâng lên trước tiên giao cho Nội các, Nội các phê xuất ý kiến trước,
đến lúc tảo triều chỉ cần theo ý kiến đã chuẩn bị mà truyền chỉ thi hành, tảo
triều ngày càng rơi vào hình thức. Đến hậu kì triều Minh, hoàng đế tham muốn hưởng
lạc, ỷ lại hoạn quan, không thướng triều, giống như hoàng đế Gia Tĩnh 嘉靖, hoàng đế Vạn Lịch 万历
đều từng mấy chục năm không thướng triều.
Chú của người
dịch
1- Hiết sơn
đính 歇山顶: Một trong những dạng kiến trúc phần mái truyền thống của Trung Quốc.
2- Hoà tỉ thái
hoạ 和玺彩画: Là đồ hoạ màu cao cấp nhất thuộc đồ hoạ màu trong kiến trúc cung điện
truyền thống Trung Quốc, đa phần được vẽ trên kiến trúc cung điện hoặc trên kiến
của hoàng gia có liên quan. Căn cứ vào quy mô, đẳng cấp kiến trúc cùng với nhu
cầu công năng sử dụng, “hoà tỉ thái hoạ” phân thành 5 loại: kim long hoà tỉ 金龙和玺, kim phụng hoà tỉ 金凤和玺, long phụng hoà tỉ 龙凤和玺, long thảo hoà tỉ
龙草和玺, tô hoạ hoà tỉ 苏画和玺.
3- Tam đại điện:
Chỉ Thái Hoà Điện 太和殿, Trung Hoà Điện 中和殿,
Bảo Hoà Điện 保和殿.
Phụ lục
Hiết sơn đính
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 05/7/2020
Nguồn
THÁI HOÀ MÔN
太和门
Trong quyển
ĐỒ GIẢI CỐ CUNG
图解故宫
Tác giả: Định Giới 定界
Bắc Kinh: Bắc Kinh xuất bản xã, 2018
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật