TÂM HỌC TÔNG SƯ – VƯƠNG THỦ NHÂN
Vương
Thủ Nhân 王守仁 (1472
– 1529), tự Bá An 伯安, hiệu Dương Minh Tử 阳明子,
tư tưởng gia, triết học gia, văn học gia và quân sự gia nổi tiếng nhất đời
Minh. “Dương Minh tâm học” 阳明心学 do ông sáng lập
ngang hàng cùng với học phái Chu Tử 朱子, chiếm địa vị trọng
yếu trong lịch sử Nho học, đối với Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên cùng với các quốc
gia Đông Nam Á cho đến toàn cầu đều có ảnh hưởng sâu rộng.
Cách trúc ngộ
đạo
Vương
Thủ Nhân sinh trong một gia đình hoạn quan thế gia, thư hương môn đệ, gia giáo
rất nghiêm, nhưng từ nhỏ Vương Thủ Nhân đã không tuân theo quy củ, những ghi
chép đều nói ông lúc nhỏ “hào mại bất ki” 豪迈不羁 (khí phách hào
hùng, không chịu câu thúc). Như năm 13 tuổi sau tang mẹ, kế mẫu đối xử ông
không tốt, ông thông đồng với vu bà chọc ghẹo
kế mẫu, khiến từ đó kế mẫu đối xử tốt với ông. Như năm 17 tuổi, ông đến
Nam Xương 南昌 đón
dâu là cô em họ Chư thị 诸氏, nhưng hôm kết hôn,
ông dạo bước đến Thiết Trụ cung 铁柱宫, gặp một vị đạo sĩ
ngồi xếp bằng trên sạp, thế là ông ngồi đối diện trò chuyện, quên mất hôn lễ.
Người nhà tìm khắp nơi, mãi đến hôm sau mới gọi được ông về.
Đương
thời, Lí học của Chu Hi lưu truyền rất rộng, đối với học vấn của Chu Hi, Vương
Thủ Nhân tin tưởng không nghi ngờ gì, Để thực tiễn “cách vật trí tri” 格物致知 của
Chu Hi, có một lần ông quyết tâm nghiên cứu tận cùng lí của cây trúc, “cách” 7
ngày 7 đêm mà không phát hiện được gì, mà ngược lại ngã bệnh. Sự kiện này đã
giáng một đòn rất lớn đối với Vương Thủ Nhân. Nhân đó Vương Thủ Nhân nảy sinh
hoài nghi đối với Lí học của Chu Trình.
Năm 28
tuổi, Vương Thủ Nhân tham gia Lễ bộ hội thí, nhân khảo thí xuất sắc, được ban
Nhị giáp tiến sĩ vị thứ 7, sau được giao Binh bộ chủ sự. Làm 3 năm Binh bộ chủ
sự, Vương Thủ Nhân phản đối đại hoạn quan Lưu Cẩn 刘瑾chuyên
quyền, bị đánh 40 trượng, trích biếm đến Long Trường 龙场
Quý Châu 贵州 (tây
bắc Quý Dương 贵阳 70 dặm)
thuộc huyện Tu Văn 修文) giữ chức Dịch thừa 驿丞.
Đương thời dịch địa Long Trường ở vào nơi núi non trùng điệp, bồn bề hoang vu,
người thưa thớt. Vương Thủ Nhân vừa mới đến nơi, đã không có phòng ở lại không
có lương thực, đành phải nương nhờ sơn động, đích thân trồng rau trồng lương thực,
sống những ngày tháng cực khổ. Có lúc cày cấy không đủ ăn, phải hái rau quyết 蕨 ăn đỡ
đói. Vương Thủ Nhân ở vào hoàn cảnh khốn khó, cực lực bài trừ sinh tử tạp niệm,
“nhật dạ đoan cư trừng mặc, dĩ cầu tĩnh nhất” 日夜端居澄默, 以求静一 (ngày
đêm ngồi ngay ngắn nghiêm trang im lặng để cầu mong được trấn định chuyên nhất).
Nửa đêm một ngày nọ, ông bỗng nhiên đốn ngộ, đó chính là “Long Trường ngộ đạo” 龙场悟道 nổi tiếng. “Đạo” đốn ngộ của Vương Thủ Nhân, tức đạo ở
lòng ta, ý nói đạo của thánh nhân trước thiên địa vốn đã có ở lòng ta, không cần
phải vọng cầu bên ngoài, “Tâm học” 心学từ đó được sản sinh.
Về sau, Vương Thủ Nhân không ngừng phát triển và hoàn thiện tâm học, thu nhận rộng
rãi đồ đề để truyền bá tâm học, dần hình thành Tâm học đứng ngang hàng với Lí học
của Chu Trình, có ảnh hưởng rất rộng.
Tâm tức lí
Tâm học
của Vương Thủ Nhân kế thừa tư tưởng triết học “vũ trụ tiện thị ngô tâm” 宇宙便是吾心 (vũ
trụ chính là tâm của ta) và tâm tức lí” 心即理 của Lục Cửu
Uyên 陆九渊, là học thuyết Nho gia phân doanh đối luỹ với Lí học
Chu Trình. Lí học Chu Trình xem “lí” 理 trừu tượng là bản nguyên của vạn vật trong vũ trụ, chủ
trương “tức vật cùng lí” 即物穷理, “tồn thiên lí,
diệt nhân dục” 存天理, 灭人欲, thuộc phạm trù
triết học chủ nghĩa duy tâm khách quan. Tâm học của Lục Vương thì đem cái tâm
chủ quan (ý chí và quan niệm đạo đức của con người) xem là bản nguyên của vạn vật
vũ trụ, “tâm ngoại vô lí, tâm ngoại vô vật, tâm ngoại vô sự” 心外无理, 心外无物, 心外无事, cho rằng “thiên lí” ở trong tâm của mỗi người, đề xướng
từ nội tâm của mình mà tìm “lí”, thuộc phạm trù triết học chủ nghĩa duy tâm chủ
quan.
Một ví
dụ có thể nói rõ học thuyết của Vương Thủ Nhân. Một lần nọ, một người bạn chỉ
cây hoa bên vách núi, hỏi Vương Thủ Nhân rằng:
- Thiên hạ không có vật ngoài tâm, vậy như cây hoa này, trong núi sâu, tự
nở tự rụng, có liên quan gì với tâm của ta?
Vương
Thủ Nhân đáp rằng:
- Lúc ông chưa thấy hoa này, hoa và tâm của
ông cùng quy về tịch mịch. Khi ông nhìn thấy hoa này, thì nhan sắc của hoa
trong phút chốc hiện rõ lên, bèn biết đến hoa, không phải tại ngoài tâm của
ông.
Vương
Thủ Nhân cho rằng, mọi sự vật trong thiên hạ không vật nào là không dựa vào ý
chí chủ quan của con người (tức tâm) mà tồn tại, cả thế giới tự nhiên và mọi sự
vật trong xã hội loài người đều là biểu hiện của “tâm”. Cũng là nói, khi chúng
ta nhìn sự vật thế giới, tổng quy lại đã đóng dấu ấn lên tự thân chúng ta.
“Tâm học”
của Vương Thủ Nhân khẳng định chủ thể ý thức và tính năng động chủ quan của con người, đem chữ “nhân” viết
nhỏ biến thành chữ “nhân” viết lớn. từ phương diện này mà nói, so với “lí học”
của Chu Hi càng đứng gần với cuộc sống hiện thực, càng có ý vị nhân tình.
Tri hành hợp
nhất
Về mối
quan hệ giữa “tri” 知 và
“hành” 行, Vương Thủ Nhân nhắm vào “tiên tri hậu hành” 先知后行 của
Chu Hi chia tách lí luận giữa “tri” và “hành”, đề xuất quan điểm “tri hành hợp
nhất” 知行合一, nhấn mạnh muốn “tri” càng cần phải “hành”. Vương Thủ
Nhân cho rằng, đã biết đạo lí đó, thì phải thực hành đạo lí đó. Nếu chỉ tự xưng
là biết mà không thực hành, thì không thể gọi là cái biết chân chính. Ví dụ: khi
biết được đạo lí hiếu thuận, là đã vô cùng hiếu thuận và quan tâm đối với cha mẹ;
khi biết được nhân ái, là đã dùng phương thức nhân ái đối đãi với bạn bè chung
quanh, Tri hành hợp nhất chân chính ở chỗ dựa vào cái biết khi hành động, tri
và hành là phát sinh đồng thời.
Trong
tri hành hợp nhất, trọng điểm nhấn mạnh của Vương Thủ Nhân là “trí lương tri” 致良知. Thế thì như thế nào là lương tri? Có một môn nhân của
Vương Thủ Nhân, ban đêm bắt được tên tặc trong phòng, Vương Thủ Nhân giảng cho
tên tặc về đạo lí lương tri, tên tặc cười lớn, hỏi ông:
- Xin nói cho tôi biết, lương tri của tôi ở
đâu?
Đương
thời trời rất nóng, ông bảo tên tặc cởi hết áo trên người, rồi hỏi:
- Còn nóng không, sao không cởi luôn cả quần?
Tên tặc
do dự một lúc, rồi nói:
- Như vậy không hay lắm đâu.
Vương
Thủ Nhân hướng đến tên tặc thét lớn:
- Đó chính là lương tri của ngươi đấy.
Vương
Thủ Nhân cho rằng, người người đều có lương tri, lương tri là biểu hiện của bản
tâm, thông qua lương tri con người có thể trực tiếp biết đúng là đúng, sai là
sai. “Trí lương tri” chính là muốn con người trong hành động thực tế thực hiện
lương tri, tri hành hợp nhất. Vương Thủ Nhân giáo dục mọi người đem đạo đức lí
luận dung nhập trong hành vi thường ngày, để lương tri thay thế tư dục, thì có
thể phá trừ được “tâm trung tặc” 心中贼, có thể “các đắc kì
tâm” 各得其心. Vương Thủ Nhân cho rằng chỉ có cứu nhân tâm, kêu gọi
lương tri của mỗi cá nhân, mới có thể cứu được xã hội, chỉ có mỗi cá nhân bỏ đi
“ác dục” và “tư dục” của thế giới nội tâm, mới có thể giải quyết các vấn đề phức
tạp gặp phải trong xã hội hiện thực.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 24/7/2020
Nguyên tác Trung văn
TÂM HỌC TÔNG SƯ – VƯƠNG THỦ NHÂN
心学宗师 - 王守仁
Trong quyển
NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG
TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ
(quyển 1)
一本书读懂中国传说文化
Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航
Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản
2019
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật