Dịch thuật: Đồ phu dân tặc, nhân oán gia cừu

ĐỒ PHU DÂN TẶC   NHÂN OÁN GIA CỪU (1)
Mâu thuẫn xã hội gay gắt cuối đời Tần

          Năm 210 trước công nguyên, Hồ Hợi 胡亥 chưa kịp mai táng phụ thân đã lên bảo toạ hoàng đế, đó là hoàng đế Tần Nhị Thế 秦二世. Tháng 9 năm đó, táng Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 tại Li Sơn 骊山.
          Lúc Tần Nhị Thế đăng cơ mới chỉ 21 tuổi, vừa mới lên ngôi đã bộc lộ diện mục hung tàn. Nhị Thế hợp mưu cùng Triệu Cao 赵高 mưu sát Phù Tô 扶苏, soán đoạt quyền lực tối cao của triều Tần, tông thất đại thần không phục, Nhị Thế cũng sợ các công tử tranh đoạt hoàng vị với ông. Đối với một số đại thần có công, Triệu Cao càng oán hận đố kị, y khuyên Hồ Hợi trừ khử hết các lão thần, đề bạt thân tín của mình, thu nhận “dư dân” 余民 (chỉ cựu quý tộc của 6 nước), để tạo thế lực cho mình, Hồ Hợi nghe theo. Thế là một trận đại đồ sát để củng cố hoàng vị bắt đầu.
          Người đầu tiên bị hại là anh em họ Mông . Anh em Mông thị nắm giữ binh quyền triều Tần, tổ tiên ba đời tích công được triều Tần tin dùng, là công thần tôn sủng của Tần Thuỷ Hoàng. Triệu Cao và Hồ Hợi phát động chính biến Sa Khâu 沙丘, trước tiên phải trừ khử anh em Mông thị. Họ đối với Mông thị “tứ tử” bất thành, liền dùng cách giam cầm. Sau khi Hồ Hợi lên ngôi, Triệu Cao gán cho Mông Điềm 蒙恬, Mông Nghị 蒙毅nhiều tội danh, không diệt họ thì không thể, để đề phòng họ nổi dậy trở lại. Nhân đó, Hồ Hợi phái ngự sử Khúc Cung 曲宫đến huyện Đại , lấy tội danh Mông Nghị từng phản đối lập Hồ Hợi làm thái tử, lại muốn sát hại thêm Mông Điềm. Sau đó, lại phái sứ giả đi đến Dương Chu 阳周, lấy tội danh “Nghị hữu đại tội, pháp cập Nội sử 毅有大罪, 法及内史” (Mông Nghị có tội lớn, theo pháp luật liên luỵ đến Nội sử) (chỉ Mông Điềm) (Sử kí- Mông Điềm liệt truyện 史记 - 蒙恬列传), giết Mông Điềm. Cuối cùng, Mông Điềm bị bức uống thuốc tự sát.
          Tiếp đó, để ngăn chận các công tử tranh đoạt hoàng vị với mình, Tần Nhị Thế đã công nhiên dùng các thủ đoạn đại khai sát giới với các công tử. Như ba anh em công tử Tương Lư 将闾, trước tiên bị cầm tù nơi hậu cung, cuối cùng bị bức tự sát. Ngoài ra, còn có 12 công tử bị giết nơi chợ Hàm Dương 咸阳, 10 công chúa bị xử hình phạt xé xác tại đất Đỗ (nay là phía tây thành phố Hàm Dương咸阳 Thiểm Tây 陕西), tài vật của họ bị tịch thu sung công, người bị liên luỵ càng nhiều vô số. Tần Nhị Thế bạo hành khiến quần thần ai nấy thấy tự nguy, tông thất chấn động khủng hoảng. Công tử Cao không chịu ngồi đợi chết, muốn đào thoát tìm đường sống, nhưng lại sợ gặp phải hoạ diệt tộc, đành thỉnh cầu được “tùng tử” 从死 theo Tần Thuỷ Hoàng. Đó là kết quả tốt nhất.
          Tần Nhị Thế đối với việc tàn sát nhân dân quy mô càng lớn. Khi mai táng Tần Thuỷ Hoàng, Tần Nhị Thế sợ nhóm thợ xây lăng tiết lộ bí mật, đã hạ lệnh đem toàn bộ nhóm thợ bế tử trong mộ. Tần Nhị Thế lấy xương cốt chất đống để  gia cố bảo toạ  hoàng vị của mình.
          Không chỉ như thế, ông ta còn đại hưng phục vụ lao dịch, phòng thủ biên  cương, tăng thuế khoá. Vừa mới lên ngôi, việc phục vụ lao dịch và đồn trú nơi biên cương nối tiếp nhau không dứt. Ban đầu, Tần Nhị Thế điều động tập trung một số lượng lớn lao động, tăng cường xây dựng mộ ở Li Sơn 骊山. Sau khi mộ Li Sơn hoàn thành, lại hạ lệnh tiếp tục xây cung A Bàng 阿房, cùng đường lớn và đường xe ngựa đi. Để tăng cường lực lượng thống trị, lại điều động 5 vạn người đồn trú bảo vệ Hàm Dương. Hơn nữa, còn nuôi nhiều chó ngựa cầm thú cung ứng cho việc săn bắn hưởng lạc. Hàm Dương dùng không đủ, ông ta lệnh xuống các quận huyện điều động lương thảo, yêu cầu vận chuyến lương thực nhu yếu đến. Quy định cốc vật trong Hàm Dương 300 dặm không được dùng, để tiện cho việc thu gom cung ứng quân nhu. Những việc hoành hành bạo ngược như thế, so với thời Tần thuỷ Hoàng có thể nói là hơn chứ không thua kém.
          Tần Nhị Thế là đế vương hôn dung. Sau khi lên ngôi chẳng bao lâu, suốt ngày hưởng lạc, không ngó ngàng đến chính sự, chỉ biết nghe theo những lời không thực tế của Triệu Cao 赵高 thân tín, ở luôn trong cung rất ít khi xuất hiện, mọi việc triều chính đều do Triệu Cao quyết đoán. Triệu Cao là kẻ có dã tâm và âm mưu, từng lập mưu li gián mối quan hệ giữa Lí Tư 李斯 và Tần Nhị Thế; vu hãm Lí Tư mưu phản, tư thông với địch, cuối cùng đem Lí Tư chém ngang lưng ở chợ Hàm Dương và diệt cả ba tộc. Tần Nhị Thế hôn dung vô năng, dẫn đến nội bộ tập đoàn thống trị nhà Tần phân li khiến Triệu Cao tiến thêm một bước đoạt lấy đại quyền trong triều.
         Tóm lại, vương triều chuyên chế dưới sự thống trị của Tần Nhị Thế đã thể hiện rõ tính tàn bạo, “phú liễm dũ trọng, thú dịch vô dĩ” 赋敛愈重, 戍徭无已 (thuế khoá ngày càng nặng, lao dịch trấn giữ biên cương không dứt), “pháp lệnh tru phạt nhật ích khắc thâm” 法令诛罚日益刻深 (pháp lệnh trừng phạt ngày càng tàn khốc) (Sử kí – Lí Tư liệt truyện 史记 - 李斯列传), khiến mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Trong tình hình đó, một cuộc khởi nghĩa nông dân trong cả nước mục đích là lật đổ vương triều Tần, cuối cùng đã bộc phát.

Chú của người dịch
1- Đồ phu dân tặc 屠夫民贼: Tay đồ tể tàn hại nhân dân.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 30/7/2020

Nguyên tác Trung văn
ĐỒ PHU DÂN TẶC  NHÂN OÁN GIA CỪU
屠夫民贼  人怨家仇
Trong quyển
TẦN HÁN SỬ THOẠI
秦汉史话
Tác giả: Phan Quốc Cơ 潘国基
Bắc Kinh: Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post