Dịch thuật: Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng (1268) ("Truyện Kiều")


NAY HOÀNG HÔN ĐÃ LẠI MAI HÔN HOÀNG (1268)
          Nữ tác gia thời Tống Chu Thục Chân 朱淑真 hiệu U Thê Cư Sĩ 幽栖居士 trong bài Thu dạ hữu cảm 秋夜有感 đã viết:
Khốc tổn song mâu đoạn tận trường
Phạ hoàng hôn hậu đáo hoàng hôn
Cánh kham tế vũ tân thu dạ
Nhất điểm tàn đăng bạn dạ trường
哭损双眸断尽肠
怕黄昏后到黄昏
更堪细雨新秋夜
一点残灯伴夜长
(Khóc đến nỗi đôi mắt bị mờ, ruột đau đứt đoạn
Sợ nhất hoàng hôn rồi lại đến hoàng hôn
Làm sao có thể chịu được đêm đầu thu với cơn mưa nhỏ hạt
Một chiếc đèn tàn lẻ loi làm bạn suốt đêm dài)

Song sa vò võ phương trời
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng
(“Truyện Kiều” 1267 – 1268)
Hoàng hôn: Nghĩa gốc ở chữ Hán là sắc vàng và sắc tối lẫn vào nhau, tức là lúc trời nhá nhem tối. Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng tức là hết chiều này đến chiều khác không có gì thay đổi.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Hoài nam tử: Bạc ư ngu toàn, thị vị hoàng hôn.
          淮南子: 薄於虞泉是謂黃昏
          (Sách Hoài nam tử: Mặt trời xuống núi ngu toàn là gần tối)

Xét: Theo ý riêng, câu 1268 trong “Truyện Kiều”, có lẽ Nguyễn Du đã liên tưởng đến bài “Thu dạ hữu cảm” của Chu Thục Chân.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 16/7/2020
Previous Post Next Post