MỘT NGÀY MỘT
NGÃ BÓNG DÂU TÀ TÀ (1254)
Trong “Thành ngữ - Điển tích – Danh nhân TỪ ĐIỂN”
của Trịnh Vân Thanh, ở mục “Bóng ngả cành dâu” ghi rằng:
Nghĩa đen chỉ bóng trời chiều, mặt trời chỉ
còn le lói chút ánh sáng trên cành dâu. Nghĩa bóng dùng để chỉ tuổi già của cha
mẹ. Trong “Phan Trần” có câu:
Mẹ già bóng ngả cành dâu
Phòng khi sốt mặt, váng đầu cậy ai
(NXB
Văn học, 2008)
Trong
“Tiếng Việt trong thư tịch cổ”, quyển 1 của Nguyễn Thạch Giang,
1- Ở mục “Bóng dâu” ghi rằng:
Bóng mặt trời còn gác lại trên ngọn tang du,
tức nói cảnh trời chiều. Chỉ tuổi già.
2- Ở mục
“Tang du” ghi rằng:
Cây tang du. Nói cảnh trời chiều khi mặt trời
sắp lặn, bóng gác trên ngọn tang du. “Sử ký: Niên tuế hữu cật, tang du hành tận”
= Năm tháng hết, cảnh trời chiếu tắt. “Hậu Hán thư: Thất chi đông ngung thu chi
tang du” = Mất nó lúc sáng sớm, được lại nó lúc chiều tối (tang du)
Chỉ tuổi già. “Thế thuyết: Niên tại
tang du” = tuổi về già. Thơ Trương Hoa: “Thung dung dưỡng dư nhật, thủ lạc vu
tang du” = Thung dung dưỡng ngày thừa, cốt lấy cái vui lúc tuổi già.
(NXB
Khoa học Xã hội, 2003)
Trong
“Thành ngữ điển tích từ điển” của Diên Hương, ở mục “Bóng dâu, Bóng du” ghi rằng:
Bóng dâu, Bóng du, dc (do chữ) tang du. Bóng
chiều chiếu trên đầu ngọn dâu. Sách TH (Trung Hoa) nói ở góc biển Tây có cây
tang du mặt trời đến đó thì lặn, nb (nghĩa bóng) Cảnh già. Nr (nói rộng ra) Cha
mẹ già.
(NXB Tổng
hợp Đồng Tháp, 1992)
Ở thành ngữ “Nhật lạc tang du”
日落桑榆, “tang” và “du” là hai loại cây, khi mặt trời lặn,
ánh nắng chiếu lên ngọn cây tang (dâu) cây du (bạch phần 白枌), nhân đó chỉ lúc xế chiều, ví người tuổi đã già,
cũng ví việc ẩn cư chốn điền viên.
Nhưng trong
Văn tuyển – Tào Thực – Tặng Bạch Mã Vương
Bưu 文选 - 曹植 - 赠白马王彪 có
câu:
Niên tại tang du gian, ảnh hưởng bất
năng truy
年在桑榆间, 影响不能追
(Năm tháng xế chiều khoảng tang du, bóng và thanh âm
không thể đuổi theo)
Từ
“tang du” 桑榆 được
chú thích là “tên hai vì sao” (nhị tinh danh 二星名)
đều ở phương tây. Lí Thiện 李善 chú rằng:
Nhật tại tang du, dĩ dụ nhân chi tương lão. Ảnh
hưởng: ảnh tử hoà thanh âm.
日在桑榆间, 以喻人之将老. 影响: 影子和声音
(Mặt trời
tại tang du, ví người sắp già lão, ảnh hưởng: tức bóng và thanh âm)
Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Một ngày một ngã bóng dâu tà tà
(“Truyện
Kiều” 1253 - 1254)
Bóng dâu đã xế ngang đầu
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi?
(“Truyện
Kiều” 1629 – 1630)
Bóng dâu:
Bóng cây dâu,chỉ tuổi cha mẹ.
Mặt trời xế bóng cây dâu (cây
của cha mẹ trồng ở quê nhà) xiên xiên ngang đầu, chỉ cha mẹ tuổi già.
(Đào Duy Anh: “Từ điển
Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Nhật lạc tang du
日落桑榆
(Mặt
trời lặn vào bãi dâu).
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
Xét: Theo chú giải của các sách, “tang du” là chỉ cây tang
và cây du. Có tư liệu cho là tên hai vì sao ở phương tây. Theo ý riêng, mặt trời buổi chiều,
xế về phương tây nơi có sao tang sao du, thấy hợp lí hơn.
Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, Khang Hi tự điển, Từ nguyên
ở mục chữ “tang” và chữ “du” không thấy có nét nghĩa tên sao. Riêng trong Khang Hi tự điển có “Bạch Du” 白榆 là tên sao
(tinh danh 星名)
Trong “Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn
phiên Nôm, câu 1629 là:
Bóng TANG đã xế ngang đầu
(Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 10/7/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật