Dịch thuật: Khang Hi ngự thư "Thiếu Lâm Tự"

KHANG HI NGỰ THƯ “THIẾU LÂM TỰ”

          Hiện nay trên sơn môn của Thiếu Lâm tự 少林寺 có treo tấm biển lớn bằng gỗ tử đàn hương nền đen viền vàng. Chính giữa tấm biển viết ba chữ vàng to như cái đấu – “Thiếu Lâm Tự” 少林寺. Theo truyền thuyết đó chính là ngự bút của hoàng đế Khang Hi 康熙 đầu đời Thanh.
          Truyền thuyết kể rằng, sơn môn của Thiếu Lâm tự sau khi trùng tu, khí thế hùng vĩ to lớn hơn nhiều so với sơn môn lúc trước. Bề ngang rộng, sâu 3 gian, tượng ở khám thờ phía trước trong cửa là tượng Phật Di Lặc 弥勒 chân trần, phơi bụng, tượng ở khám thờ phía sau là Hộ pháp Vi Đà 韦驮 đứng cầm “hàng quỷ chử” 降鬼杵. Trước cổng có 17 bậc cấp, hai bên là một cặp sư tử đá nhe nanh múa vuốt. Còn có cây bách cổ cao vút trời, điểm xuyết sơn môn càng thêm tráng quan. Nhưng trên sơn môn còn thiếu tấm biển “Thiếu Lâm Tự”. Vị tăng trú trì lúc bấy giờ là Kính Trai 敬斋 đã bỏ nhiều công sức từ Giang Nam vận chuyển về khúc gỗ tử đàn hương, chất gỗ thì cứng mà sắc gỗ nhu mĩ tươi đẹp, nhờ cao thủ thợ mộc làm ra tấm biển lớn nền đen viền vàng. Hoà thượng còn mời mấy người giỏi thư pháp viết ra mấy chục tờ “Thiếu Lâm Tự”, nhưng ông đều cảm tháy không vừa ý.
          Chính vào lúc đó, từ Bắc Kinh 北京 truyền thánh chỉ đến, nói rằng hoàng đế Khang Hi sẽ du tuần Trung Nhạc 中岳, bảo Thiếu Lâm tự chuẩn bị tiếp giá. Hoà thượng Kính Trai nghe tin, vô cùng vui mừng. Một là hoàng đế đến vãng cảnh chùa, Thiếu Lâm tự sẽ càng thêm vinh dự; hai là có thể xin hoàng đế ngự thư cho ba chữ “Thiếu Lâm Tự” trên tấm biển. Nhưng suy nghĩ lại, hoà thượng lại không vui. Vì sao vậy? Bởi thư pháp của Khang Hi tuy rất đẹp, nhưng ông ta rất cẩn thận, trường hợp bình thường không dễ gì động bút. Cho nên, văn võ đại thần bàn luận riêng, nói rằng: với chữ của hoàng đế Khang Hi, một chữ đáng ngàn vàng.
          Làm thế nào bây giờ? Hoà thượng Kính Trai suy nghĩ mãi, cuối cùng nghĩ ra một cách. Đêm trước ngày hoàng đế Khang Hi đến vãng cảnh chùa, hoà thượng cho triệu tập tám chín trăm tự tăng cả chùa, đem dự tính của mình nói ra, lại trình bày việc sắp xếp một cách tỉ mỉ. Các tự tăng sau khi nghe qua đều rất vui mừng.
          Ngày hôm sau, hoàng đế Khang Hi đến chùa, chỉ thấy trong chùa vắng vẻ, nơi cổng có hai hoà thượng một già một trẻ trải giấy trên đất. Lão hoà thượng khoảng chừng 80 tuổi, hai bên tai tóc đã bạc, tay phải cầm cây bút lớn bằng cây chổi, viết ra ba chữ “Thiếu Lâm Tự”  trên tờ giấy trải trước mặt. Chữ lớn bằng con chó, nghiêng nghiêng ngả ngả, nét bút thô, không đều, nhìn rất khó chịu. Tiểu hoà thượng khoảng chừng tám chín tuổi, trên mặt chưa sạch lông măng, tăng bào trùm đến chân, tay phải cầm cây bút nhỏ, cũng viết ra ba chữ “Thiếu Lâm Tự”  trên tờ giấy, chữ nhỏ như trái hạnh, nét bút cong cong quẹo quẹo như kiến bò, nhìn cũng rất khó chịu. Lão hoà thượng chê chữ của tiều hoà thượng giống “cục phân dê”, tiểu hoà thượng chê chữ của lão hoà thượng như “giò heo”. Cả hai lúc ban đầu cãi nhau nhỏ tiếng, đợi đến lúc hoàng đế Khang Hi đến gần, cố ý cao giọng lên. Sau đó, hai người xin Khang Hi phê bình.
          Hoàng đế Khang Hi nhìn thấy hai hoà thượng một già một trẻ, vì chữ viết mà cãi nhau đến đỏ mặt tía tai, bất giác cười lên, bèn nói với lão hoà thượng:
          - Chữ của lão to như con chó, nét bút không đều, thô lậu.
          Lại quay sang nói với tiểu hoà thượng:
          - Chữ của cháu nhỏ như hạt đậu, nét bút không vững, rất xấu.
          Lúc này tiểu hoà thượng chạy vào trong chùa lấy ra một cây bút dài cả xích, dâng lên hoàng đế Khang Hi, nói rằng:
          - Thế thì ông nói phải viết như thế nào đây?
Lão hoà thượng cũng nói rằng:
          - Xin viết ra cho chúng tôi xem thử.
          Hoàng đế Khang Hi cầm lấy cây bút, chấm no mực tùng yên 松烟, trên tờ giấy trắng lớn bằng tấm biển trải trên mặt đất, viết ra ba chữ lớn “Thiếu Lâm Tự”.
          Hoàng đế Khang Hi vừa viết xong, đột nhiên từ trong chùa chạy ra đến tám chín trăm hoà thượng, hai tay chắp lại tất cả cung kính hô vang:
          - Tạ vạn tuế! Tạ vạn tuế!
          Hoàng đế Khang Hi biết tự tăng mưu trí để có được ngự bút, cũng không trách hoà thượng Kính Trai, mà còn vui mừng đóng chiếc ấn vuông vuông trên tấm biển.
          Chữ mà hoàng đế Khang Hi đề, cách nay đã có hơn 300 năm lịch sử, thần hình chính đại trang trọng, mãi được người đời sau chiêm ngưỡng.

                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn 23/7/2020

Nguồn
ĐẠI THANH HOÀNG ĐẾ KÌ VĂN BÍ SỬ
大清皇帝奇闻秘史
Tác giả: Lưu Gia Bình 刘家平
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2004
Previous Post Next Post