GIẤM CHUA LẠI
TỘI BẰNG BA LỬA NỒNG (1352)
Giấm chua: chỉ sự ghen tuông của phụ nữ. Lấy tích từ câu chuyện của
phu nhân của Phòng Huyền Linh 房玄龄 thời Đường.
Tương
truyền, Đường Thái Tông Lí Thế Dân 李世民 có vị đại thần tên Phòng Huyền Linh, người này đã lập
nhiều công lao to lớn cho triều Đường. Đường Thái Tông sau khi phong Phòng Huyền
Linh làm Lương Công 梁公, muốn tặng ông mấy cô gái xinh đẹp để làm thiếp.
Phòng Huyền Linh biết phu nhân của mình sẽ phản đối nên khéo léo từ chối. Đường
Thái Tông sau khi rõ nguyên uỷ, bảo hoàng hậu thuyết phục Phòng phu nhân, nhưng
Phòng phu nhân vẫn không đồng ý. Đường Thái Tông bèn ngầm đựng đầy giấm ăn
trong hủ rượu, nói rằng đó là rượu độc, sai người đưa đến cho Phòng phu nhân, đồng
thời hạ lệnh: Nếu tiếp tục không đồng ý thì uống hết hủ rượu này tự sát. Phòng
phu nhân không hề sợ sệt, nhận qua “rượu độc” một hơi uống cạn. Quyết tâm của
Phòng phu nhân khiến Đường Thái Tông vô cùng bội phục, liền từ bỏ ý nghĩ tặng
người đẹp cho Phòng Huyền Linh. Câu chuyện Phòng phu nhân “ngật thố” 吃醋 (uống
giấm) về sau trở thành giai thoại được truyền tụng.
Lửa nồng: tức
“hoả khanh” 火坑 (hố
lửa), chỉ nơi tranh đoạt danh lợi, buông thả dục vọng cuối cùng dẫn đến kết quả
ác báo, cũng dùng để ví tình cảnh thê thảm vì bị hãm hại đưa đến, hoặc cảnh huống
vô cùng bi thảm.
Thời
trước “hoả khanh” cũng dùng để ví kĩ viện.
Cúi đầu luồn
xuống mái nhà
Giấm chua lại
tội bằng ba lửa nồng
(“Truyện Kiều” 1351 – 1352)
Giấm chua
..... lửa nồng: Bản KOM chú: Sách tiểu
thuyết có câu: Thố khanh bất như hoả
khanh nghĩa là hang giấm chua không bằng hang lửa nồng. Đường Vũ Hậu ngâm
bà Tiêu Phi vào một chum giấm, vì vậy người làm vợ lẽ gọi là vào bình giấm, người
làm con gái nhà thổ gọi là vào hầm lửa. Đây là nói làm lẽ còn khổ gấp ba làm
đĩ.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Tiểu thuyết: Thố khanh bất như hoả khanh, thố
khanh tỉ đố phụ, hoả khanh tỉ xướng gia.
小說: 醋坑不如火坑醋坑比妒婦火坑比娼家
(Sách
Tiểu thuyết: Hang dấm chua không bằng hang lửa cháy, hang dấm ví đàn bà ghen
hang lửa ví nhà thổ đĩ)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới,
1960)
Xét: Câu 1352 này ý Thuý Kiều nói rằng, đối với cơn ghen của
Hoạn Thư còn khổ hơn làm đĩ.
Trong “Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn
phiên Nôm, câu 1351là:
Cúi đầu luồn DƯỚI mái nhà
(Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 26/7/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật