TUYẾT SƯƠNG CHE CHỞ CHO THÂN CÁT ĐẰNG (902)
Cát đằng: Cát 葛 là
dây sắn, đằng 藤là dây mây, hai loại thực vật kí sinh vào thân cây khác. Trong văn học
thường dùng để chỉ người có thân phận thấp kém, phải nương nhờ người khác. Cũng
dùng để ví thân phận người vợ lẽ.
Bài Khuỷ biền 頍弁phần Tiểu nhã
小雅trong Kinh Thi có câu:
Điểu dữ nữ la
Thi vu tùng
bá
蔦與女蘿
施于松柏
(Dây điểu và dây nữ la
Leo bám vào cây tùng cây bá)
Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân
Tuyết sương che chở cho thân cát đằng
(“Truyện Kiều” 901 – 902)
Cát đằng: Cát là dây sắn, đằng là dây mây, hai giống cây leo
nhờ vào những cây to mà mọc, ví như thân phận người vợ lẽ.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Cát đằng
là dây phải bám vào cây lớn mới lên được, chỉ nghĩa bóng là nàng hầu.
Thi: Điểu dữ nữ la thi vu tùng bách
詩:蔦與女蘿施于松柏
(Dây điểu
cùng dây nữ la, leo vào cây tùng cây bách)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
Xét: Bài thơ Khuỷ biền
頍弁 trong Kinh Thi,
theo Thi tập truyện 詩集傳 của Chu Hi 朱熹 là “yến huynh đệ thân thích chi thi 燕兄弟親戚之詩 (thơ
về việc đãi yến tiệc cho anh em cùng thân thích).
Theo ý riêng, với hai câu 901
và 902 trong “Truyện Kiều”, có lẽ Nguyễn Du đã liên tưởng đến hai câu “Điểu dữ nữ la, thi vu tùng bá” 蔦與女蘿施于松柏ở bài Khuỷ biền 頍弁, và hai
câu “Nam hữu cưu mộc, cát luỹ luy chi” 南有樛木, 葛藟纍之 ở bài Cưu mộc 樛木. Có điều, Nguyễn
Du mượn ý để nói đến thân phận của Thuý Kiều.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn
07/6/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật