TIẾC THAY MỘT ĐOÁ TRÀ (ĐỒ) MI (845)
Vương Kì 王淇 đời Tống trong bài Xuân
mộ du tiểu viên 春暮游小园 viết
rằng:
Nhất tùng mai phấn thoái tàn trang
Đồ mạt tân hồng thướng hải đường
Khai đáo đồ mi hoa sự liễu
Ti ti thiên cức xuất môi tường
一丛梅粉褪残妆
涂抹新红上海棠
开到荼蘼花事了
丝丝天棘出莓墙
(Khi hoa mai rụng, giống như người đẹp đã tẩy hết lớp
phấn son
Hoa hải đường nở, giống như người đẹp mới thoa lớp phấn
hồng lên má
Và sau khi hoa đồ mi nở, hoa sự của mùa xuân coi như
đã kết thúc
Lúc này chỉ còn cây thiên cức bò ra khỏi tường rêu)
Bài thơ
miêu tả thứ tự nở hoa trước sau của hoa mai hoa hải đường và hoa đồ mi, khi
trăm hoa héo rụng cũng là lúc cây thiên cức bò ra khỏi tường. Thời gian này
chính là lúc cuối xuân đầu hạ. Bài thơ hàm ý thi nhân luyến tiếc thời gian, cảm
thán tuổi xuân dễ qua đi.
Tiếc thay một
đoá trà (đồ) mi
Con ong đã mở
đường đi lối về
(“Truyện Kiều” 825 – 826)
Trà mi: X Đồ
mi: Bông hoa nở vào mùa hạ, sắc hơi
vàng, rất đẹp lại dễ rụng, thường ví với người con gái đẹp. Vì chữ đồ trong chữ Hán viết gần giống với chữ trà, cho người ta hay đọc lẫn là trà mi.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Đường thi: Khai đáo đồ mi hoa sự liễu.
唐詩: 開到酴醾花事了
(Thơ Đường:
Mở đến hoa trà mi thì việc hoa đã xong)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
Xét: Hoa đồ mi nở là cuối xuân đầu hạ, thời gian tương đối
muộn, lúc này trăm hoa đã rụng. Theo ý riêng, có lẽ Nguyến Du đã liên tưởng đến
câu “Khai đáo đồ mi hoa sự liễu”, “hoa sự liễu” tức việc hoa đã xong, mượn ý đó
để nói “con ong đã mở đường đi lối về” ở câu dưới.
Đồ mi 荼蘼 cũng
được viết là 荼靡, 酴糜, 酴縻 còn có tên là “Phật kiến tiếu” 佛見笑 “Bách
nghi chi” 百宜枝. Khi viết chữ “đồ” 荼
này, thường dễ bị đọc nhầm là “trà” 茶.
Bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
câu 825 và câu 826 là:
Tiếc thay một đoá trà mi
Con ong đã TỎ đường đi lối về
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 03/6/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật