Dịch thuật: Tết Đoan Ngọ có phải là để kỉ niệm Khuất Nguyên

TẾT ĐOAN NGỌ CÓ PHẢI LÀ ĐỂ KỈ NIỆM KHUẤT NGUYÊN

          Hằng năm, vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, các nơi ở Trung Quốc đều tổ chức hoạt động đua thuyền rồng, chiêng trống vang trời, bầy rồng ngao du, cảnh tượng vô cùng náo nhiệt. Về nguồn gốc của tết Đoan Ngọ 端午, trong dân gian có mấy thuyết.
Tiết phân Đoan Ngọ tự thuỳ ngôn
Vạn cổ truyền văn vị Khuất Nguyên
节分端午自谁言
万古传闻为屈原
(Có tết Đoan Ngọ là do ai nói
Từ xưa truyền rằng là để kỉ niệm Khuất Nguyên)
          Hai câu thơ này nói rõ nguồn gốc tết Đoan Ngọ được lưu truyện rộng rãi nhất. Tương truyền, thời Chiến Quốc, Tam Lư đại phu Khuất Nguyên 三闾大夫屈原 của nước Sở đối với đất nước hết mực trung thành, nhưng lại bị đày đi nơi hoang vắng, với kết cục đau thương chết vì đất nước.
          Theo sử liệu ghi chép, thời kì Khuất Nguyên phò tá Sở Hoài Vương 楚怀王, thiên hạ đại thế, bảy nước tranh hùng, chỉ có nước Tần là mạnh nhất. Để nước Sở được sinh tồn và phát triển, Khuất Nguyên ra sức khuyên Sở Hoài Vương liên hiệp với nước Tề cùng đối kháng nước Tần. Sở Hoài Vương bị bọn Trương Nghi 张仪 gạt chỉ biết đến cái lợi trước mắt, nghe không lọt tai ý kiến đích xác của Khuất Nguyên. Sau khi Sở Hoài Vương xa lánh Khuất Nguyên, lại đày ông ta ra nơi Tự Phố 溆浦. Nước Sở và nước Tề đoạn giao, nước Tề đến với nước Tần, nước Sở bị cô lập. Nước Tần thấy cơ hội đã chín mùi, bèn đem binh đánh nước Sở. Nước Sở thế cô sức yếu bị quân Tần đánh bại, bức phải cắt đất dâng cho Tần, quốc lực suy yếu đến cực điểm.
         Sau khi Sở Tương Vương 楚襄王 lên ngôi, không những không tổng kết nguyên nhân thất bại, mà còn theo sự sắp đặt của người khác. Khuất Nguyên về lại triều đình vẫn cứ giữ lòng trung thành, liều chết dâng lời can gián, cuối cùng chống không lại sàm ngôn của gian nịnh, lại bị đi đày một lần nữa. Năm 278 trước công nguyên, Dĩnh đô 郢都 – đô thành nước Sở bị phá, Sở Vương bị giết. Nghe được tin đó, Khuất Nguyên trong lòng đau buồn, thế là vào ngày mùng 5 tháng 5 ông đã nhảy xuống sông Mịch La 汨罗 tự tận. Người dân nơi đó nghe nói Khuất Nguyên nhảy xuống sông, vội chèo thuyền ra giữa sông để vớt, nhưng không tìm thấy thi thể của ông. Về sau, để kỉ niệm Khuất Nguyên, hằng năm vào ngày đó mọi người đều khua chiêng đánh trống đua thuyền rồng tại nơi mà Khuất Nguyên tự tận, ném bánh ú xuống sông, hi vọng loài cá dưới sông có thức ăn mà không rỉa xác Khuất Nguyên. Theo truyền thuyết, đó chính là nguồn gốc của tết Đoan Ngọ.
          Trong Hậu Hán thư 后汉书 có nói, bách tính phía đông Chiết Giang 浙江vào ngày mùng 5 tháng 5 theo lịch nhà Hạ, men theo sông Tào Nga 曹娥 vừa múa vừa hát để nghinh đón “Đào thần” 涛神. Đào thần chỉ Ngũ Tử Tư 五子胥 nước Sở. Tương truyền, Ngũ Tử Tư tính tình kiên cường, túc trí đa mưu. Sau khi người nhà của ông bị Sở Bình Vương 楚平王 sát hại, bức ông phải lưu vong đến nước Ngô. Về sau, Ngũ Tử Tu phò tá Ngô Vương 吴王 đánh bại nước Việt, đồng thời công phá tổ quốc của mình là nước Sở. Sau khi Phù Sai nắm quyền, Ngũ Tử Tư không còn được đắc chí. Phù Sai tin theo sàm ngôn ban cho Ngũ Tử Tư cái chết, vất thây xuống dòng sông. Thiên Đế thấy Ngũ Tử Tư vì hàm oan mà chết, bèn phong ông làm Đào thần. Từ đó, mỗi khi nước sông dâng lên chính là cách mà Ngũ Tử Tư dùng để biểu đạt tấm lòng trung trinh oan khuất. Cả vùng Chiết Giang đến nay vẫn bảo lưu tập tục mùng 5 tháng 5 tế Ngũ Tử Tư.
          Ngoài hai thuyết nêu trên, trong dân gian còn những thuyết khác, nhưng quan điểm là để kỉ niệm Khuất Nguyên và Ngũ Tử Tư là lưu truyền rộng rãi nhất.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 25/6/2020
                                                         Tết Đoan Ngọ năm Canh Tí

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post