LỠ LÀNG NƯỚC ĐỤC BỤI TRONG
(879)
Nước đục bụi trong:
tiếng Hán là “thuỷ trọc trần thanh” 水浊尘清, xuất xứ từ bài Thất ai thi 七哀诗 của
Tào Thực 曹植, trong bài có đoạn:
Quân hành du
thập niên
Cô thiếp thường
độc thê
Quân nhược
thanh lộ trần
Thiếp nhược
trọc thuỷ nê
Phù trầm các
dị thế
Hội hợp hà thời
hài?
君行逾十年
孤妾常独栖
君若清路尘
妾若浊水泥
浮沉各异势
会合何时谐
(Chàng đi đã hơn mười năm
Thiếp thường một thân cô độc
Chàng như bụi bay trên đường
Thiếp tựa bùn chìm dưới nước
Một nỗi một chìm thế khác
nhau
Biết đến bao giờ mới gặp lại)
Bài thơ nói lên nỗi
niềm ai oán của thiếu phụ nhớ chồng. “Thanh trần” chỉ người, “trọc thuỷ” chỉ
ta. Có thuyết cho “thanh lộ trần” ám chỉ Tào Phi, “trọc thuỷ nê” ám chỉ Tào Thực,
hai người ở vào hai hoàn cảnh khác nhau, không cách nào tương hợp. Theo truyền
thuyết, Tào Thực lúc nhỏ đã thông minh lanh lợi, xuất khẩu thành chương, rất được
Tào Tháo sủng ái. Tào Phi lại không ưa Tào Thực, sau khi lên ngôi, Tào Phi tìm
cơ hội để trừ khử Tào Thực, nhưng Tào Thực vẫn một lòng báo quốc. Ông viết bài
thơ này ví giữa mình với hoàng đế Tào Phi có một khoảng cách rất xa, thậm chí
như người qua đường, như kẻ Hồ người Việt.
Về sau người ta dùng thành ngữ “thuỷ trọc trần thanh” để ví
sự tương cách rất xa, không hi vọng gì gặp lại.
Lỡ làng, nước đục bụi trong
Trăm năm để một tấm lòng từ đây
(“Truyện Kiều” 879 – 880)
Nước đục bụi
trong: Dịch thành ngữ “Trọc thuỷ
thanh trần”, nghĩa là cảnh huống phi lí, nước đang trong mà đục, lại đang đục
mà hoá trong.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Tình sử: Vân nê dị lộ,
thuỷ trọc trần thanh.
情史: 雲泥異路水濁塵清
(Sách Tình sử: Trên mây dưới bùn hai đường khác nhau, có kẻ
như nước trong phải đục, có người như bụi trần được trong)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
Xét: Theo ý riêng, câu 879 này, ý nói Thuý Kiều và Kim Trọng
hai người tương cách rất xa sẽ khó mà gặp lại được.
Trong “Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn
phiên Nôm, câu 879 là:
Lỡ làng nước đục PHA trong
(Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/6/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật