Dịch thuật: Lan hoa thực vật học sử

LAN HOA THỰC VẬT HỌC SỬ

 

          Tại Trung Quốc việc trồng hoa lan có lịch sử ước khoảng hơn 2000 năm. Theo ghi chép, từ cuối thời Xuân Thu, Việt Vương Câu Tiễn 越王勾践 đã trồng lan tại Chử Sơn 渚山 (1) ở Thiệu Hưng 绍兴 Chiết Giang 浙江. Nguỵ Tấn trở đi, hoa lan được dùng để điểm xuyết cho sân vườn. Thời cổ, lúc ban đầu mọi người hái hoa lan dã sinh là chính, khi hoa lan do người trồng thì bắt đầu từ cung đình. Sau thời Nguỵ Tấn, hoa lan trồng từ cung đình mở rộng ra đến viên lâm tư gia của giai tầng sĩ đại phu, đồng thời dùng để điểm xuyết sân vườn, làm đẹp môi trường, như Tào Thực 曹植 đã miêu tả trong bài thơ Thu lan bị trường pha 秋兰被长坡. Đến đời Đường, việc trồng huệ lan mới phát triển đến các sân vườn phổ thông và người dân chuyên trồng hoa, đại thi nhân Lí Bạch 李白 có câu:

U lan hương phong viễn

Huệ thảo lưu phương căn.

幽兰香风远

蕙草流芳根

(Mùi hương của hoa lan tuy không nồng đậm, nhưng theo gió bay đi rất xa

Huệ thảo dù héo úa, nhưng mùi hương còn thơm nơi rễ)

          Đời Tống là thời kì đỉnh thịnh về lịch sử nghề trồng hoa lan, thư tịch cùng những miêu tả liên quan đến nghề trồng hoa lan rất nhiều. Như trong Nhĩ nhã dực 尔雅翼 của La Nguyện 罗愿đời Tống có nói:

          Như Sa diệp lan 莎叶兰, đầu xuân ra hoa. Hoa rất thơm, cây sinh trưởng trong rừng, một cơn gió nhẹ thoảng qua, mùi thơm lan toả đến bên ngoài, nên gọi là “Chi lan” 芝兰. Lan vùng Giang Nam 江南 chỉ thơm vào mùa xuân, còn ở vùng Kinh Sở 荆楚 cùng Mân trung 闽中, mùa thu mùa hạ thơm trở lại.

          Bộ Kim chương lan phổ 金漳兰谱 của Triệu Thời Canh 赵时庚 thời Nam Tống biên soạn vào năm 1233, có thể nói là bộ trứ tác nghiên cứu về hoa lan sớm nhất của Trung Quốc được bảo lưu đến nay, cũng là bộ chuyên trứ về hoa lan đầu tiên trên thế giới. Toàn sách chia làm 3 quyển 5 bộ phận, đối với Tử lan  紫兰 (chủ yếu là Mặc lan 墨兰) và Bạch lan 白兰 (tức Tố tâm kiến lan 素心建兰) đã thuật lại một cách đơn giản về đặc trưng hình thái của hơn 30 chủng loại, đồng thời cũng luận bàn đến phẩm vị của hoa lan, Sau Kim chương lan phổ, năm 1247 vương Quý Học 王贵学 viết Vương thị lan phổ 王氏兰谱, đối với hơn 30 loại lan huệ đã miêu tả một cách tỉ mỉ. Ngoài ra, đời Tống còn có Lan phổ áo pháp 兰谱奥法, bộ sách này miêu tả việc trồng là chính, phân ra 7 bộ phận:

- Phân chủng pháp 分种法

- Tài hoa pháp 栽花法

- An đốn kiêu quán pháp 安顿浇灌法

- Kiêu thuỷ pháp 浇水法

- Chủng hoa phì nê pháp 种花肥泥法

- Khứ trừ nghĩ sắt pháp 去除蚁虱法

 - Tạp pháp 杂法

Còn như bộ Chủng nghệ tất dụng 种艺必用của Ngô Toản 吴攒, cũng giới thiệu cách trồng hoa lan. Năm 1256, Trần Cảnh Nghi 陈景沂 trong quyển Toàn phương bị tổ 全方备祖 cũng đã ghi chép tương đối tỉ mỉ về hoa lan. Khắc bản của bộ sách này được lưu giữ sảnh khố của hoàng cung Nhật Bản, năm 1979 Nhật bản đã in bản chụp gởi về Trung Quốc. Đời Tống, lấy hoa lan làm đề tài đi vào quốc hoạ có bức “Xuân lan đồ” 春兰图 do Triệu Mạnh Phủ 赵孟頫 vẽ, được xem là danh hoạ về hoa lan sớm nhất hiện tồn, hiện trân tàng tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh.

          Hai đời Minh Thanh, nghề trồng hoa lan bước vào thời kì xương thịnh, theo phẩm chủng của hoa lan không ngừng gia tăng, kinh nghiệm nuôi trồng cũng ngày càng phong phú. Hoa lan đã thành vật được đại chúng thưởng ngoạn. Thư tịch, tranh vẽ, thơ miêu tả về hoa lan lúc này cùng với đồ sứ và số mục đồ án hoa lan của một số công nghệ phẩm tương đối nhiều, như  La Li Trai lan phổ 罗篱斋兰谱 của Trương Ứng Dân 张应民, Tuân sanh bát tiên 遵生八笺 của Cao Liêm 高濂 đời Minh có ghi chép về hoa lan. Bộ Bản thảo cương mục 本草纲目của Dược vật học gia Lí Thời Trân 李时珍 đời Minh cũng đã giải thích tên gọi hoa lan, luận thuật về phẩm loại cùng công dụng của nó tương đối hoàn chỉnh. Đời Thanh xuất hiện không ít những chuyên trứ về nghề trồng lan, như Lan huệ đồng tâm lục 兰蕙同心录 do một người họ Hứa ở Gia Hưng 嘉兴 Chiết Giang 浙江 viết năm 1805, người này mê thích hoa lan, giỏi vẽ hoa lan, lại có kinh nghiệm trồng lan phong phú. Sách phân làm 2 quyển, quyển 1 nói về tri thức trồng hoa lan, quyển 2 miêu thuật cách nhận biết và phân loại các phẩm chủng hoa lan. Toàn sách ghi chép 57 phẩm chủng, đồng thời phụ thêm hình vẽ do ông vẽ. Những sách khác như:

- Lan ngôn thuật lược 兰言述略 của Viên Thế Tuấn 袁世俊

- Nghệ lan tứ thuyết 艺兰四说 của Đỗ Văn Lan 杜文澜

- Lan ngôn 兰言 của Trương Tương 张襄 (2)

- Đệ nhất hương bút kí 第一香笔记 của Chu Khắc Nhu 朱克柔

- Lan huệ kính 兰蕙镜 của Đồ Dụng Ninh 屠用宁

- Hứng lan phổ lược 兴兰谱略 của Trương Quang Chiếu 张光照

- Dưỡng lan thuyết 养兰说 của Nhạc Lương 岳梁

- Quảng quần phương phổ 广群芳谱 của Uông Hạo 汪灏

- Thực vật danh thực đồ khảo 植物名实图考 của Ngô Kì Tuấn 吴其浚

- Lĩnh hải lan ngôn 岭海兰言của Âu Kim Sách 欧金策 thời vãn Thanh.

Những sách này đến nay vẫn có giá trị tham khảo nhất định.

          Nghề trồng hoa lan phát triển đến cận đại, bộ Lan huệ tiểu sử 兰蕙小史 xuất bản năm 1923 do Ngô Ân 吴恩, người huyện Hàng Chiết Giang 浙江biên soạn, ông lấy Lan huệ đồng tâm lục 兰蕙同心录 làm lam bản, phân làm 3 quyển, giới thiệu tương đối toàn diện về phẩm chủng và phương pháp trồng hoa lan đương thời, toàn sách ghi chép tổng cộng 161 loại danh phẩm lan huệ của Chiết Giang, đồng thời  phụ thêm ảnh chụp và tranh vẽ, tranh và bài viết đều phong phú, khiến mọi người chú ý. Ngoài ra, có:

- Chủng lan pháp 种兰法 do Hạ Trị Bân 夏治彬 biên soạn năm 1930 (3)

- Lan hoa 兰花do Diêu Dục Mậu 姚毓谬 người Hàng Châu 杭州cùng bạn bè hợp biên năm 1950

- Tứ Xuyên đích lan huệ 四川的兰蕙 do Thành Đô Viên Lâm cục biên soạn năm 1963

- Hạ Môn lan phổ 夏门兰谱 do Nghiêm Sở Giang 严楚江 ở Phúc Kiến 福建 biên soạn năm 1964

 - Lan hoa 兰花 do Ngô Ứng Tường 吴应祥  biên soạn năm 1980, và Trung Quốc lan hoa 中国兰花2 quyển biên soạn năm 1991

Cùng với thư tịch, tạp chí  giới thiệu về hoa lan do Hương Cảng, Đài Loan xuất bản v.v... có thể nói là một đại thành tựu về việc nghiên cứu nghề trồng lan cận đại của Trung Quốc.


 Chú của người dịch

          Trong Lan hoa văn hoá hoà lịch sử 兰花文化和历史 có ghi lại tên sách và tác giả như sau:
       - Lan ngôn (兰言) (1695 - 1709) của Mạo Tương (冒襄)
       - Đệ nhất hương bút kí (第一香笔记) (1796) của Chu Khắc Nhu (朱克柔)
       - Lan huệ kính (兰蕙镜) (1811) của Đồ Dụng Ninh (屠用宁)
       - Nghệ lan yếu quyết (艺兰要诀) (1811) của Ngô Truyền Vân (吴传沄),
       - Hứng lan phổ lược (兴兰谱略) (1816) của Trương Quang Chiếu (张光照)
       - Lan ngôn tứ chủng (兰言四种) (1861) của Dương Phục Minh (杨復明)
       - Lan huệ đồng tâm lục (兰蕙同心录) (1865) của Hứa Tễ Lâu (许霁楼)
       - Lan ngôn thuật lược (兰言术略) (1876) của Viên Thế Tuấn (袁世俊)
       - Dưỡng lan thuyết (养兰说) (1890) của Nhạc Lương (岳梁).
       - Lan huệ tiểu sử (兰蕙小史) (1923) của Ngô Ân Nguyên (吴恩元)
       - Đô Môn nghệ lan kí (都门艺兰记) (1929) của Vu Chiếu (于照)
       - Chủng lan pháp (种兰法) (1930) của Hạ Di Bân (夏诒彬)
       - Hạ Môn lan phổ (厦门兰谱) (1964) của Nghiêm Sở Giang (严楚江)
Trích từ Trung Quốc lan hoa toàn thư (中国兰花全书)
Trần Tâm Khải (陈心启), Cát Chiêm Hoà (吉占和) biên soạn.
Nguồn

1- Trong nguyên tác là “chư sơn” 渚山, trong Lan hoa văn hoá hoà lịch sử兰花文化和历史 là Chử Sơn. Tôi theo tài liệu này sửa lại là “Chử Sơn”

2- Trong Lan hoa văn hoá hoà lịch sử兰花文化和历史, tác giả Lan ngôn兰言 là Mạo Tương冒襄

3- Trong nguyên tác là Hạ Trị Bân , trong Lan hoa văn hoá hoà lịch sử兰花文化和历史  tác giả Chủng lan pháp种兰法 là Hạ Di Bân夏诒彬


                                                                  Huỳnh Chương Hưng

                                                                  Quy Nhơn 16/6/2020

 

Nguồn

Previous Post Next Post