Dịch thuật: Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu (942) ("Truyện Kiều")


ĐÊM ĐÊM HÀN THỰC, NGÀY NGÀY NGUYÊN TIÊU (942)
          Hàn thực: tức “Hàn thực tiết” 寒食节, cũng gọi là “Cấm yên tiết” 禁烟节, “Lãnh tiết” 冷节, “Bách ngũ tiết” 百五节, sau tiết Đông chí 105 ngày, gần với Thanh minh tiết 清明节, là một cựu tục đổi mới lửa vào thời viễn cổ. Mỗi khi đến tiết xuân, khí hậu khô hanh rất dễ phát sinh hoả tai. Người xưa tiến hành hoạt động tế tự rất long trọng, đem lửa mà năm trước truyền lại dập tắt toàn bộ, tức “cấm hoả”, sau đó dùi lấy lửa mới, lấy đó làm khởi điểm cho sản xuất và sinh hoạt trong năm mới, gọi đó là “cải hoả” 改火 hoặc “thỉnh tân hoả” 请新火 (rước lửa mới). Lúc “cải hoả” cần phải tiến hành hoạt động tế tự long trọng, đem vật tượng trưng cho Cốc Thần Tắc đốt đi, gọi đó là “nhân hi” 人牺. Lâu dần thành tục, hình thành tiết cấm hoả. Hoạt động vui chơi vào ngày này rất phong phú.
          Cấm hoả tiết về sau chuyển hoá thành Hàn thực tiết để kỉ niệm danh thần nghĩa sĩ Giới Tử Thôi 介子推nước Tấn thời Xuân Thu. Theo truyền thuyết, Trùng Nhĩ 重耳lúc lưu vong bị đói, Giới Tử Thôi từng cắt thịt đùi của mình nấu dâng lên để Trùng Nhĩ qua cơn đói. Sau này Trùng Nhĩ về nước làm quốc quân tức Tấn Văn Công 晋文公, lúc phân phong quần thần từng theo mình lưu vong lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không oán giận, dắt mẹ vào Miên sơn 绵山 ẩn cư. Về sau Tấn Văn Công đích thân đến Miên sơn mời Giới Tử Thôi, nhưng Giới Tử Thôi không chịu ra làm quan. Tấn Văn Công cho thủ hạ đốt núi, ý muốn bức Giới Tử Thôi phải ra, nhưng kết quả Giới Tử Thôi ôm mẹ, cả hai mẹ con đều chết cháy dưới gốc cây liễu lớn. Để kỉ niệm vị trung thần nghĩa sĩ này, Tấn Văn Công hạ lệnh, ngày Giới Tử Thôi bị nạn không được nhóm lửa, phải ăn đồ nguội đã nấu sẵn, và gọi ngày đó là Hàn thực tiết. 
          Nguyên tiêu: tức “Nguyên tiêu tiết” 元宵节, cũng gọi là “Thượng nguyên tiết” 上元节, “Nguyên dạ” 元夜, “Đăng tiết” 灯节, một lễ tiết truyền thống của Trung Quốc. Người xưa gọi đêm là “tiêu” , cho nên gọi rằm tháng Giêng là “Nguyên tiêu tiết”. Sự hình thành tập tục Nguyên tiêu tiết có một quá trình tương đối dài. Theo một số tư liệu cùng truyền thuyết dân gian, triều Tây Hán đã coi trọng ngày rằm tháng Giêng. Hoạt động tế tự “Thái Nhất” 太一tại cung Cam Tuyền 甘泉vào “thượng tân dạ” 上辛夜 (ngày Tân đầu tiên) của tháng Giêng, được người đời sau xem là tiếng chuông báo trước việc tế Thiên thần vào ngày rằm tháng Giêng. Thời Đông Hán, văn hoá Phật giáo truyền vào Trung Quốc, có ý nghĩa thúc đẩy quan trọng đối với sự hình thành tập tục Nguyên tiêu tiết. Niên hiệu Vĩnh Bình 永平 đời Hán Minh Đế 汉明帝, để hoằng dương Phật pháp, Hán Minh Đế hạ lệnh vào ngày rằm tháng Giêng trong cung và các tự viện “nhiên đăng biểu Phật” 燃灯表佛 (thắp đèn bày tỏ lòng kính Phật). Tập tục thắp đèn vào đêm rằm tháng Giêng đã theo ảnh hưởng văn hoá Phật giáo cùng sự gia nhập của văn hoá Đạo giáo dần rộng mở tại Trung Quốc. Thời Nam Bắc triều, Nguyên tiêu giăng đèn kết hoa dần trở thành phong khí. Lương Vũ Đế 梁武帝 sùng kính Phật giáo, vào rằm tháng Giêng trong cung giăng đèn khắp nơi. Thời Đường, sự giao lưu văn hoá Trung ngoại càng mật thiết, Phật giáo đại hưng, từ quan lại đến bách tính vào rằm tháng Giêng đều “nhiên đăng cung Phật” 燃灯供佛 (thắp đèn
cúng Phật). Từ thời Đường trở đi, Nguyên tiêu thắp đèn thành pháp định, dần trở thành tập tục dân gian.
          Hoạt động vui chơi Nguyên tiêu tiết vào đời Hán chỉ có 1 ngày, đến đời Đường là 3 ngày, đời Tống kéo dài 5 ngày, sang đời Minh từ mùng 8 đã thắp đèn mãi cho đến ngày 17 tháng Giêng mới hạ đèn, đêm cũng như ngày vô cùng náo nhiệt, trở thành cao trào của hoạt động vui chơi trong tiết xuân. Đời Thanh có thêm nội dung múa rồng, múa sư tử, chèo thuyền trên cạn, đi cà kheo, hát ương ca ... chỉ có điều rút ngắn còn lại khoảng từ 4 đến 5 ngày.

Cửa hàng buôn bán cho may
Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu
(“Truyện Kiều” 941 – 942)
Hàn thực: Tiết Hàn thực ở vào khoảng 105 ngày sau tiết Đông Chí. Người ta truyền rằng để thương nhớ Giới Tử Thôi là tôi trung của Tấn Văn Công đã bị chết cháy trong rừng. Đến tiết ấy, người ta cấm lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội, nên gọi là tiết Hàn thực, nghĩa đen là ăn lạnh.
          Nguyên tiêu: Đêm tiết thượng nguyên, rằm tháng giêng âm lịch. Tức xưa ở Trung Quốc, đêm ấy thắp đèn vui chơi suốt đêm.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Đường thư: Đông chí nhất bách ngũ nhật vị chi hàn thực, thị nhật Minh Hoàng vu cung trung chúc thu thiên, linh cung nữ ca vũ yến tiếu vi lạc.
Đường Tây đô tạp kí: chính nguyệt thập ngũ dạ vị chi nguyên tiêu, thị dạ kim ngô bất cấm dạ hành đô nội đăng hoa như trú, đô nhân du hí cánh tịch.
          唐書: 冬至一百五日謂之寒食是日明皇于宮中築鞦韆令宮女歌舞宴笑為樂
          唐西都雜記: 正月十五夜謂之元霄是夜金吾不禁夜行都內燈花如晝都人游戲竟夕
          (Sách Đường thư: Từ ngày đông chí tính đủ một trăm năm ngày, gọi là tiết hàn thực, hôm ấy vua Minh hoàng trồng cây ở trong cung cho cung nhân hát yến làm vui.
          Sách Tạp ký truyện Tây đô nhà Đường, đêm hôm rằm tháng giêng gọi là nguyên tiêu, đêm ấy quan Kim ngô không cấm người đi đêm, trong kinh thành đèn thắp sáng như ban ngày, người ở trong kinh đô chơi bời suốt đêm)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 12/6/2020


Previous Post Next Post