CÒN NHIỀU KẾT
CỎ NGẬM VÀNH VỀ SAU (1100)
Kết cỏ ngậm vành: chỉ việc đền ơn. Chữ
Hán là “kết thảo hàm hoàn”.
Kết cỏ: tức “kết thảo” 结草, điển xuất từ Tả
truyện – Tuyên Công thập ngũ niên 左传 - 宣公十五年.
Mùa thu
tháng 7 năm 594 trước công nguyên, Tần Hoàn Công 秦桓公xuất
binh đánh Tấn, quân Tấn và quân Tần giao chiến tại Phụ Thị 辅氏 trên đất Tấn (nay là huyện Đại Lệ 大荔 Thiểm
Tây 陕西). Tướng Tấn Nguỵ Khoả 魏颗 và tướng Tần Đỗ
Hồi 杜回 gặp
nhau, hai người giao tranh đương lúc bất phân thắng bại, đột nhiên Nguỵ Khoả thấy
một ông lão dùng sợi dây kết bằng cỏ trói Đỗ Hồi, khiến Đỗ Hồi ngã lăn ra đất bị
Nguỵ Khoả bắt được. Trận đó Nguỵ Khoả đánh bại quân Tần.
Hoá ra,
đại phu nước Tấn là Nguỵ Vũ Tử 魏武子 có ái thiếp tên là Tổ Cơ 祖姬,
không có con. Nguỵ Vũ Tử lúc bệnh dặn Nguỵ Khoả rằng: “Nếu ta chết đi, con nhất
định phải tìm chỗ tốt gả nàng.” Về sau khi Nguỵ Vũ Tử bệnh nặng lại nói với Nguỵ
Khoả rằng: “Sau khi ta chết, con nhất định tuẫn táng nàng theo ta, để ta có bạn
nơi chín suối.” Đợi khi Nguỵ Vũ Tử mất, Nguỵ Khoả không bồi táng Tổ Cơ mà gả
nàng cho người khác. Người em trai trách Nguỵ Khoả sao không tôn trọng ý nguyện
của cha lúc lâm chung, Nguỵ Khoả đáp rằng: “Lúc người bệnh nặng, thần trí hoảng
loạn không được tỉnh táo, ta gả nàng là theo lời dặn của cha lúc thần trí còn
sáng suốt.”
Sau khi
quân Tấn thắng lợi thu binh, đêm đó Nguỵ Khoả nằm mộng thấy ông lão lúc ban
ngày kết cỏ trói Đỗ Hồi, ông lão nói rằng: “Tôi là phụ thân của người mà ông gả
chồng. Ông đã theo lời dặn lúc trước của phụ thân ông, không chôn con gái tôi
theo, cho nên tôi đến kết cỏ bắt Đỗ Hồi để đền ơn ông.
Ngậm vành: tức “hàm hoàn” 衔环.
Dương Bảo
阳宝 đời
Đông Hán, tính tình nhân ái, năm lên 9 tuổi đến núi Hoa Âm 华阴, thấy một con chim sẻ bị thương dưới gốc cây, đàn kiến
bu lấy. Dương Bảo bèn mang về nhà để vào trong chiếc hộp, tận tình chăm sóc. Qua
trăm ngày, lông cánh đã đủ, Dương Bảo thả cho chim bay đi. Một đêm nọ, có một đồng
tử mặc áo vàng đến bái tạ Dương Bảo, nói rằng: “Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu
西王母, được người cứu sống, vô cùng cảm kích.” Đồng thời tặng
Dương Bảo bốn chiếc vòng bạch ngọc, nói rằng: “Những chiếc vòng này sẽ giúp con
cháu của người được đứng vào hàng Tam công, làm quan thanh liêm, xử thế hành sự
trong trắng giống như vòng ngọc này không có tì vết.” Quả như lời đồng tử áo
vàng nói, con Dương Bảo là Dương Chấn 阳震, cháu là Dương Bỉnh
阳秉, tằng tôn là Dương Tứ 阳赐,
huyền tôn là Dương Bưu 阳彪, bốn đời đều giữ chức
Thái uý, tất cả đều cương trực thanh liêm, mĩ đức của họ được người đời sau
truyền tụng.
Dám nhờ cốt nhục tử sinh
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau
(“Truyện Kiều” 1099 – 1100)
Kết cỏ ngậm
vành: Chữ Hán là “Kết thảo” nghĩa là
báo ơn sau khi chết. Theo tích Nguỵ Khoả người nước Tấn thời Xuân Thu cho người
thiếp của cha là Vũ Tử đi lấy chồng chứ không chôn theo cha mình khi cha mình
chết như lời cha dặn. Sau Khoả đánh nhau với Đỗ Hồi nước Tần thấy có một ông
già cứ kết cỏ làm vướng chân ngựa Hồi. Hồi bị ngã, Khoả giết được. Đêm nằm,
chiêm bao thấy cha người thiếp đến nói: “Tôi là cha người thiếp ông cho đi lấy
chồng, vì cảm ơn ông nên kết cỏ quấn vào chân.”
“Ngậm vành” là gốc chữ “hàm
hoàn”. Theo Hậu Hán thư, Dương Bảo đời Đông Hán bắt được một con chim sẻ bị
thương đem về nuôi cho khoẻ rồi thả ra. Về sau có một đứa trẻ mặc áo vàng cầm bốn
cái vòng ngọc đến tạ ơn.
Kết cỏ
và ngậm vành đều có nghĩa là đền ơn.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Tả truyện: Nguỵ tử kết thảo dĩ kháng Đỗ hồi.
Tiểu thuyết hữu đồng tử bổ đắc bệnh sô tước, dĩ hoàng lương dưỡng chi cập
tước kiện phan (1) phi khứ, khẩu hàm nhất kim hoàn di chi nhi khứ.
左傳魏子結草以抗杜回
小說有童子捕得病鶵雀以黃梁養之及雀健翮 (1) 飛去口含一金環遺之而去
(Sách Tả
truyện: Nguỵ tử kết cỏ để chống Đỗ Hồi.
Lời Tiểu
thuyết: có đứa trẻ bắt được con chim sẻ ốm, đem về lấy hạt kê nuôi, sau con sẻ
khoẻ cánh bay đi, ngậm một cái vòng vàng đưa đến rồi đi.)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới,
1960)
Xét: Bản “Kim Vân Kiều”
của Bùi Khánh Diễn ở câu chú thích, phần
chữ quốc ngữ là “phan”, phần chữ Hán in là 翮 (cách).
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 27/6/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật