Dịch thuật: Chế độ xe thời Hán (tiếp theo)

CHẾ ĐỘ XE THỜI HÁN
(tiếp theo)

Thành thân phải “môn đương hộ đối”, ngồi xe phải “xa đương nhân đối”
          Trong Tuỳ thư - Lễ nghi chí 隋书礼 - 仪志 có ghi:
Liễn , theo “Thích danh” 释名, là ‘là vật mà người ngồi trên đó.’ Hán Thành Đế 汉成帝 ra chơi hậu đình thì ngồi liễn. Từ Ái 徐爱 trong Thích vấn释问 nói rằng: Thiên tử thì ngự liễn, thị trung thì bồi thừa.’ Liễn ngày nay chế tạo giống chiếc “diêu” ( loại kiệu nhỏ và nhẹ), không có bánh xe, thông với “hiến chu lạc” 幰朱络, trang sức vàng ngọc, dùng người để khiêng. Phó liễn 副辇, chế tạo như “độc xa” 犊车 (xe do trâu kéo), cũng thông với “hiến chu lạc”, gọi là “bồng liễn” 蓬辇. Bắt đầu từ Lương Vũ Đế 梁武帝. “Dư” , theo Thuyết văn 说文 ghi là: ‘ Tiên , là xe đan bằng trúc “trúc dư” 竹舆.’ Trong Chu quan 周官 nói rằng: ‘Người Chu ngồi dư’. Chế độ nhà Hán cho chạm trỗ lên xe, phương kính của dư là 6 xích.
          Ở những năm mà chế độ đẳng cấp nghiêm ngặt, xa liễn tất nhiên cũng phân thành đẳng cấp. Còn như cụ thể phân như thế nào, chúng ta tạm thời để qua một bên, trước tiên xem qua đẳng cấp của người. Cao cấp nhất không nghi ngờ gì đó là thiên tử, sau đó là thái hoàng thái hậu, hoàng thái hậu, hoàng hậu, tần phi, thái tử, công chúa cùng các vị vương hầu, đại thần.
          Thiên tử là ai? là hoàng đế, là cửu ngũ chí tôn, xa liễn tất cũng phải khác với xa liễn của mọi người, chỉ cần nhìn qua là biết loại xe này khác với xe thường, biết người ngồi trên nó nhất định phải là bậc tôn quý. Xa liễn của hoàng đế tôn quý đến mức nào? Xa liễn của hoàng đế không thể gọi là “xa liễn” 车辇, mà phải gọi là “thừa dư 乘舆, kim căn 金根, an xa 安车, lập xa” 立车, có gì đặc sắc? Trong Hậu Hán thư 后汉书 nói rất rõ: “Bánh xe đều có hoa văn sắc đỏ, hai lớp trong ngoài, hai bầu xe, hai chốt xe, thùng xe với hình rồng dát vàng mỏng, tay vịn hình hổ phục, ách có đầu rồng ...”  Hơn nữa đối với ngựa cũng có yêu cầu, khi dùng, dùng 6 ngựa kéo, những loại xe khác dùng 4 ngựa kéo. Có thể nói, đó chính là siêu cấp hoa lệ, thể hiện rõ khí tượng hoàng gia.
          Nếu là pháp giá của thái hoàng thái hậu, hoàng thái hậu, thừa toạ là loại “kim căn xa” 金根车, bên trên có lưới che màu xanh, có màn che cũng màu xanh. Lúc không phải pháp giá xuất hành thì thừa toạ loại “bình xa” 軿车 với thảm và màn sắc tía, ngựa kéo chỉ cần dùng 3 con. Còn trưởng công chúa cũng có thể thừa toạ “bình xa” với thảm và màn sắc tía. Với đại quý nhân, quý nhân, công chúa, vương phi, phong quân thì chỉ có thể thừa toạ loại “bình xa” vẽ sơn, ngựa thì dùng 1 con.
          Với cấp hoàng thái tử, hoàng tử, loại thừa toạ là “an xa” 安车 với bánh xe sắc đỏ, lọng sắc xanh. Hơn nữa loại an xa này đối với hoàng tử mà nói, chỉ có thể sau phong vương mới có thể thừa toạ, cho nên gọi là “vương thanh cái xa” 王青盖车. Hoàng tôn thì thừa toạ loại xe lọng xanh, đều do 3 hoặc 4 ngựa kéo. Còn cấp tam công chư hầu, cũng có thể thừa toạ “an xa”, bánh xe cũng sắc đỏ, chỉ có điều lọng xe biến thành lọng lụa đen, ngựa thì 1 con. Cấp thái thú thừa toạ loại xe mui đỏ lọng đen, xuống cấp dưới thì mầu sắc đơn nhất, trang sức cũng đơn giản. Vẫn có quy định rõ ràng, với thương nhân tuyệt đối cấm chỉ thừa toạ xe do ngựa kéo.
          Được rồi, dài dòng một chút như thế, kì thực chỉ tóm gọn một câu: loại xe này, không phải là loại bạn muốn ngồi.  (hết)

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 27/6/2020

Nguồn
HOẠT TẠI ĐẠI HÁN
活在大汉
Tác giả: Kì Mạc Hân 祁莫昕
Thành Đô: Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 2018
Previous Post Next Post