Dịch thuật: Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây (734) ("Truyện Kiều")


NGẬM CƯỜI CHÍN SUỐI HÃY CÒN THƠM LÂY (734)
Chín suối: tức “cửu tuyền” 九泉. Theo mê tín, chỉ nơi thật sâu ở dưới đất, nơi mai táng người đã mất, cũng còn gọi là “hoàng tuyền” 黄泉.
“Hoàng tuyền” xuất phát từ Tả truyện - Ẩn Công nguyên niên 左传 - 隐公元年:
Bất cập hoàng tuyền, vô tương kiến dã.
不及黄泉, 无相见也
(Không xuống đến hoàng tuyền thì sẽ không gặp mặt).
Từ “cửu tuyền” xuất hiện tương đối muộn so với “hoàng tuyền”. “Cửu” là đơn số lớn nhất, mang ý nghĩa to lớn, cực hạn, chỉ nơi thật sâu dưới đất. Người ta cho rằng, con người sau khi mất sẽ xuống đến “âm tào địa phủ”, mà “âm tào địa phủ” cũng chính là hoàng tuyền, vì thế người ta đem “cửu” kết hợp với “tuyền” thành “cửu tuyền”.
          Theo điển tịch của Đạo giáo là Vô thượng huyền nguyên tam thiên ngọc đường đại pháp 无上玄元三天玉堂大法, có cửu tuyền địa ngục, lần lượt là: Phong tuyền ngục 酆泉狱, Nha tuyền ngục 衙泉狱, Hoàng tuyền ngục 黄泉狱, Hàn tuyền ngục 寒泉狱, Âm tuyền ngục 阴泉狱, U tuyền ngục 幽泉狱, Hạ tuyền ngục 下泉狱, Khổ tuyền ngục 苦泉狱, Minh tuyền ngục 溟泉狱.
          Hoàng tuyền và cửu tuyền khác nhau ở chỗ: Hoàng tuyền là một phương, nên có cách nói “hoàng tuyền lộ thượng” 黄泉路上, còn “cửu tuyền” chỉ độ sâu, nhân đó mà nói “cửu tuyền chi hạ” 九泉之下.
          “Ngậm cười chín suối” tức “hàm tiếu cửu tuyền” 含笑九泉, biểu thị sự vui lòng thanh thản sau khi mất.

Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây
(“Truyện Kiều” 733 – 734)
Ngậm cười chín suối: Chữ Hán có câu “Hàm tiếu nhập địa” nghĩa là xuống đất ngậm cười, tức là vui lòng mà chết.
Chín suối: Dịch chữ cửu tuyền, tức là âm phủ.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Minh vu Khiêm thi: Toái cốt phấn thân nguyên bất cố, độc lưu thanh bạch chiếu nhân gian.
Hựu cổ vân: Hàm tiếu nhập địa.
          明于謙詩: 碎骨粉身原不顧獨留清白炤人間.
又古云: 含笑入地
          (Thơ ông Minh vu Khiêm: Xương nát thân tan đều chẳng nghĩ, chỉ lưu tiếng trong cõi trần.
Lại thơ cổ: Mỉm cười xuống dưới đất)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Vu Khiêm 于谦 (1938 – 1457) danh thần triều Minh có bài Thạch hôi ngâm 石灰吟, trong đó có hai câu:
Toái cốt phấn thân toàn bất phạ
Yếu lưu thanh bạch tại nhân gian
碎骨粉身全不怕
要留清白在人间
(Xương nát thân tan đều không sợ
Chỉ cần lưu lại một đời thanh bạch chốn nhân gian)
Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 734 là:
Ngậm cười chín suối CŨNG còn thơm lây
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 26/5/2020
Previous Post Next Post