VÒ ĐẠI MẠCH CỦA VỊ BÀ LA MÔN
Ở một địa
phương nọ, có một vị Bà La Môn tên là Bà Bạt Ba Câu Lợi Bát Na 婆跋波俱利钵那. Người ấy đem đại mạch lúc hành khất ăn còn dư đựng đầy
trong một chiếc vò, rồi đem vò treo lên cành cây, phía dưới đặt một chiếc giường,
mắt nhìn vò không chớp, trong đêm đã nằm
mơ:
“Chiếc vò này hiện đã đầy đại mạch. Nếu gặp
năm mất mùa, bán cũng được 100 đồng tiền, có thể mua 2 con dê. Dê cứ 6 tháng đẻ
một lần thì có thể có được cả bầy. Đem dê đổi lấy bò. Ta đem bò con bán đi, bò
đổi sang trâu. Rồi trâu đổi sang ngựa cái, ngựa cái lại đẻ, thì ta có được rất
nhiều ngựa. Đem bán số ngựa này, có thể có được rất nhiều vàng. Ta dùng số vàng
này mua một căn nhà có 4 phòng khách lớn. Có người bước vào nhà của ta, ta cưới
cô con gái đẹp nhất tốt nhất của ông ta. Cô ấy sinh ra một đứa con, ta đặt tên
cho nó là Tô Ma Xá Ma 苏摩舍摩. Bởi đứa bé
luôn đòi ta bế lên ngồi trên đùi, lắc qua lắc lại để chơi, ta liền lấy sách trốn
phía sau chuồng ngựa để đọc. Nhưng Tô Ma Xá Ma trông thấy. Do bởi nó thích nhất
ngồi trên đùi lắc qua lắc lại, nó bèn từ trong lòng mẹ nó giằng ra, chạy đến bên cạnh bầy
ngựa tìm. Ta cả giận, hét gọi bà vợ:
- Mau đến giữ đứa nhỏ! Mau đến giữ đứa
nhỏ!
Nhưng vì lúc đó bà ta đang bận việc nhà nên
không nghe; thế là ta lập tức đứng lên, lấy chân đá bà ta một phát.”
Và người
nọ từ trong giấc mơ bước ra, quả thực, dùng chân đá một cái. Chiếc vò bể
ngay, đại mạch đựng đầy trong vò cũng văng tràn ra đất.
Chú của người
dịch
Lâm Ngữ Đường 林语堂 (1895 – 1976): người Long Khê 龙溪 Phúc Kiến 福建, vốn tên là Hoà Lạc
和乐, sau đổi là Ngọc Đường 玉堂,
rồi lại đổi là Ngữ Đường 语堂. Năm 1912, ông theo
học tại Đại học Thánh Ước Hàn 圣约翰 (Saint John s University) tại Thượng Hải. Sau
khi tốt nghiệp, đến giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa 清华.
Mùa thu năm 1919, Lâm Ngữ Đường đến học Khoa Văn học của Đại học Cáp Phật 哈佛 (Havard
University ) nước Mĩ. Năm
1922 đạt được học vị Thạc sĩ Văn học. Cũng trong năm đó, Lâm Ngữ Đường chuyển đến
học tại Đại học Thái Tỉ Tích 菜比锡 (Universitat
Leipzig) nước Đức, chuyên về ngôn ngữ học. Năm 1923, sau khi đạt được học vị Tiến
sĩ, ông về nước, giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh, chủ nhiệm Khoa Anh văn và làm
giáo vụ trưởng của Đại học sư phạm dành cho nữ ở Bắc Kinh. Sau năm 1924, ông là
một trong những người biên soạn chủ yếu của tờ Ngữ ti 语丝. Năm 1926, Lâm Ngữ Đường đến Đại học Hạ Môn 厦门 giữ chức Viện trưởng Viện Văn học. Năm 1927 ông làm
thư kí cho Bộ ngoại giao. Năm 1932 chủ biên nguyệt san Luận ngữ 论语. Năm 1934 sáng lập tập san Nhân Thế Gian 人世间. Năm 1935 sáng lập tập san Vũ Trụ Phong 宇宙风, đề xướng văn tiểu phẩm “dĩ tự ngã vi trung tâm, dĩ
nhàn thích vi cách điệu” 以自我为中心, 以闲适为格调. Sau năm 1935, Lâm Ngữ Đường tại nước Mĩ viết những
trứ tác văn hoá và trường thiên tiểu thuyết như Ngô quốc dữ ngô dân 吾国与吾民, Kinh hoa
yên vân 京华烟云, Phong thanh hạc lệ 风声鹤唳 bằng tiếng
Anh. Năm 1944, Lâm Ngữ Đường có về nước giảng bài tại Trùng Khánh. Năm 1945 đến
Singapore
sáng lập Đại học Nam Dương 南洋, nhậm chức Hiệu trưởng.
Năm 1952, tại nước Mĩ cùng với người khác sáng lập tạp chí Thiên Phong 天风. Năm 1966 Lâm Ngữ Đường định cư tại Đài Loan. Năm
1967 ông được mời giảng dạy tại Đại học Trung Văn ở Hương Cảng. Năm 1975 được
tiến cử giữ chức Phó hội trưởng của Quốc tế bút hội 国际笔会. Lâm Ngữ Đường qua đời tại Đài Loan năm 1976.
(“Trung
Quốc Ấn Độ chi trí tuệ”)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 21/4/2020
Dịch từ bản Trung văn
TRUNG QUỐC ẤN ĐỘ CHI TRÍ TUỆ
(Ấn Độ quyển)
中国印度之智慧
(印度卷)
Tác giả: Lâm Ngữ Đường 林语堂
Người dịch: Dương Thái Hà 杨彩霞
Tây An: Thiểm Tây sư phạm đại học xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật