Dịch thuật: Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai (556) ("Truyện Kiều")


TRĂM NĂM THỀ CHẲNG ÔM CẦM THUYỀN AI (556)
          Ôm cầm: tức “ôm đàn”. Theo “Hán ngữ từ điển”, trong bài “Tì bà hành” 琵琶行của Bạch Cư Dị 白居易 có câu:
Thiên hô vạn hoán thuỷ xuất lai
Do bão tì bà bán già diện
千呼万唤始出来
犹抱琵琶半遮面
(Mời gọi mãi mới bắt đầu xuất hiện
Tay hãy còn ôm đàn tì bà che khuất nửa mặt)
          Nhân đó về sau người ta dùng “bão tì bà” 抱琵琶 để chỉ phụ nữ cải giá hoặc yêu người khác.

Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
(“Truyện Kiều” 555 – 556)
Cùng nhau vả tiếng một ngày
Ôm cầm, ai nỡ đứt dây cho đành
(“Truyện Kiều” 1399  – 1400)

Ôm cầm: Chỉ người phụ nữ đi lấy chồng. Ôm cầm thuyền ai, tức ôm cầm bước sang thuyền người khác, chỉ lấy chồng khác.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Thiên hương tập: Kiều oanh viết thiếp dĩ thân hứa quân, tuy toái ngọc trầm châu, diệc bất bão tỳ bà quá biệt thuyền dã.
          天香集: 嬌鶯曰妾以身許君雖碎玉沉珠亦不抱琵琶過別船
          (Tập Thiên hương: Nàng Kiều Oanh nói: tôi đem mình theo chàng dẫu đến nát ngọc chìm châu, cũng không ôm đàn tỳ bà qua thuyền khác)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
 
Xét: Theo Hứa Huy 许晖, cụm “tì bà biệt bão” 琵琶别抱 mới nhìn qua dường như dùng để ví việc phụ nữ cải giá hoặc tái hôn. Không ít từ điển đều quy nguồn gốc của nó là từ bài Tì bà hành 琵琶行 của Bạch cư Dị 白居易. Nhưng Bạch Cư Dị không hề nói rõ việc tì bà nữ cải giá, và câu “Do bão tì bà bán già diện” cũng không hề có hàm nghĩa “biệt bão” 别抱 (ôm đàn sang thuyền khác) trong đó. Như vậy nó có nguồn gốc từ đâu?
Nguyên ý của “tì bà biệt bão” là lời mỉa mai căm giận hạng người thay đổi khí tiết. Trong Ẩn cư thông nghị 隐居通议  của Lưu Huân 刘埙 có thu thập bài “Đề Tì bà đình” 题琵琶亭 của Long Nhân Phu 龙仁夫:
Lão đại nga mi phụ sở thiên
Thượng lưu dư vận nhập ai huyền
Giang tâm chính hảo khan minh nguyệt
Khước bão tì bà quá biệt thuyền
老大蛾眉负所天
尚留余韵入哀弦
江心正好看明月
却抱琵琶过别船
(Nàng “nga mi” mất đi người chồng mà mình nương tựa
Dư âm ai oán còn lưu đã nhập vào dây đàn
Dòng sông đương lúc trăng rọi sáng
Nàng “nga mi” lại ôm đàn bước sang thuyền khác tiếp tục đàn)
          Bài thơ này, bề ngoài như châm biếm mỉa mai tì bà nữ trong phút chốc dã quên người chồng đã mất, nhưng kì thực là từ một câu chuyện gốc mà Ẩn cư thông nghị đã thuật:
          Khi Tống Nguyên giao chiến, Đại tướng nhà Nam Tống là Lữ Văn Hoán 吕文焕 đang trấn thủ Tương Dương 襄阳, cầm cự được 5 năm thì binh tận lương tuyệt, Lữ Văn Hoán đầu hàng và nhậm chức quan cao của triều Nguyên. Sau khi nhà Tống mất, có một lần, Long Nhân Phu gặp được Lữ Văn Hoán, trong lúc uống rượu ngà say, Lữ văn Hoán mệnh cho làm thơ, Long Nhân Phu cảm khái việc cả nhà họ Lữ không người  nào khảng khái kháng cự để báo quốc, nên mới làm bài thơ này.
          “Tái tiếu” 再醮 mới là từ dùng để ví phụ nữ cải giá.
            Riêng câu 1400 “Ôm cầm, ai nỡ đứt dây cho đành” Thúc Sinh ý nói Thuý Kiều đã là vợ của mình, không nỡ bỏ để Kiều đi lấy chồng khác.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 27/4/2020
Previous Post Next Post