Dịch thuật: "Tam quân" hình thành vào lúc nào

“TAM QUÂN” HÌNH THÀNH VÀO LÚC NÀO

          Xem tiểu thuyết diễn nghĩa cổ điển hoặc hí kịch thường nghe cách nói “tam quân” 三军. Chủ soái khi hạ lệnh, câu mở đầu chính là “tam quân thính lệnh” 三军听令. Thế thì “tam quân” mà thời cổ nói đến có phải là chỉ tam quân lục, hải, không hiện tại không?
          Rất rõ ràng, thời cổ có thuỷ quân, nhưng chưa có tàu thuyền quy mô tác chiến trên biển; còn như sự xuất hiện của không quân, thì phải sau khi máy bay được phát minh. Cho nên theo logique mà phán đoán, tam quân của thời cổ chỉ hiện tại tuyệt nhiên không đồng nhất khái niệm. Từ “quân đội” 军队sản sinh từ chế độ phân phong của triều Chu, quy định đương thời, các chư hầu có thể tồn tại một lực lượng vũ trang có số lượng nhất định, biên chế khoảng hơn 2 vạn người, gọi đó là 1 quân , biên chế nhỏ nhất trong quân là đội , từ đó có từ “quân đội” 军队.
          Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, sức thống trị của vương thất Đông Chu dần suy yếu, rất nhiều chư hầu quốc lớn mạnh bắt đầu mở rộng quân đội, tích cực tiến hành chiến tranh chiếm đoạt và  kiêm tính đất đai. Một trong ngũ bá nổi tiếng thời Xuân Thu là Tấn Văn Công 晋文公 đã phá bỏ tổ chế, đem 1 quân vốn có trước đó mở rộng thành 3 quân (khoảng 7 vạn người), đồng thời lần lượt gọi là “thượng quân” 上军, “trung quân” 中军, “hạ quân” 下军. Đó chính là nguồn gốc gọi “tam quân” 三军 sớm nhất. Về sau, theo sự động loạn của xã hội và chiến tranh kiêm tính gia tăng kịch liệt, rất nhiều chư hầu lần lượt bắt chước Tấn Văn Công, đem quân đội mở rộng thành 3 quân. Ví dụ tam quân của nước Sở gọi là “tả quân” 左军, “trung quân” 中军, “hữu quân” 右军. Các quân thiết lập tướng , tá , trong đó đại tướng của trung quân là thống soái của toàn quân.
          Theo sự phát triển của xã hội, cách gọi tam quân thượng, trung, hạ dần bị tiền quân, trung quân, hậu quân thay thế. Thời Đường Tống, biên chế này này là biên chế cố định của quân đội, chức trách và nhiệm vụ của các quân cũng phát sinh biến hoá. Trong đó, tiền quân là đội quân tiên phong, trung quân do Đại tướng thống lĩnh là chủ lực, hậu quân thì đảm nhiệm nhiệm vụ vận chuyển lương thảo hoặc cảnh giới. Trong biên chế quân đội thời cổ, quân là đơn vị lớn nhất, nhưng do bởi nhân số khác nhau của phương thức biên chế nên tồn tại sự sai biệt nhất định. Như đời Hán thực hành biên chế:
          5 người là 1 ngũ
          2 ngũ là 1 hoả
          5 hoả là 1 đội
          2 đội là 1 quan
          2 quan là 1 khúc
          2 khúc là 1 bộ
          2 bộ là 1 hiệu
          2 hiệu là 1 tì
          2 tì là 1 quân
          Chiến tranh thời cổ rất chú trọng đến hàng ngũ biên đội, chiến pháp trận thức cùng cách sử dụng binh khí, chúng có quan hệ mật thiết với nhau. Trận thế bày ra hợp lí thường dễ dàng giành được thắng lợi trong chiến đấu, cho nên các tổ chức đoàn đội cho đến việc bảo đảm hàng ngũ trong quá trình tác chiến được nối liền thông suốt (không bị cách li và phân tán) là vô cùng quan trọng.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 12/4/2020

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post