QUÁ QUAN NÀY
KHÚC CHIÊU QUÂN (479)
Cánh Ninh 竟宁 nguyên niên
(năm 33 trước công nguyên), Hán Nguyên Đế 汉元帝 gả Chiêu Quân 昭君 cho
Thiền vu Hung Nô Hô Hàn Da 呼韩邪. Chiêu Quân xuất
tái, trên đường đến phương bắc, cát vàng trên sa mạc bốc lên bay cuồn cuộn, ngựa
hí nhạn kêu. Trong lòng đau buồn, Chiêu Quân trên ngựa bèn lấy đàn tì bà đàn
khúc “Tì bà oán” 琵琶怨, tiếng đàn ai oán đau buồn, khiến bầy nhạn đang bay về
phương nam quên cả vỗ cánh, rơi trên bãi cát. Từ đó “Lạc nhạn” 落雁 trở
thành nhã xưng chỉ Vương Chiêu Quân.
Chiêu Quân 昭君 (khoảng
năm 54 – năm 19 trước công nguyên), tên Tường 嫱,
tự Chiêu Quân 昭君 (có thuyết cho Chiêu Quân không phải là biểu tự), nhũ
danh Hạo Nguyệt 皓月, người Tỉ Quy 姊归 Nam Quận 南郡thời Tây Hán (nay là huyện Hưng Sơn 兴山 thành
phố Nghi Xương 宜昌 tỉnh
Hồ Bắc 湖北). Chiêu Quân cùng với Điêu Thiền 貂蝉, Tây Thi 西施, Dương Ngọc Hoàn 杨玉环 được gọi là Trung Quốc cổ đại tứ đại mĩ nữ, là “lạc
nhạn” 落雁 trong
tứ đại mĩ nữ. Thành ngữ “trầm ngư lạc nhạn” 沉鱼落雁, “hoạ công khí thị” 画工弃市xuất phát từ câu
chuyện của Chiêu Quân.
Kiến
Chiêu 建昭 nguyên
niên (năm 38 trước công nguyên), Chiêu Quân được chọn vào Dịch đình 掖庭, trở thành một cung nữ nổi tiếng. Theo truyền thuyết
dân gian, Chiêu Quân sau khi nhập cung do bởi không chịu hối lộ hoạ sư Mao Diên
Thọ 毛延寿 ,
Mao Diên Thọ bèn vẽ Chiêu Quân không đẹp, nhân đó không được tuyển vào hậu cung
của Hán Nguyên Đế 汉元帝. Chiêu Quân tiến cung nhiều năm mà không được hoàng đế
sủng hạnh, sinh lòng bi oán.
Cánh
Ninh 竟宁 nguyên
niên (năm 33 trước công nguyên), thủ lãnh Nam Hung Nô thuộc quốc của triều Hán
là Hô Hàn Da 呼韩邪 đến
Trường An 长安 triều
kiến thiên tử, tận lễ phiên thần, đồng thời xin được làm rể. Nguyên Đế bản ban
cung nữ Chiêu Quân cho Thiền vu Hô Hàn Da, đồng thời cải nguyên là Cánh Ninh 竟宁. Thiền vu dâng thư bày tỏ ý nguyện sẽ vĩnh viễn bảo vệ
vùng quan tái nơi biên cảnh. Chiêu Quân sau khi đến Hung Nô được xưng là Ninh Hồ
Yên Chi 宁胡阏氏. Chiêu Quân sống cùng thiền vu Hô Hàn Da 3 năm, sinh
được một người con tên là Y Đồ Trí Nha Sư 伊屠智伢师, phong làm Hữu Nhật Trục Vương 右日逐王.
Năm Kiến
Thuỷ 建始 thứ 2 (năm 31 trước công nguyên), thiền vu Hô Hàn Da
qua đời, Vương Chiêu Quân dâng thư lên triều Hán xin được về, Hán Thành Đế sắc
lệnh “tùng Hồ tục” (theo phong tục người Hồ), theo chế độ thu kế hôn 收继婚 của
dân tộc du mục, lại gả cho con trưởng của Thiền vu Hô Hàn Da là Thiền vu Phục
Chu Luỹ 复株累. Hai người sống với nhau 11 năm sinh được hai người
con gái, trưởng nữ là Tu Bốc Cư Thứ 须卜居次, thứ nữ là Đương
Vu Cư Thứ 当于居次.
Hồng
Gia 鸿嘉nguyên niên (năm 20 trước công nguyên), Thiền vu Phục
Chu Luỹ qua đời, Thả Mi Tư 且糜胥 kế nhiệm là Thiền vu Sưu Hài Nhược Đê 搜谐若鞮, chưa đến 2 năm, Chiêu Quân bệnh và qua đời.
Năm 265
Tư Mã Viêm 司马炎 xưng
đế, kiếp lập triều Tây Tấn, truy tôn Tư Mã Chiêu 司马昭 là Văn Đế 文帝, để tị huý Tư Mã Chiêu, Vương Chiêu Quân được đổi gọi
là Vương Minh Quân 王明君, sử xưng là Minh Phi 明妃.
Thu kế hôn 收继婚: là hình thức hôn nhân cha chết con lấy mẹ thứ,
chú chết cháu lấy thím, anh chết em trai lấy chị dâu, em trai chết anh lấy em
dâu. Thu kế hôn vừa là tàn lưu của tập tục quần hôn trong xã hội nguyên thuỷ, lại
là biểu hiện của chế độ nhất phu đa thê trong xã hội phong kiến, nó còn có dụng
ý ngăn chặn tài sản, sức lao động phát tán ra bên ngoài.
(Vương
Trạch Trụ王泽树: “Bát tự hôn nhân học” 八字婚姻学)
Quá quan này
khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến
chúa, nửa phần tư gia
(“Truyện Kiều” 477 – 478)
Chiêu Quân: Tức Vương Chiêu Quân, cung nữ thời Hán Nguyên Đế, bị
gả cho vua Hung Nô, khi qua cửa ải nàng gẩy khúc đàn tì bà tỏ tình thương vua
nhớ nhà, giọng sầu thảm.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Hán thư: Nguyên Đế dĩ Chiêu Quân giá Thiền
vu xuất tái thời hữu quá quan khúc.
漢書: 元帝以昭君嫁單于出再有過關曲
(Sách
Hán thư: Vua Hán nguyên đế gả Chiêu Quân cho chúa Thiền vu, khi ra khỏi cửa ải
có khúc Quá quan)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới,
1960)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 09/4/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật