MÂY MƯA ĐÁNH ĐỔ ĐÁ VÀNG (513)
Mây mưa: dịch từ
“vân vũ” 雲雨, điển xuất từ lời tựa bài Cao Đường phú 高唐赋 của Tống Ngọc 宋玉.
Lời tựa viết rằng:
“Trước kia, Sở Tương Vương 楚襄王 cùng Tống Ngọc 宋玉 đến chơi ở đài Vân Mộng 云梦, từ trên cao nhìn
ra xa, thấy cảnh tượng ở Cao Đường 高唐 hiện ra một làn khí mây kì lạ, mới đầu nhìn như đỉnh của
một ngọn núi cao, sau đó nhanh chóng biến đổi hình trạng, trong phút chốc biến
hóa vô cùng. Vương sau khi nhìn thấy mới hỏi Tống Ngọc: “Đó là mây khí gì?” Tống
Ngọc đáp rằng: “Đó chính là triêu vân”. Vương lại hỏi: “Sao gọi là triêu vân?”
Tống Ngọc đáp: “Trước đây tiên vương từng đến săn bắn ở Cao Đường, ngày nọ vì mệt
mỏi nên ban ngày ngủ ở nơi này, nằm mộng thấy một cô gái xinh đẹp đến nói: “Thiếp
là thần nữ ở Vu Sơn, làm khách ở Cao Đường, nghe nói ngài đến chơi ở Cao Đường,
thiếp nguyện đến trải chăn gối cho ngài.” Thế là tiên vương ngủ cùng cô gái.
Lúc từ biệt nàng nói với tiên vương rằng: “Thiếp ở phía nam Vu Sơn, nơi hiểm yếu
trên núi cao, sáng sớm làm mây, chiều tối làm mưa, sớm sớm chiều chiều ở dưới
Cao Đường’”. Sáng sớm hôm sau, tiên vương thức dậy nhìn, quả nhiên giống như những
gì cô gái đã nói. Thế là dựng một ngôi miếu cho nàng, gọi là “Triêu vân” 朝云.
Vương hỏi: “Khi triêu vân mới xuất hiện có hình trạng
như thế nào?” Tống Ngọc đáp: “Khi mới xuất hiện, um tùm như cây tùng xanh tốt
vươn lên, qua một lúc sau, xinh đẹp yêu kiều như mĩ nữ giương tay áo che lấy mặt
trời, như đang ngóng tình nhân. Bỗng chốc biến đổi hình dạng, nhanh như xe tứ
mã, cao như ngọn cờ, mát như cơn gió, lạnh như cơn mưa. Lúc gió dừng mưa tạnh,
không biết là đi đâu”. Vương hỏi: “Như nay quả nhân có thể đến chơi một chuyến
được chăng?’ Tống Ngọc đáp: “Được”. Vương lại hỏi: “Nơi đó như thế nào?” Tống
Ngọc đáp rằng: “Nơi đó cao lớn sáng rõ, có thể nhìn thấy được rất xa; rộng rãi
mênh mông, vạn vật dường như từ nơi đó sinh ra.Trên tiếp với trời, dưới xuống đến
vực, trân kì quái dị, hùng vĩ tươi đẹp, khó mà nói hết”. Vương bảo rằng: “Khanh
thử làm bài phú cho quả nhân xem thử”. Tống Ngọc đáp: “Vâng”.”
Từ lời tựa bài Cao Đường phú có thành ngữ “Vu sơn vân vũ” 巫山云雨, thành ngữ này vốn chỉ việc làm mây làm mưa của thần nữ Vu sơn trong
truyền thuyết thần thoại nước Sở, về sau người ta dùng “mây mưa” để chỉ việc
nam nữ hợp hoan.
Mây mưa đánh đổ đá vàng
Quá chiều, nên đã chán chường yến anh
(“Truyện Kiều” 513 – 514)
Mây mưa: Bài Cao Đường phú của Tống Ngọc
nói tiên vương nước Sở nằm mộng thấy thần nữ ở núi Vu giáp nói: Thiếp làm mây
buổi sáng, mưa buổi chiều. Người sau nhân đó dùng chữ “Vân vũ” tức “mây mưa” để
chi trai gái ăn nằm với nhau.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Sở Tống Ngọc Cao đường phú, Sở Vương thường
du Cao đường, đại nhi trú tẩm, mộng kiến nhất phụ nhân viết: thiếp Vu giáp nữ
dã, vi Cao đường chi khách, văn vương du Cao đường, nguyện tiến chẩm tịch.
楚宋玉高唐賦楚王嘗游糕唐怠而晝寢夢見一婦人曰妾巫峽女也為高唐之客聞王游高唐願進枕席
(Bài
phú Cao đường của ông Sở-Tống-Ngọc: Vua Sở thường ra chơi đất Cao đường mệt quá
mà ngủ ngày, chiêm bao thấy một người con gái xưng là thần ở núi Vu giáp làm
khách đất Cao đường, nghe vua ra chơi đất Cao đường, xin dâng chăn chiếu hầu)
Mây mưa: Vân vũ mộng 雲雨夢. Nói bóng sự trai
gái giao cấu là “Mộng mây mưa”.
(Sài Gòn: nxb Sống Mới,
1960)
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 20/4/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật