Dịch thuật: Kê Khang này khúc Quảng Lăng (477) ("Truyện Kiều")


KÊ KHANG NÀY KHÚC QUẢNG LĂNG (477)
          Khúc Quảng Lăng: tức “Quảng Lăng tản” 广陵散, còn gọi là “Quảng Lăng chỉ tức” 广陵止息, đây là một cầm khúc lớn thời cổ, một cầm khúc rất nổi tiếng trong lịch sử âm nhạc Trung Quốc, một trong thập đại cổ cầm. Khúc tản này lấy sự kiện Nhiếp Chính 聂政 giết tướng quốc nước Hàn làm đề tài, tức “Nhiếp Chính thích Hàn Khôi khúc” 聂政刺韩傀曲, đã lưu hành từ cuối thời Đông Hán đến thời Tam Quốc, “Tản” ý là tản nhạc. Tản nhạc thời Tiên Tần là chỉ âm nhạc dân gian phân biệt với nhã nhạc cung đình. Khoảng thời Hán Tấn, “Quảng Lăng tản” 广陵散  từng cùng với “Tương hoà ca” 相和歌 và “Sở điệu khúc” 楚调曲lưu truyền rộng rãi. Cầm gia thời Nguỵ Tấn là Kê Khang 嵇康 nhân vì giỏi đàn khúc “Quảng Lăng tản” này mà nổi tiếng.
          Theo ghi chép trong Tấn thư 晋书, Kê Khang lúc đi dạo ở Lạc Tây 洛西được cổ nhân tặng cho khúc cầm này. Còn trong Thái Bình quảng kí 太平广记lại có một câu chuyện thần quỷ truyền kì, nói rằng Kê Khang thích đàn, có một lần, Kê Khang ban đêm ở lại đình Nguyệt Hoa 月花, vì không thể ngủ nên ngồi dậy lấy đàn đàn, tiếng đàn ưu nhã, đánh động một u linh. U linh nọ bèn truyền Quảng Lăng tản 广陵散 cho Kê Khang, đồng thời dặn rằng: Khúc tản này không được dạy cho người khác.
Năm 263, Kê Khang bị Tư Mã Chiêu 司马昭 hại, trước lúc lâm hình, Kê Khang không đau buồn, chỉ than rằng:
          Viên Hiếu Ni 袁孝尼 từng xin học khúc tản này, mà ta không truyền cho. “Quảng Lăng tản” đến đây coi như mất vậy.

Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thuỷ, hai rằng hành vân
(“Truyện Kiều” 477 – 478)
Quảng Lăng: Tên khúc nhạc của Kê Khang đời Tấn sau này mất đi.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Án Tấn thư: Kê Khang thường dạ túc Hoa dương đình hữu khách tự xưng cổ nhân, thụ Khang dĩ Quảng Lăng tán thanh điệu thanh tuyệt thệ bất đắc dữ tha nhân, hậu Khang tử khúc toại tuyệt – Hựu án Vân uyển Anh hoa Cố huống tự: Ngọc nữ đàn cầm hữu danh nhật cung, nguyệt cung, Hoa nhạc dẫn, quy vân dẫn, giai Quảng lăng chi di dã, cứ thử tắc cải Hoa nhạc, Quy vân vi thị, huống Lưu thuỷ Hành vân thị Tống nhân mĩ Đông Pha chi văn, khởi khả cưỡng xưng Quảng lăng hồ.
          按晉書: 稽康嘗夜宿花陽亭有客自稱古人, 授康以廣陵散聲調清絕誓不得與他人, 後康死曲遂絕 - 又按文苑英花顧况序玉女彈琴有名日宮月宮花嶽引歸雲引皆廣陵之遺也據此則改花嶽歸雲為是况流水行雲是宋人美東坡之文豈可強稱廣陵乎
          (Xét sách Tấn thư: Ngươi Kê Khang thường đêm ngủ ở đình Hoa dương, có người khách tự xưng  là người đời xưa cho ngươi Khang khúc Quảng Lăng, thề không được đem khúc ấy  bảo ai, sau ngươi Khang chết, khúc ấy mất - Lại xét sách Văn uyển: Bài Cố huống của Anh hoa, ngọc nữ gảy đàn có khúc nhật cung, nguyệt cung, dẫn Hoa nhạc và Qui vân đều ở khúc Quảng lăng còn sót lại. Cứ thế thì đổi làm Hoa nhạc Qui vân là phải, vả lại Lưu thuỷ Hành vân là người nhà Tống khen văn ông Đông Pha, chứ không cho là khúc Quảng lăng được)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét:
Bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 478 là:
Một rằng HOA NHẠC, hai rằng QUI VÂN
廣陵散 ghi là “Quảng Lăng tán”. “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu và “Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng” của Nguyên Tôn Nhan phiên là “Quảng Lăng tản”.
          Với thành ngữ 广陵散绝, theo 2 tư liệu:
đều bính âm là guǎng líng sǎn jué, âm Hán Việt là “Quảng Lăng tản tuyệt”. Như vậy 广陵散 đọc là “Quảng Lăng tản”.
          - Kê Khang, chữ “kê” bản của Bùi Khánh Diễn ghi là ,  không phải chữ . Theo từ điển “Từ hải” tên nhân vật là 嵇康.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 08/4/2020
Previous Post Next Post