VÁC BÓ GAI XIN CHỊU TỘI (1)
Xuất
phát từ lợi ích của đất nước, không tính toán địa vị danh lợi được mất, dũng cảm
thừa nhận sai lầm của mình, chủ động xin đối phương trừng phạt, đó cũng là truyền
thống tốt đẹp của dân tộc Trung Quốc. “Phụ kinh thỉnh tội” 负荆请罪 (vác bó gai xin chịu tội) (*) chính là một
ví dụ điển hình.
Năm 279
trước công nguyên, Tần Chiêu Vương 秦昭王 phái sứ giả đến nước Triệu, chuyển đạt ý nguyện Tần
Vương muốn hội kiến hữu hảo với Triệu Vương, địa điểm tại Miễn Trì 渑池 (**) đã thuộc Tần lúc bấy giờ. Triệu Vương sợ Tần, định
không đi. Liêm Pha 廉颇 và Lận
Tương Như 蔺相如 bàn
rằng:
Nếu Triệu Vương không đi là biểu thị nước
Triệu yếu hèn nhát gan.
Triệu
Vương bất đắc dĩ, đành phải làm ra vẻ cứng cõi đi một chuyến. Tương Như làm tuỳ
viên, luôn bên cạnh Triệu Vương. Liêm Pha tiễn đến biên cảnh, lúc chia tay với
Triệu Vương hẹn rằng:
- Ngài lần này đi đến Miễn Trì, thần tính thời
gian cần cho lộ trình đi, đến lúc hội đàm hoàn tất, gồm cả lúc trở về, tổng cộng
không quá 30 ngày. Nếu quá 30 ngày mà chưa trở về, thì cho phép thần lập thái tử
làm Vương, để cắt đứt ý nghĩ muốn xen vào Triệu của nước Tần.
Triệu
Vương đồng ý với ý kiến của Liêm Pha, thế là lên đường đi hội kiến với Tần
Vương. Lúc hội kiến, Tần Vương bày tiệc chiêu đãi, hai vị quân chủ uống rượu
bàn chuyện. Tần Vương cao hứng, lại hơi ngà ngà say, bèn nói với Triệu Vương:
- Tôi nghe nói Triệu Vương rất thích âm nhạc,
hôm nay xin ngài đàn một khúc nhạc để giúp vui.
Triệu
Vương không tiện chối từ liền đàn một khúc. Ngự sử (2) nước Tần bước
đến chép sự kiện đó vào trong sách, ông ta viết rằng:
Ngày này tháng này năm này, Tần Vương hội kiến
uống rượu cùng Triệu Vương, Tần Vương bảo Triệu Vương đánh đàn.
Lúc bấy
giờ, Tương Như cũng bước đến, nói với Tần Vương rằng:
- Triệu Vương cũng nghe nói Tần Vương giỏi về
ca hát những điệu khúc của làng quê ở đất Tần, tôi xin dâng lên cái chậu đất,
xin ngài gõ vào để làm nhịp phách hát ca.
Tần
Vương giận, không đồng ý với thỉnh cầu của Tương Như. Thế là Tương Như tiến
lên, bưng chiếc chậu đất dâng cho Tần Vương, lại quỳ xuống xin Tần Vương gõ chậu
hát. Tần Vương kiên quyết không chịu, Tương Như nói rằng:
- Chúng ta chỉ cách nhau có 5 bước, xin để tôi
lấy máu nơi cổ của tôi làm vấy bẩn đến thân của ngài.
Lời của
Tương Như vừa hàm súc vừa rõ ràng, đó là nói: chúng ta cách nhau rất gần, nếu
ngài không đáp ứng, tôi sẽ giết ngài. Thị vệ tả hữu của Tần Vương định dùng kiếm
đâm Tương Như, Tương Như trợn mắt, hét lớn. Mấy tên thị vệ bị thần thái của
Tương Như làm cho khiếp sợ phải lùi lại mấy bước. Tần Vương bị Tương Như uy hiếp,
tuy rất không bằng lòng, nhưng vẫn phải miễn cưỡng gõ lên chậu. Tương Như quay
đầu lại bảo Ngự sử của nước Triệu chép sự kiện đó vào sách, viết rằng:
Ngày đó tháng đó năm đó, Tần Vương vì Triệu
Vương gõ chậu đất.
Quần thần
của Tần Vương nói rằng:
- Xin nước Triệu đem 15 toà thành tặng cho Tần
Vương để làm quà mừng.
Lận
Tương Như cũng nói rằng:
- Xin nước Tần đem quốc đô Hàm Dương 咸阳 tặng cho Triệu Vương để làm quà mừng.
Mãi cho lúc yến tiệc kết thúc,
Tần Vương trước sau không thể chiếm được ưu thế với nước Triệu. Đồng thời, nước
Triệu cũng đã chuẩn bị kĩ, điều động tập trung một số lượng lớn quân đội,
nghiêm mật chú ý động tĩnh của Tần. Cho nên nước Tần trước sau không dám khinh
suất vọng động.
Hội Miễn
Trì kết thúc, Triệu Vương về lại nước. Nhân vì lần đó công lao của Lận Tương
Như rất lớn, Triệu Vương đã nhậm mệnh ông làm Thượng khanh. Liêm Pha vốn là Thượng
Khanh, sau khi Lận Tương Như được đề bạt, không những cùng ngang chức vị với
Liêm Pha, mà khi triều hội vị thứ được xếp trước Liêm Pha, điều đó khiến Liêm
Pha bất bình. Liêm Pha nói rằng:
- Ta là tướng quân, công lao hãn mã công thành
dã chiến, bảo về đất nước, còn Lận Tương Như chỉ dựa vào bản lĩnh nói năng lập
được chút công, mà tước vị lại ở trước mặt ta. Huống hồ, Lận Tương Như xuất
thân thấp kém, ông ta chẳng qua là xá nhân làm thủ hạ của thái giám đứng đầu. Ta
cùng với kẻ xuất thân thấp kém gánh nhiệm vụ như nhau, quả thực cảm thấy sỉ nhục.
Hiện
lại muốn ta
làm thủ hạ cho ông ta, điều này thực không thể chịu được.
Liêm
Pha bên ngoài phao lời rằng:
- Nếu ta gặp Tương Như, nhất định sẽ sẽ nhục
ông ta một phen.
Lận
Tương Như nghe được những lời đó luôn tránh gặp Liêm Pha. Mỗi lần triều hội,
Tương Như thường giả thác có bệnh, không muốn cùng Liêm Pha tranh vị thứ trước
sau. Về sau có một lần Tương Như ra ngoài, trông thấy Liêm Pha từ xa đang đến,
liền cho xe chuyển hướng để tránh. Xá nhân môn hạ của Tương Như cảm thấy không
bằng lòng, đồng loạt biểu thị kháng nghị. Họ nói rằng:
- Chúng tôi sở dĩ rời bỏ bà con của mình đến với
ngài ra sức phục vụ ngài, chỉ là vì chúng tôi ngưỡng mộ tinh thần sùng thượng đạo
nghĩa của ngài. Nay ngài và Liêm Pha cùng chức vị Thượng khanh, tướng quân Liêm
Pha ra ngoài phao mấy lời khó nghe như thế mà ngài lại sợ, luôn tránh ông ấy,
nhát đến mức như vậy. Người bình thường vì quá nhát mà xấu hổ, huống hồ thân
làm tướng như ngài? Chúng tôi quả thực không có ích gì, xin được cáo từ.
Lận
Tương Như kiên quyết giữ họ lại, nói rằng:
- Các ngươi xem, tướng quân Liêm Pha với Tần
Vương, người nào đáng sợ hơn?
Bọn xá
nhân đáp rằng:
- Tướng quân Liêm Pha đương nhiên không thể
sánh lại với Tần Vương.
Lận
Tương Như bảo rằng:
- Uy thế như Tần Vương luôn đáng sợ, thế mà ta
lại dám tại triều đình nước Tần trước mặt mọi người mà quát mắng, quần thấn của
ông ta không dám động đậy, không lời đáp lại, mất hết cả thể diện. Tương Như ta
tuy ngu, không có bản lĩnh gì, lẽ nào chỉ riêng sợ Liêm tướng quân sao? Nhưng,
ta nghĩ rằng: nước Tần lớn mạnh sở dĩ hiện không dám phát binh đánh nước Triệu chúng
ta, chỉ là bởi vì ta và Liêm tướng quân hai người hãy còn sống, Hai con hổ đánh
nhau, tất sẽ có một con bị thương. Ta sở dĩ nhẫn nhục nhường nhịn là do bởi ta
đầu tiên lo cho hoạn nạn và an nguy của đất nước, xem thù hận cá nhân giữa hai
người là thứ yếu.
Về sau,
những lời của Lận Tương Như truyền đến tai Liêm Pha, Liêm Pha cảm thấy vô cùng
xấu hổ, thế là cởi áo để trần, lưng vác một bó cây có gai làm roi, biểu thị chịu
tội, bằng lòng tiếp nhận sự trách phạt, nhưng lại không trực tiếp đến trước cửa
nhà Lận Tương Như, mà thông qua sự giới thiệu của tân khách. Liêm Pha gặp Tương
Như, nói rằng:
- Tôi là kẻ tiện nhân thô lậu, không ngờ ngài
khoa dung tôi đến mức này.
Sự ngăn
cách giữa hai người được gỡ bỏ, cuối cùng hoà hợp trở thành đôi bạn thề cùng sinh
tử.
Chú của
nguyên tác:
1- Bài văn này căn cứ tư liệu có liên quan trong Sử kí – Liêm Pha Lận Tương Như liệt truyện 史記 - 廉頗藺相如列傳 mà biên soạn.
2- Ngự sử 御史: quan danh, thời
Chiến Quốc các nước đều có, là Sử quan nắm giữ thư tịch, ghi chép đại sự của đất
nước.
Chú của người
dịch
*- Phụ kinh 负荆: “phụ” 负 là
vác trên lưng; “kinh” 荆 cành gai, là hình cụ thời cổ dùng để đánh phạm nhân. Ý
nói chủ động nhận lỗi tạ tội, xin trách phạt.
**- Về âm đọc của
chữ 渑 (phồn thể 澠): Theo
“Khang Hi tự điển” có mấy âm đọc như sau:
- THẰNG bính âm “shéng”
- MẪN
bính âm “mǐn”
- MIỄN
bính âm “miǎn”
(Hán ngữ đại từ
điển xuất bản xã, 2003, trang 600)
Trong
nguyên tác, bên cạnh chữ 渑 có chua bính âm là (miǎn 免). Như vậy ở đây đọc là MIỄN.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 22/3/2020
Nguyên tác Trung văn
PHỤ KINH THỈNH TỘI
负荆请罪
Trong quyển
SỬ KÍ CỐ SỰ TINH TUÝ
史记故事精粹
Biên soạn: Hoán Quan Sinh 浣官生,
Hoán Quyên 浣涓
Bắc Kinh lí công đại học xuất bản xã, 2001
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật