Dịch thuật: Tiếng sen sẽ động giấc hoè (437) ("Truyện Kiều")


TIẾNG SEN SẼ ĐỘNG GIẤC HOÈ (437)
          Giấc hoè: cũng gọi là giấc Nam Kha.
          Theo Nam Kha Thái thú truyện 南柯太守传 của Lí Công Tá 李公佐, đời Đường có thuật một câu chuyện:
         Thuần Vu Phần 淳于棼 nằm mộng thấy đến nước Đại Hoè An 大槐安, cưới được công chúa, đồng thời làm Thái thú quận Nam Kha 南柯, hưởng mọi vinh hoa phú quý. Về sau xuất chinh bị bại trận, công chúa cũng qua đời, quốc vương đối với ông sinh lòng nghi kị, khiển trách đuổi về. Sau khi tỉnh dậy mới biết đó chỉ là một giấc mộng. Hoá ra nước Đại Hoè An là một tổ kiến dưới gốc một cây hoè lớn ở sân nhà, quận Nam Kha tức một cành hoè ở phía nam của cây.
          (“Thành ngữ đại từ điển”: Bắc Kinh . Thương vụ ấn thư quán Quốc tế hữu hạn công ti, 2004)
          Giấc hoè, “giấc Nam Kha” hoặc thành ngữ “Nam Kha nhất mộng” 南柯一梦 dùng để ví vinh hoa phú quý ở đời chẳng qua chỉ là một giấc mộng. Cũng có khi dùng để ví giấc ngủ.

Tiếng sen sẽ động giấc hoè
Bóng trăng đã xế, hoa lê lại gần
(“Truyện Kiều” 437 – 438)
Giấc hoè: Giấc mơ. Sách Nam Kha kí đời Đường chép chuyện Thuần Vu Phần nằm ngủ thấy mình đến nước Hoè An, lấy con gái vua, làm thái thú quận Nam Kha rất sung sướng. Sau đánh giặc bị thua, bị đuổi. Lúc tỉnh dậy, thấy mình đang nằm dưới gốc cây hoè dưới cành phía Nam (nam kha). Do đó, người ta gọi giấc mộng là giấc hoè hay giấc nam kha, ý nói giàu sang chỉ là hư ảo.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Dị văn lục: Hữu sĩ nhân mộng kiến ngũ thập niên phú quý tịnh thú Công chúa, đại tỉnh nãi ngoạ hoè thụ chi hạ.
          異文綠: 有人士夢見五十年富貴並娶公主迨醒乃臥槐樹之下
          (Sách Dị văn: Có người học trò chiêm bao thấy mình được năm mươi năm phú quý, lại lấy được Công chúa, tỉnh dậy thì thấy mình nằm dưới gốc hoè)

Xét: Giấc hoè ở câu 437 này đơn thuần chỉ giấc ngủ.
          - Bản “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh, in năm 2000, câu 437 là:
Tiếng sen ĐÃ động giấc hoè
- Bản “Kim Vân Kiều”do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 437 là:
Tiếng LÊN sẽ động giấc hoè
          Chữ “lục” ở “Dị văn lục” in là .
- Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 438 là:
Bóng trăng đã TRỞ hoa lê lại gần
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 27/3/2020
Previous Post Next Post