Dịch thuật: Tại sao "ái ốc" phải là "cập ô" mà không phải là thứ khác

TẠI SAO “ÁI ỐC” PHẢI LÀ “CẬP Ô”
MÀ KHÔNG PHẢI LÀ THỨ KHÁC

          “Ái ốc cập ô” 爱屋及乌 từ mặt chữ mà lí giải đó là yêu nhà của người ta yêu luôn con quạ đậu trên mái nhà, dẫn đến ý nghĩa yêu thích một vật nào đó của người ta, yêu thích luôn người hoặc vật có liên quan. Thời cổ ở Trung Quốc, quạ đa phần mang ý nghĩa bất tường, như bộ tổng tập thi ca sớm nhất là Thi kinh 诗经có câu:
Chiêm ô viên chỉ
Vu thuỳ chi gia (1)
瞻乌爰止
于谁之家
(Xem thử quạ bay đến
Đậu ở nhà ai)
          Do bởi  ưa thích một người, tiến đến cũng ưa thích con quạ dù nó mang ý nghĩa bất tường, đủ thấy hàm nghĩa “ái chi thâm, tình chi thiết” 爱之深, 情之切, sủng ái quá mức.
          Thành ngữ “ái ốc cập ô” này liên quan đến “Vũ Vương phạt Trụ” 武王伐纣. Truyền thuyết kể rằng, Chu Vũ Vương đánh bại Thương Trụ tại Mục Dã 牧野. Trụ Vương tự thiêu ở Lộc Đài 鹿台, Chu Vũ Vương dẫn đại quân tiến vào Triều Ca 朝歌. Đối mặt với số lượng lớn quan lại và sĩ chúng của triều Thương, Vũ Vương hỏi kế ở Thái Công 太公:
          - Đối với cựu thần của Thương Trụ phải xử lí như thế nào?
          Thái Công đáp rằng: Thần nghe nói:
          Ái nhân giả, kiêm kì ốc thượng chi ô; bất ái nhân giả, cập kì tư dư. Hà như?
          爱人者, 兼其屋上之乌; 不爱人者, 及其胥余. 何如?
(Yêu một người, yêu luôn con quạ trên mái nhà của họ; ghét một người, ghét luôn thuộc hạ của họ. Ngài thấy như thế nào?)
          Nhưng Thiệu Công 召公 không đồng ý cách làm của Khương Tử Nha, ông cho rằng kẻ có tội đương nhiên phải giết, người vô tội thì giữ lại. Nhưng Vũ Vương không tán thành giữ lại bọn sàm thần tiểu nhân của Trụ Vương. Lúc bấy giờ Chu Công 周公 nói rằng:
          - Theo thần thấy, chi bằng để bọn họ về quê cày cấy, như vậy vừa thể hiện lòng độ lượng của đại vương, lại có thể tránh được bọn họ lại gây sự rắc rối.
          Vũ Vương cảm thấy chủ ý đó hay, bèn theo cách làm của Chu Công, quả nhiên, thiên hạ nhanh chóng ổn định, người Thương cũng không phát sinh bạo loạn.
          Thế là, thành ngữ “ái ốc cập ô” được lưu truyền lại. Người đời sau thích dùng điển cố này, như thi nhân Đỗ Phủ 杜甫 thời Đường trong bài Phụng tặng Xạ Hồng Lí Tứ Trượng 奉赠射洪李四丈 đã viết:
Trượng nhân ốc thượng ô
Nhân hảo ô diệc hảo
丈人屋上乌
人好乌亦好
(Con quạ trên nhà của Trượng nhân
Người tốt con quạ cũng tốt)
          Chu Đôn Di 周敦颐 thời Tống trong bài Liêm Khê thi 濂溪诗 (2):
Nộ di thuỷ trung giải
Ái cập ốc thượng ô
怒移水中蟹
爱及屋上乌
(Giận lây cua trong nước
Yêu cả quạ trên nhà)
          Trần Sư Đạo 陈师道 trong bài Giản Lí Bá Ích 简李伯益:
Thời tình  (3) thị ngã môn tiền tước
Nhân hảo khan quân ốc thượng ô
时情 (2) 视我门前雀
人好看君屋上乌
(Thế tình lúc mình ở vào hoàn cảnh không tốt, người ta sẽ xem mình như chim sẻ trước nhà
Lúc anh ở vào hoàn cảnh tốt, người ta sẽ yêu thích luôn con quạ trên mái nhà của anh)

Chú của người dịch
1- Hai câu này ở chương 3 bài Chinh nguyệt 正月 phần Tiểu nhã trong Kinh Thi. Theo một số tư liệu và theo bản Kinh Thi của Tạ Quang Phát, câu dưới là:
Vu thuỳ chi ốc
于誰之屋
2- Theo http://www.shicimingju.com/chaxun/list/944084.html hai câu này trong bài Cố Chu Mậu Thúc tiên sinh Liêm Khê 故周茂叔先生濂溪 của Tô Thức 苏轼  đời Tống.
3- Ở đây trong nguyên tác là “thời thanh” 时清, một số tư liệu là “thời tình” 时情. “Thời tình” 时情có nghĩa là “thế tình” hoặc “dư luận đương thời”, như vậy hợp lí hơn. Tôi sửa lại là “thời tình”.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 26/3/2020

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post