NHỮNG CÁCH XƯNG HÔ KÌ LẠ CỦA TRIỀU ĐẠI TỐNG
Kì 2
BA THẾ HỆ ĐỀU CÓ THỂ XƯNG LÀ “TẢ TẢ”
Hiện chắc
bạn nghĩ rằng cách xưng hô giữa cha con người Tống quá phức tạp? Kì thực, vẫn
chưa dễ lí giải đâu, người Tống đối với thân thuộc là nữ giới mới gọi là phức tạp.
Chúng
ta không cần phải hư cấu tình cảnh nữa, mà trực tiếp nói luôn: Lần này là Tống
Cao Tông Triệu Cấu 宋高宗赵构, nhưng không phải bản thân ông ta mà là thê tử của
ông ta - Ngô hoàng hậu 吴皇后 được xưng là Hiến
Thánh hoàng hậu 宪圣皇后. Vị Ngô hoàng hậu này vào năm Thiệu Hưng 绍兴 thứ
13 đời Tống Cao Tông (năm 1143) lên làm hoàng hậu, mà chính vào lúc trước đó một
năm, sinh mẫu của Tống Cao Tông là Hiển Nhân hoàng hậu Vi thị 显仁皇后韦氏 được
nước Kim phóng thích trở về, nghe nói vị trí chính cung hoàng hậu của Tống Cao
Tông đang khuyết, mới giúp cho Ngô thị. Nói ra, Ngô hoàng hậu là con dâu của Vi
thái hậu 韦太后, và cũng nhân vì Vi thái hậu trở về mới có thể lên
làm chánh cung hoàng hậu, đương nhiên cần phải lấy lòng mẹ chồng. Cho nên hễ mở
miệng nói với Vi thái hậu, cơ hồ như là:
Đại tả tả, nhiều năm qua bà luôn ở phương bắc
xa xôi, phận dâu con sớm chiều không cách nào bên cạnh để hiếu kính, quả thực
áy náy và xấu hổ!
(Trong Tống sử 宋史, nguyên văn là: Đại
tả tả viễn xứ bắc phương, thần thiếp khuyết vu định tỉnh 大姐姐远处北方, 臣妾缺于定省)
Bạn xem, con dâu có thể gọi mẹ chống là “đại tả tả” 大姐姐 (kì
thực con cái cũng có thể gọi như thế, bản thân Tống Cao Tông Triệu Cấu xũng
xưng hô như thế với Vi thái hậu). Thời cổ, danh xưng chính thức của mẹ chồng phải
gọi là “cô” 姑, đối lập với “ông” 翁 là cha chồng.
Còn như người Tống gọi “bà bà” 婆婆, có khả năng chỉ tổ
mẫu hoặc tằng tổ mẫu, hai thế hệ này cũng có thể gọi là “thái mẫu” 太母 (xưng
vị thời Bắc Tống), “đại ma ma” 大妈妈 (Nam Tống hoàng gia), ‘thái bà bà” 太婆婆 (dân
gian thời Nam Tống).
“Đại tả
tả” 大姐姐 là mẫu
thân hoặc bà nội, nhưng “tả” 姐 không chi là trưởng bối nữ giới, mà còn có thể là người
chị, thậm chí con gái, cháu gái (gọi chú hoặc bác). Trong thân thuộc nữ giới,
người nữ hàng trưởng bối gọi “tả” 姐 không thành vấn đề,
như người đời nay cũng xưng hô như thế. Nhưng con gái, cháu gái (gọi chú hoặc
bác) cũng gọi là “tả” 姐, ví dụ con gái lớn gọi
là “đại tả” 大姐, cháu gái hàng thứ 2 gọi là “nhị tả” 二姐, hiện đại đã không còn cách xưng hô này.
Mẫu
thân, bà nội là “tả” 姐, chị cũng là “tả” 姐, con gái, cháu gái vẫn là “tả” 姐. “Tả” 姐 đã vượt qua 3 thế hệ, cách xưng hô của người Tống quả
thực là kì lạ. Đương nhiên, chỉ có mỗi một chữ “tả” 姐 vẫn chưa đủ kì
lạ – kì thực, con gái lớn không chỉ có thể gọi là “đại tả” 大姐 mà
còn có thể gọi là “đại nương” 大娘. “Nương” 娘 vào đời Tống không chỉ là trưởng bối, mà còn là thế hệ
ngang hàng hoặc vãn bối. Trên thực tế, chữ “nương” 娘 phối
hợp khác nhau, vai vế khác nhau. Ví dụ như “nương nương” 娘娘 đi
liền với nhau có thể chỉ mẫu thân, đồng thời có sự khu biệt với “đại nương
nương” 大娘娘, “tiểu nương nương” 小娘娘.
Tống Nhân Tông Triệu Trinh 宋仁宗赵祯 chính là vị thái tử trong câu chuyện dân gian “li miêu
hoán thái tử” 狸猫换太子, từ nhỏ do hậu phi của Tống Chân Tông 宋真宗 là
Lưu hoàng hậu 刘皇后 và
Dương hoàng hậu 杨皇后 nuôi lớn. Lưu hoàng hậu là chánh cung hoàng hậu, Nhân
Tông xưng bà là “Đại nương nương” 大娘娘, Dương hoàng hậu
là phi tử, Nhân Tông xưng bà là “Tiểu nương nương” 小娘娘
(dân gian cũng có cách xưng hô đại loại như thế, ví dụ như con cái xưng người
thiếp của cha là “thiếu mẫu” 少母. Có điểm giống với
cách gọi “tiểu ma” 小妈 của cận đại.
Liên
quan đến “nương” 娘 còn
có “nương tử” 娘子. Nương tử không nhất định phải là thê tử của mình, chỉ
cần nữ giới tuổi tác không lớn lắm, cho dù quen hay không quen đều có thể gọi
là “nương tử” 娘子. Đương nhiên, nếu mọi người biết rõ là thiếu nữ thanh
xuân xinh đẹp, hoặc giả vẫn chưa lập gia đình, thì nên gọi một tiếng là “tiểu
nương tử” 小娘子. Tây Môn đại quan nhân 西门大官人 trong Thuỷ hử truyện 水浒传 ghẹo Phan Kim
Liên 潘金莲, mở miệng là gọi “tiểu nương tử” 小娘子 .....
(còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 21/3/2020
Nguồn
HOẠT TẠI ĐẠI TỐNG
活在大宋
Tác giả: Lưu Thự Cương 刘曙刚
Thành Đô: Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 2018
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật