Dịch thuật: Hoàng thành tướng phủ

HOÀNG THÀNH TƯỚNG PHỦ

          Nếu bạn đã xem qua bộ phim truyền hình nhiều tập Khang Hi vương triều 康熙王朝, thế thì đối với nơi này bạn sẽ không cảm thấy xa lạ. Hoàng thành tướng phủ 皇城相府 (1) với lầu viện trập trùng, đan xen vào nhau chính là nơi mà Trần Đình Kính 陈廷敬 (2) xây dựng cho mẫu thân. Theo truyền thuyết khi Trần Đình Kính làm quan ở kinh thành, mẫu thân của ông rất muốn đến kinh thành xem qua, nhưng do bởi tuổi cao không tiện ra khỏi cửa, Trần Đình Kính bèn xây dựng cho mẹ phủ đệ tại quê nhà giống Tử Cấm Thành 紫禁城, đó chính là “hoàng thành” 皇城 trong mắt của bách tính nơi đó.
          Hoàng thành tướng phủ với diện tích kiến trúc là 6vạn m2 (3), quy mô to lớn, cả quần thể kiến trúc chia làm hai bộ phận nội thành và ngoại thành. Bước chân vào Hoàng thành tướng phủ, Ngự thư lâu 御书楼 với ngói vàng lấp lánh, trụ đỏ rực rỡ là quần thể kiến trúc Minh Thanh quy mô to lớn, một nhạc chương ung dung hoa quý.
          Ngự thư lâu nhân vì có Khang Hi đích thân đề biển ngạch và câu đôi cho Trần Đình Kính mà nổi tiếng gần xa. Bốn chữ “Ngọ Đình sơn thôn” 午亭山村 trên biển ngạch có ý nghĩa sâu xa, cặp đối:
Xuân quy kiều mộc nùng âm mậu (4)
Thu đáo hoàng hoa vãn tiết hương
春归乔木浓荫茂
秋到黄花晚节香
(Xuân đến cây cao trùm bóng mát
Thu về cúc muộn toả hương thơm)
Chính là Khang Hi tán dương Trần Đình Kính một đời phẩm hạnh cao quý. Thể chữ trên biển ngạch tròn trịa, khí thế mạnh mẽ, trang trọng uy nghiêm, khiến mọi người cảm thấy kính phục.
          Qua khỏi Ngự thư lâu, một bài phường 牌坊 (5) bằng đá cao lớn đứng ngay trước mắt, tuy trải qua cuộc tang thương của lịch sử, nhưng trên bài phường là danh tính con em Trần gia các đời  làm quan, vẫn sáng rõ như cũ. Sau bài phường phía bên trái là “Điểm Hàn Đường” 点翰堂 nổi tiếng.
          Trần gia tại nơi này có được tiếng thơm là:
Đức tích nhất môn cửu Tiến sĩ (6)
Ân vinh tam thế lục Hàn lâm
德积一门九进士
恩荣三世六翰林
“Điểm Hàn Đường” là tên biển do đích thân hoàng đế Khang Hi khi đến tướng phủ đích thân viết cho con của Trần Đình Kính là tân khoa Hàn lâm Trần Tráng Lí 陈壮履, nó là kiến trúc mang tính tiêu chí Trần gia nối đời được tắm gội hoàng ân.
          Nhưng vật kiến trúc đặc sắc nhất của Hoàng thành tướng phủ phải là Hà Sơn lâu 河山楼 mang ý nghĩa “sơn hà vi hữu” 山河为囿 (núi sông là một khu vườn). Theo truyền thuyết đó là kiến trúc dùng để phòng ngự bọn lưu khấu xâm lược, cả chỉnh thể có kết cấu bằng gạch đá, không có gỗ, đồng thời có thể chứa được hơn ngàn người tị nạn. Để tiện cho việc quan sát tình hình quân địch, trên đỉnh Hà Sơn lâu không chỉ có lỗ châu mai và tường nhỏ, mà còn có địa đạo bí mật giúp di chuyển trốn tránh.
         Đứng trong sân sâu, chạm tay vào những ngói xanh gạch lục, hoặc ở trong hương trà nồng ấm, thưởng thức khúc biên chung cổ nhạc du dương nhã trí, dường như bước vào chốn chung minh đỉnh thực của hơn 300 năm trước, trong mộng cảnh, bạn thơ cùng xướng hoạ, khiến người ta chìm đắm khó dứt ra.

Chú của người dịch
1- Hoàng thành tướng phủ 皇城相府: tại trấn Bắc Lưu 北留 huyện Dương Thành 阳城  thành phố Tấn Thành 晋城  tỉnh Sơn Tây 山西, với tổng diện tích là 3,6 vạn m2, là cố cư của Văn Uyên các Đại học sĩ kiêm Lại bộ Thượng thư gia tam cấp, tổng duyệt quan “Khang Hi tự điển”, 35 năm Kinh diên giảng sư cho Khang Hi hoàng đế là  Trần Đình Kính 陈廷敬.
          Hoàng thành tướng phủ vốn có tên là “Trung Đạo Trang” 中道庄, nhân vì Khang Hi hai lần đến nơi đó, nên có tên là “Hoàng thành” 皇城.
          Hoàng thành tướng phủ là quần thể kiến trúc nhà ở của quan lại thời kì Minh Thanh. Nội thành được bá phụ của Trần Đình Kính là Trần Xương Ngôn 陈昌言 cho xây dựng vào năm Sùng Trinh 崇祯 thứ 6 triều Minh (năm 1633) để tránh chiến loạn; ngoại thành hoàn công vào năm Khang Hi 康熙 thứ 42 (năm 1703).

2- Trần Đình Kính陈廷敬 (1638 – 1712: tự Tử Đoan 子端, hiệu Thuyết Nham 说岩, về già lấy hiệu Ngọ Đình 午亭, người Dương Thành 阳城, phủ Trạch Châu 泽州 Sơn Tây 山西 (nay là huyện Dương Thành阳城 thành phố Tấn Thành 晋城 Sơn Tây山西), là đại thần và là học giả triều Thanh. Lúc ban đầu có tên là Kính , nhân vì cùng khoa thi có người cùng tên nên triều đình gia thêm chữ “Đình” , đổi thành “Đình Kính” 廷敬.
          Trần Đình Kính đậu Tiến sĩ năm Thuận Trị 顺治 thứ 15 (năm 1658), đổi sang Thứ cát sĩ, nhậm chức Bí thư viện kiểm thảo. Năm Khang Hi 康熙thứ 14 (năm 1675) nhậm chức Nội các học sĩ kiêm Lễ bộ thị lang, sung Kinh diên giảng quan. Sau giữ chức Tả đô ngự sử, Công bộ thượng thư, Hộ bộ thượng thư. Năm Khang Hi thứ 42 (năm 1703) bái Văn Uyên các Đại học sĩ kiêm Lại bộ thượng thư. Năm Khang Hi thứ 49 (năm 1710), nhậm chức Tổng tu quan “Khang Hi tự điển”. Tháng 4 năm Khang Hi thứ 51, Trần Đình Kính bệnh và qua đời, hưởng thọ 75 tuổi, thuỵ là Văn Trinh 文贞.

3- Về tổng diện tích của Hoàng thành tướng phủ, các tư liệu không thống nhất, có tư liệu là 3 vạn m2, có tư liệu là 3, 6 vạn m2, cũng có tư liệu là 10 vạn m2.

4- Cặp đối
Xuân quy kiều mộc nùng âm mậu
Thu đáo hoàng hoa vãn tiết hương
春归乔木浓荫茂
秋到黄花晚节香
Vừa tả cảnh nhưng cũng hàm ý tán dương Trần Đình Kính:
Lúc trẻ công tích vang danh, xứng đáng là rường cột của triều đình
          Khi về già khí tiết cứng cõi đáng được kính trọng

5- Bài phường 牌坊: loại hình trúc truyền thống của Trung Quốc, là vật kiến trúc được dựng lên nhằm biểu dương công lao, khoa cử, đức chính cùng trung hiếu tiết nghĩa. Hình dáng tựa như cổng chào nhưng quy mô lớn và chạm khắc tinh xảo hơn. Một số cung quán tự miếu dùng bài phường làm sơn môn. Bài phường cũng có thể dùng để nêu địa danh.

6-                                                     Đức tích nhất môn cửu Tiến sĩ
Ân vinh tam thế lục Hàn lâm
德积一门九进士
恩荣三世六翰林
Nhất môn cửu Tiến sĩ 一门九进士: trong một tộc có 9 Tiến sĩ, gồm:
- Trần Thiên Hựu 陳天佑: ông tổ đời thứ 5 của Trần Đình Kính, đậu Tiến sĩ năm Gia Tĩnh 嘉靖thứ 23, là vị Tiến sĩ đầu tiên của tộc họ Trần này.
- Trần Xương Ngôn 陳昌言: bác của Trần Đình Kính, đậu Tiến sĩ khoa Giáp Ngọ niên hiệu Sùng Trinh 崇禎 (năm 1634).
- Trần Nguyên 陳元: con của Trần Xương Ngôn, anh họ của Trần Đình Kính, đậu Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi niên hiệu Thuận Trị (năm 1659).
- Trần Đình Kính 陈廷敬: đậu Tiến sĩ năm Thuận Trị 順治 thứ 15 (năm 1658).
- Trần Dự Bằng 陳豫朋: con thứ của Trần Đình Kính, đậu Tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Khang Hi (năm 1694).
- Trần Tráng Lí 陳壯履: con thứ 3 của Trần Đình Kính, đậu Tiến sĩ khoa Đinh Sửu niên hiệu Khang Hi (năm 1697).
- Trần Quan Ngung 陳觀顒: cháu gọi Trần Đình Kính bằng chú (bác), đậu Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Khang Hi (năm 1706).
- Trần Tuỳ Trinh 陳隨貞: cháu gọi Trần Đình Kính bằng chú (bác), đậu Tiến sĩ khoa Đinh Sửu niên hiệu Khang Hi (năm 1709).
- Trần Sư Kiệm 陳師儉: cháu gọi Trần Đình Kính bằng ông, đậu Tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Ung Chính 雍正 (năm 1727).

Tam thế lục Hàn lâm 三世六翰林: ba đời có 6 vị Hàn lâm, gồm:
         Trần Nguyên, Trần Đình Kính, Trần Dự Bằng, Trần Tráng Lí, Trần Tuỳ Trinh, Trần Sư Kiệm.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 06/3/2020

Nguồn
KIM NHẬT YẾU KHỨ ĐÍCH 100 CÁ PHONG TÌNH TIỂU TRẤN
今日要去的 100 个风情小镇
Tác giả: Triệu Hiểu Ngọc 赵晓玉
Bắc Kinh: Bắc kinh liên hợp xuất bản công ti, 2017
Previous Post Next Post