CỔ THỂ THI, CẬN THỂ THI, LUẬT THI, TUYỆT
CÚ
Cổ thể thi 古体诗
Tên thể
thơ, cũng gọi là “cổ thi” 古诗, “cổ phong” 古风, đối lập với “cận thể thi” 近体诗. Sản sinh từ rất sớm, số câu của mỗi thiên không nhất
định, có loại tứ ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, tạp ngôn. Đời sau sử dụng
ngũ ngôn, thất ngôn tương đối nhiều, không cần đối trượng, bằng trắc, dùng vần
cũng tương đối tự do.
Cận thể thi 近体诗
Tên thể
thơ, đối lập với “cổ thể thi” 古体诗, cũng gọi là “kim
thể thi” 今体诗. Thể thơ này chính thức hình thành vào thời Đường.
Bao gồm “luật thi” 律诗, “tuyệt cú” 绝句 và “bài luật” 排律.
Hình thức chỉnh tề, âm điệu hài hoà, có yêu cầu cách luật một cách nghiêm nhặt.
Mỗi thiên có định số câu, câu có định số chữ, có điệu thanh phổ cố định. Trong
một câu yêu cầu âm điệu hoà mĩ, bằng trắc xen nhau. Trong một thiên yêu cầu cú
điệu hỗ tương phối hợp, thành một chỉnh thể hoà hợp. Nhìn chung cách câu có
gieo vần, cũng có thiên một câu đã gieo vần. Về đối ngẫu, cách luật của tuyệt
cú không nghiêm nhặt như luật thi.
Luật thi 律诗
Tên thể
thơ. Nhân vì cách luật nghiêm nhặt mà có tên, là một trong những hình thức chủ
yếu của cận thể thi. Khởi nguyên từ thời Nam Bắc triều, thành hình vào đầu thời
Đường. Mỗi bài 8 câu, cứ 2 câu là 1 liên, tổng cộng có 4 liên. Loại mỗi câu 5
chữ gọi là “ngũ ngôn luật thi” 五言律诗, loại mỗi câu 7
chữ gọi là “thất ngôn luật thi” 七言律诗. Dùng cách thức bằng
trắc cố định. Câu thứ 3 câu thứ 4 và câu thứ 5 câu thứ 6 phải là cặp đối. Gieo
vần ở câu 2 câu 4 câu 6 câu 8. Toàn bài thông thường gieo vần bằng, cũng có bài
gieo vần trắc, nhưng phải 1 vần cho tới cuối bài. Toàn bài thơ 10 câu trở lên gọi
là “bài luật” 排律hoặc “trường luật” 长律,
phần nhiều đến mấy chục câu, thậm chí có đến 100, 200 câu trở lên.
Tuyệt cú 绝句
Tên thể
thơ. Cũng gọi là “luật tuyệt” 律绝, “tuyệt thi” 绝诗, “tiệt cú” 截句, “đoạn cú” 断句. Toàn thiên có 4 câu. Loại mỗi câu 5 chữ gọi là “ngũ
tuyệt” 五绝, loại mỗi câu 7 chữ gọi là “thất tuyệt” 七绝, là một thể tài có thể chế nhỏ nhất trong cận thể
thi. Khởi nguyên từ ca dao thời Hán và thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, thành thục
vào thời Đường. Tuyệt 绝, tiệt 截, đoạn 断 đều có hàm nghĩa là cắt ngắn, cho nên có cách nói cắt
ngắn một bài luật thi mà thành. Toàn bài có 4 câu, không nhất định phải có 2 cặp
đối, gieo vần ở 2 câu hoặc 3 câu đều được, cách luật so với luật thi thoáng hơn
nhiều.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/3/2020
Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Biên soạn: Thiệu Sĩ Mai 邵士梅
Đào Tịch Giai 陶夕佳
Tưởng Tiểu Ba 蒋筱波
Tam Xuân xuất bản xã, 2008
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật