Dịch thuât: Đã cam tệ với tri âm bấy chầy (386) ("Truyện Kiều")


ĐÃ CAM TỆ VỚI TRI ÂM BẤY CHẦY (386)
          Tri âm: Xuất phát từ câu chuyện giữa Du Bá Nha 俞伯牙và Chung Tử Kì 钟子期 thời Xuân Thu.
          Du Bá Nha 俞伯牙 (năm 387 – năm 299 trước công nguyên). Thị là Bá , danh là Nha , đời sau ngoa truyền thị là Du , danh là Thuỵ , tự là Bá Nha 伯牙, người Dĩnh Đô 郢都nước Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc (nay là Kinh Châu 荆州 tỉnh Hồ Bắc 湖北). Tuy là người nước Sở nhưng lại nhậm chức Thượng đại phu ở nước Tấn, rất tinh thông đàn cầm. Bá Nha đánh đàn gặp được tri âm chính là câu chuyện phát sinh khi ông trên đường trở về quê nhà thăm người thân.
          Chung Tử Kì 钟子期 (năm 413 – năm 354 trước công nguyên), thị là Chung , danh là Huy , tự Tử Kì子期, người Lạc Dương 洛阳 nước Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc (nay là thôn Tập Hiền 集贤 khu Thái Điện 蔡甸 thành phố Vũ Hán 武汉 tỉnh Hồ Bắc湖北). Tương truyền Chung Tử Kì là tiều phu đội nón lá, khoác áo tơi, vai mang đòn gánh, tay cầm rìu. Theo ghi chép trong lịch sử, khi Bá Nha về nước thăm người thân, đánh đàn bên bờ Giang Hán 江汉, đúng lúc Chung Tử Kì gặp được, cảm thán rằng:
Nguy nguy hồ nhược cao sơn
Dương dương hồ nhược giang hà
巍巍乎若高山
洋洋乎若江河
Cao cao như núi lớn
Mênh mông như sông sâu
          Nhân vì hợp nhau, hai người trở thành đôi bạn thân. Sau khi Chung Tử Kì qua đời, Bá Nha cho rằng trên đời chẳng còn tri âm nên suốt đời không đàn nữa.
          Trong Liệt Tử - Thang vấn 列子 - 汤问 có chép về câu chuyện của Bá Nha Nha và Tử Kì:
          Bá Nha thiện cổ cầm, Chung Tử Kì thiện thính. Bá Nha cổ cầm, chí tại đăng cao sơn. Chung Tử Kì viết: “Thiện tai! Nga nga hề nhược Thái sơn!” Chí tại lưu thuỷ, Chung Tử Kì viết: “Thiện tai! Dương dương hề nhược giang hà!” Bá Nha sở niệm, Chung Tử Kì tất đắc chi. Bá Nha du vu Thái Sơn chi âm, thốt phùng bạo vũ, chỉ vu nham hạ; bi tâm, nãi viên cầm nhi cổ chi. Sơ vi lâm vũ chi tháo, canh tháo băng sơn chi âm. Khúc mỗi tấu, Chung Tử Kì triếp cùng kì thú. Bá Nha nãi xả cầm nhi thán viết: “Thiện tai! Thiện tai! Tử chi thính phù chí tưởng tượng do ngã tâm dã. Ngô vu hà đào thanh tai?”
          伯牙善鼓琴, 钟子期善听. 伯牙鼓琴, 志在登高山. 钟子期曰: “善哉! 峨峨兮若泰山!” 志在流水, 钟子期曰: “善哉! 洋洋兮若江河!” 伯牙所念, 钟子期必得之. 伯牙游于泰山之阴, 卒逢暴雨, 止于岩下; 悲心, 乃援琴而鼓之. 初为霖雨, 更造崩山之音. 曲每奏, 钟子期辄穷其趣. 伯牙乃舍琴而叹曰: “善哉! 善哉! 子之听夫志想像犹我心也. 吾于何逃声哉?”
          (Bá Nha giỏi đánh đàn cầm, Chung Tử Kì giỏi nghe. Khi Bá Nha đàn trong lòng nghĩ đến việc leo lên núi cao. Chung Tử Kì khen rằng: “Tuyệt diệu thay! Cao lớn như Thái Sơn!” Trong lòng lại nghĩ đến nước chảy cuồn cuộn, Chung Tử Kì khen rằng: “Tuyệt diệu thay! Mênh mông như sông lớn!” Phàm những gì Bá Nha suy nghĩ trong lòng, Chung Tử Kì đều có thể theo tiếng đàn mà hiểu được. Có một lần, Bá Nha đi thuyền đến phía bắc Thái Sơn, đột nhiên gặp phải mưa lớn, nên dừng ở chân núi. Trong phút chốc buồn thương, bèn lấy đàn ra đánh. Lúc đầu đàn khúc điệu như mưa lớn liên miên, sau lại chuyển đến khúc mạnh mẽ như núi sụp. Mỗi khúc đàn, Chung tử Kì đều ngộ thấu ý chỉ trong đó. Thế là, Bá Nha buông đàn, than rằng: “Hay thay! hay thay! tài thưởng thức của anh! Những gì anh nghĩ trong lòng cũng giống như tôi nghĩ. Tôi làm sao có thể ẩn giấu được tiếng lòng của tôi đây?”)
          Tri âm dùng để chỉ người bạn tri kỉ, hiểu biết mình.

Nàng rằng: gió bắt mưa cầm
Đã cam tệ với tri âm bấy chầy
(“Truyện Kiều” 385 – 386)
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó, mặn mà với ai?
(“Truyện Kiều” 1247 – 1248)
Tri âm: Nghĩa đen là biết được âm thanh, tức là người hiểu âm nhạc, biết nghe đàn, như Chung Tử Kỳ biết nghe Bá Nha đánh đàn. Sau dùng để chỉ bạn tri kỉ.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Hán: Bá Nha dĩ Chung Tử Kỳ vi tri âm.
          : 伯牙以鐘子期為知音
          (Sách Hán: Ông Bá Nha lấy Chung Tử Kỳ làm bạn tri âm)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Bản “Kim Vân Kiều”do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 386 là:
Đã cam tệ MẤY tri âm bấy chầy

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 15/3/2020


Previous Post Next Post