BIẾT ĐÂU HỢP
PHỐ MÀ MONG CHÂU VỀ (306)
Thời
Đông Hán, quận Hợp Phố 合浦 ven biển sản xuất nhiều mgọc trai. Ngọc trai nơi đó vừa
tròn vừa lớn, màu sắc thuần chính, luôn được trong và ngoài nước khen tặng, mọi
người gọi là “Hợp Phố châu” 合浦珠. Dân địa phương lấy
đó làm nghề sinh sống, thường đem đổi lương thực với quận Giao Chỉ 交趾 lân
cận. Ngọc trai thu được lợi rất cao, một số quan lại thừa cơ tham ô, lập danh mục
nhằm tước đoạt của dân. Để thu lợi được nhiều, bọn quan lại không hề nghĩ đến
quy luật sinh trưởng của loài trai, cứ bắt dân đi lấy ngọc. Kết quả loài trai dần
di chuyển đến quận Giao Chỉ, tại Hợp Phố ngày càng ít. Ngư dân vùng Hợp Phố trước
giờ dựa vào việc lấy ngọc trai để sinh sống, rất ít người trồng trọt. Ngọc trai
có thu nhập cao, tiền mua lương thực nhiều một chút cũng không sao. Nay sản lượng
ngọc trai giảm, ngư dân ngay cả tiền mua lương thực cũng không có, không ít người
vì đó mà chết đói. Sau khi Hán Thuận Đế Lưu Bảo 汉顺帝刘保 kế vị, phái một
viên quan tên Mạnh Thường 孟尝 làm Thái thú quận Hợp Phố. Mạnh Thường sau khi nhậm chức
đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân ngư dân vùng này không có cơm ăn, liền hạ lệnh:
bãi bỏ tệ đoan, phế trừ quy định phi pháp tước đoạt của dân, đồng thời cũng
không cho ngư dân đánh bắt bừa bãi, để bảo hộ tài nguyên ngọc trai. Chưa đầy một
năm, loại trai sinh sôi nhiểu trở lại, Hợp Phố lại trở thành nơi sản xuất ngọc
trai nổi tiếng.
Trong Hậu Hán thư – Tuần lại truyện – Mạnh Thường 后汉书 - 循吏传 - 孟尝 ghi rằng:
..... (Hợp Phố) quận bất sản cốc thực, nhi hải
xuất châu bảo, dữ Giao Chỉ bí cảnh ..... Thường đáo quan, cách dịch tiền tệ, cầu
dân bệnh lợi. Tằng vị du tuế, khứ châu phục hoàn, bách tính giai phản kì nghiệp.
(..... (合浦) 郡不产谷实, 而海出珠宝, 与交趾比境 ..... 尝到官, 革易前敝, 求民病利. 曾未逾岁, 去珠复还, 百姓皆反其.)
(.....
quận (Hợp Phố) không sản xuất lúa gạo, nhưng vùng biển lại có nhiều ngọc trai,
gần kề với Giao Chỉ ..... (Mạnh) Thường đến nhậm chức quan, bãi bỏ tệ nạn trước
đó, hiểu rõ những việc có lợi và không có lợi của dân. Chưa đầy một năm, ngọc trai lại về, bách tính
đều trở lại nghề cũ)
Thành
ngữ “Hợp Phố châu hoàn” 合浦珠还 (châu về Hợp Phố) xuất phát từ câu chuyện trên, dùng để
ví với việc một món đồ đã mất đi nhưng tìm lại được hoặc người đi đâu đó lại trở
về.
Thoa này bắt
được hư không
Biết đâu Hợp
Phố mà mong châu về
(“Truyện Kiều” 305 – 306)
Hợp Phố: Quận xưa của Giao Châu (trong tỉnh Quảng Đông) ngày
nay. Trong quận sản xuất hạt châu, tương truyền thời Hậu Hán có viên thái thú
tham bạo bắt dân lấy hạt châu quá ngặt, châu bỏ dời đi sang quận Giao Chỉ. Khi
Mạnh Thường đến thay, bỏ tệ cũ, cho dân tự do kiếm châu, thì châu lại trở về. Cho
nên người ta nói châu về Hợp Phố để chỉ một vật quý báu trở về chỗ cũ. Td. Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về? 306: ý
nói của báu này không biết của ai mà trả lại.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Hậu Hán thư: Mạnh thường Quân vi Hợp phố
Thái thú, quận cảnh cựu thái châu dĩ hợp thực, Thái thú tham uế linh dân thái
châu dĩ tự nhập, châu hốt tỉ khứ, dân cơ tử giả chúng, Mạnh thường Quân hoá
hành nhất niên khứ châu phục hoàn.
後漢書: 孟嘗君為合浦太守郡境舊採珠以合食太守貪穢令民採珠以自入珠忽徙去民饑死者眾孟嘗君化行一年去珠復還
(Sách Hậu
Hán: Ông Mạnh thường Quân làm Thái thú quận Hợp phố, dân quận ấy thường nhặt hạt
châu để đổi gạo. Quan phủ trước tham ô, bắt dân nhặt hạt châu làm của mình, hạt
châu biến đi hết, dân chết đói nhiều, ông Mạnh thường Quân làm việc quan một
năm, hạt châu lại về)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới,
1960)
Xét: Bản “Kim Vân Kiều”
do Bùi Khánh Diễn chú thích đã nhầm Mạnh Thường với Mạnh Thường Quân.
- Mạnh Thường 孟尝: không rõ năm sinh năm mất tự là Bá Châu 伯周, người Thượng Ngu 上虞 Cối Kê 会稽 (nay
thuộc thành phố Thiệu Hưng 绍兴 Chiết Giang 浙江), quan lại thời Đông Hán, lúc đầu làm Hộ tào lại 户曹吏 tại quận Cối Kê, về sau làm Thái thú quận Hợp Phố.
- Mạnh Thường Quân 孟尝君 (? – năm 279 trước công nguyên), tức Điền Văn 田文, hiệu là Mạnh Thường Quân, một trong tứ công tử thời
Chiến Quốc, là quý tộc nước Tề.
Trong
“Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị
1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 305 là:
Thoa ĐÂU
bắt được hư không
(Nxb
Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 02/3/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật