XĂM XĂM ĐÈ NẺO
LAM KIỀU LẦN SANG (266)
Lam Kiều 蓝桥 (藍橋): Trong các tác phẩm văn học Trung Quốc, “Lam Kiều” tức
“cầu Lam”, được dùng để ví nơi gặp nhau
của đôi tình nhân. Tình nhân nam nữ hẹn nhau thường gọi là “Lam Kiều ước” 蓝桥约.
Truyền
thuyết kể rằng, vào khoảng niên hiệu Trường Khánh 长庆thời
Đường có vị Tú tài tên Bùi Hàng 裴航 dạo chơi ở Ngạc Chử 鄂渚,
nằm mộng thấy bài thơ:
Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh
Huyền sương đảo tận kiến Vân Anh
Lam Kiều tiện thị thần tiên quật
Hà tất khi khu thướng Ngọc Thanh
一饮琼浆百感生
玄霜捣尽见云英
蓝桥便是神仙窟
何必崎岖上玉青
(Uống được quỳnh tương trăm mối cảm xúc sinh ra
Thuốc tiên giã xong sẽ thấy được nàng Vân Anh
Lam Kiều chính là cung điện thần tiên đó
Cần gì phải vất vả đến cung Ngọc Thanh)
Bùi Hàng
quay về, đi ngang qua trạm ở Lam Kiều 蓝桥, gặp được một bà
lão đang dệt vải gai, nhân khát nước bèn đến xin nước uống. Bà lão gọi cô con
gái là Vân Anh 云英 mang
nước ra, Bùi Hàng uống vào cảm thấy ngọt như quỳnh tương. Lại thấy Vân Anh tư
dung tuyệt thế, nhân đó muốn cưới làm vợ. Bà lão bảo rằng:
- Hôm qua có vị thần tiên cho một ít thuốc, cần
phải có chày cối bằng ngọc để giã. Muốn cưới Vân Anh, phải dùng chày cối ngọc
làm sính lễ, giã thuốc một trăm ngày mới được.
Bùi
Hàng cuối cùng tìm được chày cối bằng ngọc mà thỏ ngọc trên cung trăng dùng, cưới
Vân Anh làm vợ, hai vợ chồng vào núi Ngọc phong 玉峰 hoá thành tiên
đi mất.
Nghề riêng nhớ
ít tưởng nhiều
Xăm xăm đè nẻo
Lam Kiều lần sang
(“Truyện Kiều” 265 – 266)
Rằng mua ngọc
đến Lam Kiều
Sính nghi xin
dạy bao nhiêu cho tường
(“Truyện Kiều” 643 – 644)
Lam Kiều: Tên một cái cầu ở huyện Lam Điền, chỗ Bùi Hàng gặp
tiên.
(Đào Duy Anh:
“Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Truyền kỳ: Bùi Hàng ngộ Vân Anh phu nhân dữ
thi vân: Lam Kiều tự thị thần tiên quật, hà tất khu khu thượng ngọc kinh, hậu
quá Lam Kiều ngộ Vân Anh toại thú nhi tiên khứ.
傳奇: 裴航遇雲英夫人與詩云藍橋自是神仙窟何必區區上玉京後過藍橋遇雲英遂娶而仙去
(Sách
Truyền kỳ: Ngươi Bùi Hàng gặp nàng Vân Anh cho thơ rằng: chốn Lam Kiều ấy là chỗ
thần tiên, can gì chăm chăm lên núi Ngọc kinh, sau qua Lam Kiều gặp Vân Anh bèn
lấy nhau rồi cùng lên tiên)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới,
1960)
Chày sương
chưa nện cầu Lam
Sợ lần khân
quá sa sàm sỡ chăng?
(“Truyện Kiều” 457 – 458)
Cầu Lam, xem
Chày sương: Thuốc tiên gọi là huyền
sương, chày sương là cái chày để giã thuốc tiên. Sách Thái Bình quảng kí chép chuyện Bùi Hàng đời Đường, thi hỏng, đến
cái cầu là Lam Kiều tỉnh Quảng Tây, gặp một bà già. Bà ấy nói: Hôm trước có thần
tiên cho một liều linh dược, nhưng phải có cái chày ngọc để giã. Nếu tìm được
cái chày ấy thì lấy được vợ đẹp. Hàng tìm được chày ngọc, giã thuốc một trăm
ngày sau lấy được nàng Vân Anh, rồi hai người thành tiên. Câu này nói có chày
ngọc rồi nhưng chưa giã (nện) được thuốc tiên ở Lam Kiều (Cầu Lam) nên chưa lấy
được người đàn bà đẹp.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Đường Bùi Hàng đắc ngọc chử cữu, để Lam Kiều
thú Vân Anh nhi tiên khứ.
唐裴航得玉杵臼抵藍橋娶雲英而仙去
(Ngươi
Bùi Hàng nhà Đường được cái cối chày bằng ngọc, đến Lam Kiều lấy nàng Vân Anh rồi
lên tiên)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới,
1960)
Xét: Theo tư liệu ở trên, Lam Kiều ở huyện Lam Điền tỉnh
Thiểm Tây. Trong “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh, bản năm 1989 in nhầm
Lam Kiều ở tỉnh Quảng Tây. Bản in lại năm 2000 đã sửa lại là Thiểm Tây.
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
câu 458 là:
Sợ lần khân quá, ra SỜM sỡ chăng?
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 24/02/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật