Dịch thuật: Vi lô hiu hắt như màu khẩy trêu (264) ("Truyện Kiều")



VI LÔ HIU HẮT NHƯ MÀU KHẨY TRÊU (264)
          Trong bài Tì bà hành 琵琶行 của Bạch Cư Dị 白居易 thời Đường có câu:
Tầm Dương giang đầu dạ tống khách
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt
尋陽江頭夜送客
楓葉荻花秋瑟瑟
(Bên sông Tầm Dương trong đêm đưa tiễn khách
Lá cây phong và hoa lau xào xạc trong gió thu)

Gió chiều như giục cơn sầu
Vi lô hiu hắt như màu khẩy trêu
(“Truyện Kiều” 263 – 264)
Vi lô san sát hơi may
Một trời thu để riêng ai một người
(“Truyện Kiều” 913 – 914)
Vi lô: Cây lau, cỏ lau.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Tỳ bà hành: Phong diệp địch hoa thu sắt sắt
 琵琶行: 楓葉荻花秋瑟瑟
          (Bài Tỳ bà hành: Lá phong hoa lau hiu hắt cảnh mùa thu)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Theo ý riêng, khi viết câu 264 và câu 913 trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du có lẽ đã liên tưởng đến bài “Tì bà hành”.
Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, thì câu 264 và 913 này là:
Vi LAU hiu hắt như màu CỚI trêu (264)
Vi LAU SÁT sát hơi may (913)
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 23/02/2020
Previous Post Next Post