Dịch thuật: Ví đem vào tập Đoạn trường (209) ("Truyện Kiều")


VÍ ĐEM VÀO TẬP ĐOẠN TRƯỜNG (209)
          Tập Đoạn trường: tức “Đoạn trường tập” 断肠集, tên một tập gồm thơ và từ của Chu Thục Chân 朱淑真.
          “Đoạn trường tập” 断肠集tổng cộng 10 quyển, ước khoảng 370 bài thơ, hiện tồn hơn 310 bài.
          “Đoạn trường từ” 断肠词 nguyên có 8 quyển gần 200 bài, hiện tồn chỉ có 1 quyển với 32 bài.
          Chu Thục Chân朱淑真 là một tài nữ nổi tiếng thời Tống, hiệu U Thê Cư Sĩ 幽栖居士, người Tiền Đường 钱塘 (nay là Hàng Châu 杭州 Chiết Giang 浙江). Tổ tịch tại Hấp Châu 歙州 (nay là huyện Hấp tỉnh An Huy 安徽). Bà sống vào thời Nam Tống, sinh ra trong một gia đình quan lại, từ nhỏ đã thông tuệ. Chu Thục Chân giỏi vẽ, giỏi làm thơ và giỏi cả âm luật, tính tình phong lưu kín đáo. Lúc nhỏ, cha mẹ không biết, đã gã bà cho một người ở phố chợ, vì bất hạnh trong hôn nhân, bà uất ức bất đắc chí, ôm hận mà chết. Tương truyền di cảo của bà bị cha mẹ đốt. Năm 1182, Nguỵ Trọng Cung 魏仲恭 thu tập thơ và từ của bà thành tập và đặt tên là “Đoạn trường tập”. Chu Thục Chân là nữ từ nhân viết từ nhiều nhất thời Tống.

Ví đem vào tập Đoạn trường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai
(“Truyện Kiều” 209 – 210)
Tập Đoạn trường: tức là tập thơ của Hội Đoạn trường.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Chu thục Chân thi tập, danh viết đoạn trường tập.
          朱淑真詩集, 名曰斷腸集
          (Tập thi của ông Chu thục Chân gọi là tập Đoạn trường).
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 
Xét: Hai câu 209 và 210, ý nói tài làm thơ của Thuý Kiều còn hơn cả Chu Thục Chân.
Chu Thục Chân là nữ. Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, in nhầm là “ông”.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 08/02/2020
Previous Post Next Post