Dịch thuật: Tư Mã Quang với "Tư trị thông giám" (tiếp theo)

TƯ MÃ QUANG VỚI “TƯ TRỊ THÔNG GIÁM”
(tiếp theo)

          Tư Mã Quang lần đầu tiên sáng lập biên niên thể thông sử Tư trị thông giám 司治通鉴 . “Biên niên thể” 编年体 là một hình thức thể tài theo thứ tự ngày tháng năm mà thuật lại sự việc. Các bộ sử thư nổi tiếng áp dụng thể tài này biên soạn, có Xuân Thu 春秋, Tả truyện 左传, Hán kỉ 汉纪, Hậu Hán kỉ 后汉纪 đều là sử đồng đại. Tư Mã Quang là người đầu tiên viết thông sử theo thể biên niên. Tư Mã Quang coi trọng lịch sử Trung Quốc từ sau khi vương triều Tần kiến lập, thu nạp 16 đời, biên soạn bộ thông sử biên niên to lớn. Toàn sách bắt đầu từ năm 403 trước công nguyên đến năm Hiển Đức 显德 thứ 6 (năm 959) đời Thế Tông 世宗 nhà Hậu Chu. Tư Mã Quang vận dụng sáng tạo, trong biên độ thời gian 1362 năm, đối với sự hưng suy trị loạn của các đời và sự mừng lo vui buồn của bách tính bình dân đã triển khai tổng kết toàn diện. Trong sách vừa miêu tả điển hình Hán Đường trị thế, lại trình bày rõ nét thời Chiến Quốc, Ngũ đại loạn thế, mà độ dài của loạn thế luôn vượt qua bút mực trị thế, tình huống mạt thế của vương triều một họ so với cảnh tượng thịnh thế miêu tả càng tường tận hơn; đối với kẻ thồng trị, vừa chép các vị đế vương gọi là “nhân , minh , vũ” , Tể tướng chính trị thanh minh và đại thần dám can gián, xiển thuật những lời hay việc tốt về chính trị chăm dân của họ, lại chép cả hành vi bạo ngược của  bạo quân hôn chúa, gian tặc nịnh thần và tham quan ô lại, vạch trần các tội ác và việc làm xấu xa của họ. Cho dù hoàng đế kiệt xuất như Đường Thái Tông, cũng chỉ ra những khiếm khuyết của ông ta. Thông giám không né tránh mâu thuẫn gay gắt giữa dân với quan, ghi chép tường tận nguyên nhân nông dân khởi nghĩa của các đời, kinh qua hoạt động trấn áp của kẻ thống trị. Dưới ngòi bút của Tư Mã Quang, nguyên nhân Vương Tiên Chi 王仙芝 nổi dậy ở Trường Viên 长垣, Hoàng Sào 黄巢 tụ tập chúng nhân ở Tào Châu 曹州 là:
          Tự Ý Tông dĩ lai, xa xỉ nhật thậm, dụng binh bất tức, phú liễm dũ cấp. Quan Đông liên niên thuỷ hạn, châu huyện bất dĩ thực văn, thượng hạ tương mông, bách tính lưu biễu, vô sở khống tố, tương tụ vi đạo, sở tại phong khởi.
          自懿宗以来, 奢侈日甚, 用兵不息, 赋敛愈急. 关东连年水旱, 州县不以实闻, 上下相蒙, 百姓流殍, 无所控诉, 相聚为盗, 所在蜂起.
          (Từ Ý Tông trở đi, việc xa xỉ ngày càng nhiều, dùng binh không nghỉ, thuế thu càng ngặt. Vùng Quan Đông nhiều năm thuỷ tai hạn tai mà châu huyện nghe không cho là thực, trên dưới dối nhau, bách tính tha hương chết đói, không biết tố cáo nơi đâu, nên tụ họp với nhau làm trộm cướp, nổi lên như bầy ong nơi đó)
nên khởi nghĩa đã phát triển, mà:
Sổ nguyệt chi gian, chúng chí sổ vạn
数月之间, 众至数万
(Chỉ trong mấy tháng mà số người đông đến cả mấy vạn)
          Hướng mà khí thế quân khởi nghĩa nhắm tới đã khiến văn võ vương triều Đường chỉ nghe hơi gió mà đã khiếp đảm, đại quân phiệt Cao Biền 高骈 nắm giữ trọng binh cũng không dám kháng cự; nghĩa quân chiếm lĩnh Lạc Dương 洛阳, quân kỉ đạt đến trình độ nghiêm minh “lư lí yến nhiên” 闾里宴然 (thôn xóm yên vui), hãm Đồng Quan 潼关, đóng quân ở Trường An 长安, thể hiện tình hình:
Giáp kị như lưu, tri trọng tắc đồ, thiên lí lạc dịch bất tuyệt.
甲骑如流, 辎重塞途, 千里络绎不绝
          (Quân giáp kị đông như nước chảy, khí giới lương thảo nhiều đến nỗi tắc cả đường, đại quân nối nhau qua lại ngàn dặm liên miên không dứt)
          Còn dân chúng thì:
Giáp đạo tụ quan
夹道聚观
(Tụ tập hai bên đường xem)
          Tất cả những sự kiện đó đều kí thuật một cách chân thực, toàn diện và sinh động, hoàn bị hơn hẳn hai bộ chính sử là TânCựu Đường thư, cho thấy một cách khách quan quy luật xã hội quan bức thì dân phản.
          Để hoàn thành việc biên soạn Thông giám, Tư Mã Quang lần đầu tiên sáng tạo ra một loạt phương pháp khoa học hoá.
Bước đầu tiên: định ra đề cương, bao gồm 2 hạng mục công tác là sự mục tiêu biểu và tư liệu phụ chú. Đề cương yêu cầu thời gian minh xác, phải chuẩn bị cụ thể.
Bước thứ 2: biên sửa thành trường biên, tức viết ra bản thảo. Lúc viết bản thảo, phải dựa theo thứ tự của đề cương, đem những tư liệu của cùng một sự mục kiểm tra, hỗ tương tham chiếu so sánh, chọn những tư liệu tốt, tu chính văn từ, dùng đại tự viết vào chính văn, gặp những chỗ ghi chép mơ hồ thì dùng tiểu tự phụ chú phía dưới chính văn, đồng thời nói rõ lí do chọn và bỏ. Trường biên yêu cầu “ninh thất vu phồn, vô thất vu lược” 宁失于繁, 毋失于略 (thà văn chương có thể thua ở chỗ viết quá rườm rà phức tạp chứ không thể bại ở chỗ viết quá đơn giản sơ lược).
Bước thứ 3: san cải bản thảo. Bao gồm quyền hành chọn hay bỏ nội dung, tái thẩm tra sử liệu, gia công nhuận sắc văn tự.
          Nhiệm vụ hai bước đầu tiên do 3 trợ thủ lần lượt theo sở trường của mình và theo sự phân công mà dần hoàn thành. Bước cuối cùng do một mình Tư Mã Quang hoàn thành. Cả 3 bước làm nên một vòng tròn gắn bó chặt chẽ. Thông giám là một kinh nghiệm quý báu được lưu lại trong việc biên soạn biên niên sử.
          Ngoài ra, Tư Mã Quang còn tiến một bước hoàn thiện phương pháp tự sự và phương pháp bình luận của biên niên thể sử thư. Đối với một số sự kiện trọng đại thì ghi chép liên tục từ đầu đến cuối, rất tường tận, hình thành chương tiết tương đối độc lập. Đối với lịch sử của một thời kì nào đó thì tập trung kí thuật  một hai sự kiện lớn, có khi kiêm cả ghi lại những việc khác khiến chủ thứ phân minh, nổi bật trung tâm. Tự sự trường thiên thường dùng “truy tự pháp” 追叙法, trước tiên thuật lai lịch, thứ đến là bản sự; hoặc dùng “bổ tự pháp” 补叙法, nói rõ hậu quả. Sự việc cùng loại thì cho lời tự, cách vận dụng rộng rãi một số phương pháp tự sự này, đã mở rộng phạm vi kí sự biên niên sử, cũng bổ sung những chỗ thiếu sót vốn có của thể biên niên. Trong phần tự sự có thêm bình luận. Phần bình luận hoặc dùng cụm “thần Quang viết” 臣光曰 bày tỏ ý kiến của riêng bản thân, hoặc mượn lời bình của người khác, kết hợp bình luận trực tiếp và bình luận gián tiếp.
          Tư Mã Quang đọc rất nhiều các loại sử liệu, chắt lọc thành văn bút ưu mĩ lưu loát, tinh luyện xảo diệu, khiến tuyệt nhiên không có ai “ninh tập bản thư, đãi khuy tân lục” 宁习本书, 怠窥新录 (thà quen bản gốc, nhác xem ghi chép mới), đối với việc miêu thuật chiến tranh lại càng vô cùng hấp dẫn.
          Việc biên soạn Thông giám của Tư Mã Quang đã có ảnh hưởng rất sâu rộng. Về sau, phong khí bổ sung cho trước, nối tiếp theo sau đại thịnh, hình thành hàng loạt. Sử thư kí sự theo thể bản mạt, văn thư theo thể cương mục cải biên Thông giám mà thành đã hình thành phong khí thịnh đạt tươi mới, như mặt trời giữa ban trưa; những trước tác chú thích, bổ đính, bình luận Thông giám nối gót nhau mà trổi dậy, tự thành một hệ thống, do đó hình thành nên “Thông giám học” 通鉴学. Đại sư lí học Chu Hi 朱熹, đại gia tư tưởng Vương Phu chi 王夫之, cũng tự giác gia nhập đội ngũ “Thông giám học”. (hết)

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 16/02/2020

TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post