Dịch thuật: Tư Mã Quang với "Tư trị thông giám"

TƯ MÃ QUANG VỚI “TƯ TRỊ THÔNG GIÁM”

          “Sử học song bích” 史学双璧 là chỉ Sử kí 史记 Tư trị thông giám 资治通鉴. Tác giả của 2 bộ sách này là Tư Mã Thiên 司马迁 thời Tây Hán và Tư Mã Quang 司马光 thời Bắc Tống. Do bởi hai người cùng một tính nên còn được gọi là “Sử giới lưỡng Tư Mã” 史界两司马. Nếu nói Sử kí là tấm bia to lớn đầu tiên về “kí truyện thể sử thư” 记传体史书, thì Tư trị thông giám là ngọn cờ đầu cao nhất về “biên niên thể sử thư” 编年体史书.
          Tư Mã Quang, tự Quân Thực 君实 , người làng Thúc Thuỷ 涑水 huyện Hạ (nay thuộc Sơn Tây 山西) Thiểm Châu 陕州, sinh năm 1019 (niên hiệu Thiên Hi 天禧 thứ 3 đời Tống Chân Tông 宋真宗) tại huyện Quang Sơn 光山 (nay thuộc Hà Nam 河南). Phụ thân của ông là Tư Mã Trì 司马池 lúc bấy giờ là Huyện lệnh huyện Quang Sơn 光山, nhân vì huyện Quang Sơn thuộc Quang Châu 光州, cho nên đã đặt tên cho ông là Tư Mã Quang.
          Từ năm lên 6 tuổi, Tư Mã Quang bắt đầu tiếp thụ sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình. Năm 7 tuổi, nghe người khác giảng Tả truyện 左传, ông cảm thấy vô cùng ý vị,về nhà kể lại , kể rất mạch lạc. Năm 15 tuổi đã có thể viết ra bài văn cổ phác thuần hậu mang phong cách thời Tây Hán. Đến năm 20 tuổi, thi đậu Tiến sĩ, bước vào con đường làm quan.
          Tư Mã Quang trước năm 20 tuổi đã lập chí thành danh, khắc khổ cầu học. Từ đó mãi cho đến năm 52 tuổi, ông trở thành một vị quan hết lòng vì việc nước, chính trực dám nói. Thời Nhân Tông 仁宗 từ chức Vũ Thành Quân phán quan 武成军判官, nhập làm Đại lí bình sự 大理评事, gia Tập hiền hiệu lí 集贤校理, xuất làm Vận Châu học quan 郓州学官, Tịnh Châu thông phán 并州通判, tái nhập làm Thái thường bác sĩ 太常博士, Trực bí các 直秘阁, rồi Khởi cư xá nhân 起居舍人, Đồng như gián viện 同如谏院, lại đổi làm Thiên Chương các đãi chế 天章阁待制 kiêm Thị độc 侍读, Tri gián viện  知谏院. Anh Tông 英宗 kế vị, ông được thăng làm Long Đồ các Trực học sĩ 龙图阁直学士. Thần Tông 神宗 kế vị, được đề bạt làm Hàn lâm học sĩ 翰林学士 kiêm Thị độc học sĩ 侍读学士, kiêm nhiệm Ngự sử trung thừa 御史中丞. Do bởi ở một vài vấn đề nguyên tắc không hợp quan điểm với Vương An Thạch 王安石, ông phản đối tân pháp.
          Từ nhỏ Tư Mã Quang rất yêu thích lịch sử, lớn lên một chút, so với người khác chỉ có hơn chứ không có kém. Cả một đời của Tư Mã Quang chưa hề buông bỏ sự tìm tòi nghiên cứu đối với sử học. Trong quá trình trường kì nghiên cứu, ông cảm thấy sử thư mênh mông như biển lớn, khiến “chư sinh lịch niên mạc năng tận kì thiên đệ, tất thế bất hạ cử kì đại lược” 诸生莫能尽其篇第, 毕世不暇举其大略 (chư sinh không ai có thể đọc hết các thiên chương, cả đời không ngừng nêu ra những mưu lược), nhân đó mà thường nghĩ đến việc biên soạn một bộ sử thư giản minh hoàn chỉnh để giải quyết khó khăn này, thoả mãn nhu cầu bức thiết của xã hội. Trong tình hình triều Bắc Tống bần nhược, thế nước ngày càng đi xuống, Tư Mã Quang càng ý thức mãnh liệt: “trị loạn chi nguyên, cổ kim đồng thể, tái tại phương sách, bất khả bất tư” 治乱之源, 古今同体, 载在方册, 不可不思 (gốc của việc trị loạn, xưa nay là một, có ghi chép ở các sách, không thể không suy nghĩ đến), lấy sử làm tấm gương soi, cung cấp những bài học nghiệm cho quân vương, thế phải làm. Mục đích chính trị này và sự kết hợp học thuật đã thúc đẩy Tư mã Quang phát phẫn soạn sử, trước tiên soạn ra bộ Lịch niên đồ 历年图 5 quyển, vào niên hiệu Trị Bình 治平 nguyên niên (năm 1064) dâng lên Tống Anh Tông 宋英宗, sau soạn bộ Thông chí 通志 8 quyển. tiếp đó dâng lên. Bộ trước là niên biểu đại sự từ thời Chiến Quốc đến thời  Ngũ Đại, bộ sau là sử biên niên dừng ở Tần Nhị Thế 秦二世. Đối với bộ sau, Tống Anh Tông rất tán thưởng, nên vào tháng 4 năm Trị Bình thứ 3 (năm 1066) mệnh cho Tư Mã Quang thiết lập Sử cục, tự để ông tìm kiếm trợ thủ, tiếp tục biên soạn sự tích quân thần các đời. Năm sau Thần Tông 神宗 lên ngôi, Tư Mã Quang dâng sách đó, Thần Tông cho rằng “giám vu vãng sự, hữu tư vu trị đạo” 鉴于往事, 有资于治道, (lấy sự hưng suy của đời trước làm gương, hi vọng có lợi cho việc trị quốc) thế là ban cho tên là “Tư trị thông giám” 资治通鉴, đồng thời đích thân viết lời tựa, động viên ông tiếp tục soạn sử. Bốn năm sau, Tư Mã Quang nhân vì cuối cùng không hợp chính kiến với Vương An Thạch, đã lui về Lạc Dương 洛阳, để Sử cục tự lo liệu, duy chỉ có Thông giám 通鉴 là nhiệm vụ chính, từ một gián thần biến thành một học giả không cầu nổi tiếng, phát phẫn mà biên soạn. Từ năm 67 tuổi đến năm 68 tuổi, Tư Mã Quang có vai trò chính trong việc phế bỏ tân pháp. Sự nghiệp chủ yếu của cả đời ông không phải về chính trị mà về học thuật, đặc biệt cao nhất là sử học..... (còn tiếp)

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 15/02/2020

TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post